Chuyện Đời Tôi
Kể từ thế kỷ XIX đến nay, văn đàn thế giới xuất hiện và tồn tại bền bỉ theo thời gian và không gian một tên tuổi khổng lồ: Hans Christian Andersen.
Với tự truyện Mit Livs Eventyr (Chuyện đời tôi) của ông, độc giả Việt Nam có dịp tiếp cận đại văn hào ở đa diện góc nhìn hơn, khi ông xuất hiện ở tư cách một nhà thơ, một kịch tác gia, một tiểu thuyết gia trước khi là một nhà văn chuyên viết truyện thần tiên cho thiếu nhi. Cũng qua tự truyện này, không chỉ thuật lại những năm tháng tuổi thơ cùng nhiều duyên may định mệnh đã tạo nên bước ngoặt thay đổi đời mình, Andersen còn tiết lộ những chi tiết thú vị về đời sống viết lách phong phú của mình, với chất liệu dồi dào được ông thu thập qua biết bao những chuyến du ký qua nhiều xứ sở châu Âu, những cuộc gặp và tương tác với nhiều nhân vật nổi tiếng, tiêu biểu của thế kỷ XIX ở Đức, Pháp, Ý, Hà Lan, Thụy Điển, Anh, và cả những vùng đất và những công quốc mà giờ đây chỉ còn được chúng ta biết đến qua các tài liệu lịch sử…
Đầy ắp chi tiết thú vị, chứa đựng gần như toàn vẹn tâm hồn của một tác giả lãng mạn, đầy tình thương yêu dành cho con người, Chuyện đời tôi xứng đáng là cuốn sách tiếp theo của Andersen được “gối đầu giường” bên cạnh những tuyển tập truyện thần tiên đã quá nổi tiếng của ông.
TRÍCH ĐOẠN HAY
[Andersen là nhà văn của Đức Tin, luôn một lòng tin tưởng vào sự an bài của Chúa và chấp nhận vượt qua mọi thử thách. Trên thực tế, Andersen được chào đón ở toàn thể châu Âu thông qua các bản dịch tiếng Đức nhưng lại hay bị chê bai ở quê nhà Đan Mạch, và ông đã kiên nhẫn chịu đựng vượt qua.]
“May mắn và đầy biến cố, đời tôi là một câu chuyện thú vị. Nếu như lúc tôi còn nhỏ, bước vào đời trong cảnh nghèo khó và cô đơn mà có một bà tiên hiện ra bảo rằng: “Bây giờ con hãy chọn đường đời của con, và mục đích con muốn gắng công đạt tới, sau đó, tùy theo sự phát triển trí tuệ của con và khi thấy hợp lý, ta sẽ dẫn dắt và bảo vệ để con đạt được điều ấy,” thì dẫu như vậy, số phận của tôi cũng không thể nào được định hướng sao cho vui vẻ hơn, thận trọng hơn hay tốt đẹp hơn. Câu chuyện đời tôi sẽ cho mọi người biết điều mà tôi luôn được nhắn nhủ: Có một Đấng Chúa Trời đầy lòng yêu thương sẽ dẫn dắt mọi sự theo hướng tốt đẹp nhất.”
“Điều gì đang chờ đợi? Tôi không biết, nhưng tôi sẽ chào đón những năm tháng sắp đến với lòng biết ơn và hy vọng. Cả cuộc đời tôi, những ngày tươi sáng cũng như u ám, đều dẫn tới những điều tốt đẹp nhất, giống như một chuyến viễn du đưa tới một cái đích đã biết trước. Tôi là người cầm lái, tôi đã chọn lộ trình, nhưng Chúa sẽ quyết định sóng gió, bão dông. Ngài có thể đưa con tàu của tôi đi theo đường khác; và sau đó, dù thế nào đi nữa, đích đến dành cho tôi vẫn sẽ là tốt nhất.”
– Trích Chuyện đời tôi, “Chương XII”
[Andersen là nhà văn của phụ nữ và trẻ em]
"Đấy! Hết bảy ngày trong tuần! Bạn có thể thấy rằng tôi luôn nói trước tiên về người mẹ trong mỗi gia đình, họ luôn hiểu được ý nghĩ của tôi – những phụ nữ ấy chính là người làm cho chiếc bàn ăn trở nên tuyệt đẹp và ánh nắng tỏa sáng khắp gian phòng."
[Những gì người nổi tiếng cùng thời viết về Andersen, thể hiện Andersen còn là nhà văn của những gì bí ẩn ẩn giấu trong sự vật, cây cối, thiên nhiên… như thể tâm hồn Andersen có thể cảm nhận được những rung động rất nhỏ từ cả sự vật, giống như nhân vật công chúa trong truyện ngắn “Công chúa và hạt đậu” của ông.]
“Nếu như ở một phương diện, anh [Andersen] đã thấu suốt sâu sắc hơn những bí ẩn của tự nhiên; hiểu biết được ngôn ngữ của các loài chim, và thế nào là cảm xúc của một cây linh sam hoặc một đóa hoa cúc, để cho mỗi loài dường như tự nó tồn tại ở đó, và chúng tôi và con cái chúng tôi đồng cảm với niềm vui và nỗi buồn của chúng; thì ở phương diện khác, tất cả chỉ là hình ảnh của tâm trí; và trái tim con người, trong sự vô tận của nó, run rẩy bồi hồi trong toàn bộ mọi câu chuyện. Cầu mong cho suối nguồn sáng tạo trong tâm hồn thi nhân này – điều mà Chúa đã ban cho anh – vẫn sẽ tuôn trào tươi mát lâu dài, và cầu mong những câu chuyện này trong ký ức của các quốc gia nói tiếng Đức sẽ trở thành những truyền thuyết của dân gian!”
– Trích thư của Giáo sư Hase gửi cho Andersen
Và xuyên suốt cuốn sách, nhất là ở phần II, ta sẽ thấy Andersen xứng đáng là một phượt thủ, nhờ sống tốt mà hay được bạn bè ở các nước châu Âu mời đến chơi và sống. Các chi tiết trong các chuyến du hành cho chúng ta thấy:
- Thế kỷ XIX, châu Âu quan tâm đến văn hóa nghệ thuật như thế nào
- Bố cục địa chính trị của châu Âu ở thế kỷ XIX (còn nhiều công quốc và vương quốc nhỏ, Đứa còn chưa sáp nhập các công quốc nhỏ và xứ vào mình; các cuộc chiến tranh sáp nhập…)
- Tầm quan trọng của các công quốc nhỏ nay thuộc Đức ở châu Âu
- Kịch có vai trò quan trọng ở châu Âu vào thế kỷ XIX, theo sau đó là tiểu thuyết; vai trò của báo chí của châu Âu thì khá giống ngày nay: giật tít :D
Qua các chuyến đi, Andersen cũng ghi chép để có những tác phẩm xuất bản, các chuyến đi của ông qua các xứ mà nay thuộc Đức, qua Pháp, Ý, Anh, các nước Bắc Âu, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ… đều được ghi chép và thuật lại, có một số nhận xét khá hay.
Và sau chuyến đi đến Nam Âu vào đúng mùa hè nóng nực, Andersen buộc lòng phải kết luận:
“Tại Jena, tôi hợp tác với Giáo sư Wolff trong việc dịch sang tiếng Đức một số bài thơ trữ tình của tôi; nhưng sức khỏe của tôi rất mong manh. Tôi, một người rất yêu miền Nam, giờ buộc lòng phải công nhận rằng mình là một đứa con của miền Bắc, với máu thịt và thần kinh đều có cội nguồn từ tuyết và dông bão. Từ từ, đường về Đan Mạch càng gần.”
VỀ TÁC GIẢ:
HANS CHRISTIAN ANDERSEN
(1805-1875)
Đại văn hào của thế giới. Đại diện tiêu biểu của dòng tác phẩm văn chương folklore của châu Âu. Người sáng tác nên những tác phẩm làm suối nguồn nuôi dưỡng tâm hồn trẻ (và cả người lớn) chúng ta.
Các tác phẩm tiêu biểu:
- Nàng tiên cá
- Chú lính chì dũng cảm
- Bộ quần áo mới của hoàng đế
- Vịt con xấu xí
- Cô bé bán diêm
- V.v.
Ngoài các tác phẩm thuộc thể loại truyện thần tiên, Andersen còn là kịch tác gia, nhà thơ với số lượng tác phẩm khá đồ sộ, thể hiện nhiều khía cạnh đa dạng đa màu sắc trong thế giới quan và nhân sinh quan của ông, cũng như phần nào thể hiện đời sống châu Âu thế kỷ XIX.
Một số tác phẩm tiêu biểu của ông ngoài các truyện thần tiên:
Tập thơ đầu tiên gồm 47 bài xuất bản năm 1830
Improvisatoren (Người ứng tác), tiểu thuyết, 1835
O. T., tiểu thuyết, 1836
Kun en Spillemand (Chỉ là người chơi vĩ cầm), tiểu thuyết, 1837
En Digters Bazar (Phiên chợ của nhà thơ), tập du ký, 1842
Den nye Barselstue (Phòng sản phụ mới), kịch phẩm
Lykkens Blomst (Đóa hoa hạnh phúc), kịch phẩm, 1845
Liden Kirsten (Cô bé Kirsten), opera, 1846
V.v.