Cha Con Giáo Hoàng
Cha con Giáo hoàng lấy bối cảnh Italy thời kỳ Phục hưng. Tiểu thuyết là câu chuyện về những dã tâm chính trị của nhà Borgia – “gia đình tội phạm đầu tiên” theo nhận định của Puzo. Ở đó, Giáo hội nắm quyền thống trị tối cao, nhưng ẩn dưới tấm áo choàng đỏ luôn là lửa tham vọng rực cháy. Để hoàn thành cuốn tiểu thuyết, Puzo đã dành ra hai mươi năm tâm huyết với mong muốn đây sẽ là tác phẩm hay nhất đời mình.
Cha con Giáo hoàng là một thiên sử thi xuất sắc, pha trộn màu sắc lãng mạn với chất cuồng điên của lòng tham quyền lực, những mưu ma chước quỷ, tội lỗi và trừng phạt… vượt xa khỏi trí tưởng tượng của người thường. Cuốn sách mang người đọc du hành đến một không gian, thời gian hoàn toàn khác, nơi Giáo hội nắm quyền thống trị tối cao, nơi lửa tham vọng ngùn ngụt cháy dưới tấm áo choàng đỏ rực. Đây là câu chuyện về mối quan hệ cha con kì lạ: gắn bó với nhau bởi huyết thống, lòng tận tụy và những ý đồ đen tối; về một gia đình khét tiếng mà công trạng và tội lỗi còn mãi lưu truyền hậu thế: gia đình Borgia.
GIỚI THIỆU TÁC GIẢ:
Mario Puzo (1920 – 1999) là nhà văn, nhà biên kịch người Mỹ. Ông sinh ra trong một gia đình nhập cư nghèo gốc Napoli, sống tại khu phố Hell's Kitchen của thành phố New York. Sau khi tốt nghiệp trường City College of New York, ông gia nhập binh chủng Không quân Hoa Kỳ trong Thế Chiến II, nhưng sau đó do thị lực kém nên được điều về làm nhân viên quan hệ công chúng tại Đức. Năm 1950, ông ra mắt truyện ngắn đầu tay The Last Christmas. Năm năm sau, ông xuất bản cuốn sách đầu tiên, The Dark Arena, trong lúc đang đảm nhiệm vị trí biên tập viên cho nhà xuất bản Martin Goodman. Thời gian này, ông còn tham gia viết bài cho một số tạp chí dành cho đàn ông như Male, True Action và Swank. Những ký ức về Thế Chiến II được ông tái hiện qua các bài báo đăng trên tờ True Action dưới bút danh Mario Cleri. Năm 1965, ông xuất bản The Fortunate Pilgrim (Đất tiền đất bạc). Năm 1969, tiểu thuyết The Godfather (Bố già), tác phẩm nổi tiếng nhất của Puzo, ra đời và gây tiếng vang lớn trên văn đàn thế giới, nhanh chóng được chuyển thể thành phim và đạt ba giải Oscar sau đó. Mario Puzo tiếp tục phát triển sự nghiệp văn chương và xuất bản nhiều tiểu thuyết ăn khách như Fools Die (1978), The Sicilian (1984), The Fourth K (1990), The Last Don (1996). Năm 1999, ông đột ngột qua đời sau một cơn trụy tim. Hai bản thảo cuối cùng của Puzo được xuất bản sau khi ông mất là Omertà (2000) vàThe Family (2001).
ĐÁNH GIÁ TÁC PHẨM:
“Hấp dẫn không ngừng, ly kỳ với những tình tiết xoay quanh tệ tham nhũng, mưu đồ phản bội, sát hại lẫn nhau, đan xen cùng chất trữ tình đậm đà và các giá trị gia đình.” (Time)
“Puzo là người kể chuyện thiên tài với một thủ pháp miêu tả kỳ lạ khiến độc giả cứ phải nhấp nhổm lật giở từ trang này sang trang khác. Hãy gọi đó là thứ văn chương gây nghiện.” (USA Today)
“Tài năng của Puzo nằm ở chỗ ông biết sáng tạo nên một thế giới đa sắc, mỗi nhân vật có tính cách và lối hành xử riêng… khiến mỗi khi đọc tác phẩm của ông, ta luôn có cảm giác vui sướng đầy tội lỗi.” (New York Post)
“Một trong những tác phẩm hay nhất của Puzo… Cốt truyện lôi cuốn, tỉ mỉ với những nhân vật nổi tiếng lịch sử nhưng được miêu tả đầy chân thật… Đậm chất sử thi, một di tác vô cùng hấp dẫn mà ông hoàng tiểu thuyết mafia để lại cho đời.” (Booklist)