Cây Bút Trước Những Ngọn Đèn Tỏa Sáng
Cuốn “Cây bút trước ngọn đèn tỏa sáng” là tập ký của nhà báo - nhà văn lão thành Đoàn Minh Tuấn, do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành tháng 6/ 2024. Tác phẩm là tập hợp 17 bài viết về 15 gương mặt gạo cội của nền văn nghệ nước nhà trước thời kỳ Đổi mới mà trong cuộc đời làm báo của mình tác giả may mắn được gặp gỡ và trí tuệ và nhân cách của họ đã để lại những ấn tượng sâu đậm trong ông. Gồm: Nhà lãnh đạo – nhà văn hóa Phạm Văn Đồng (2 bài) cùng một số văn nghệ sĩ tên tuổi của nền văn nghệ cách mạng: Phan Chánh, Xuân Diệu, Xích Điểu, Huỳnh Văn Tiểng, Nguyên Hồng, Tô Hoài, Tế Hanh, Phạm Tường Hạnh, Thế Lữ, Nguyễn Sáng, Đoàn Giỏi (2 bài), Mộng Tuyết, Xuân Trình, Nguyễn Tuân. Đó là chân dung thế hệ vàng của đội ngũ những trí thức, văn nghệ sĩ Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh - những người được trưởng thành trong 2 cuộc kháng chiến và bầu khí quyển trong lành của thời kỳ xã hội chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Qua các phác thảo sinh động về chân dung những đồng nghiệp cùng thời, bạn đọc còn thấy được vẻ đẹp bức chân dung tâm hồn của chính người cầm bút Đoàn Minh Tuấn – một cán bộ tận tụy với công việc, một con người trung thực, khiêm nhường, một người bạn rất đỗi thủy chung…
Mở đầu và nổi bật trong tác phẩm là chân dung Thủ tướng Phạm Văn Đồng - nhà cách mạng ưu tú, nhà lãnh đạo tài ba, đồng thời cũng là “Một nhà văn hóa kiệt xuất, danh nhân cứu nước, một trong những khai quốc công thần và lãnh tụ trụ cột của Đảng” (trang 10). Để dựng lại bức chân dung Thủ tướng, người con của đất Quảng anh hùng, tác giả đã tập trung làm rõ tầm vóc của vị lãnh tụ - một tên tuổi được nhân dân và bè bạn năm châu kính yêu, một nhà lãnh đạo văn nghệ có tâm, có tầm và có tài. Hơn 30 năm trên cương vị một nhà lãnh đạo đất nước, ông luôn góp sức chăm sóc và xây dựng nền văn học nghệ thuật nước nhà, hết lòng quan tâm tới đời sống vật chất và tinh thần của anh chị em nghệ sĩ. Cuốn sách: Tổ quốc ta, nhân dân ta, sự nghiệp ta và người nghệ sĩ của ông là một cuốn sách lý luận có tính định hướng cho sự phát triển của nền văn nghệ miền Bắc trong suốt những năm tháng kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Tác phẩm đã cụ thể hóa đường lối văn nghệ của Đảng và có thời kỳ ấn phẩm được coi là cẩm nang cho những người nghệ sĩ. Ở đó, nhà văn hóa Phạm Văn Đồng đã giải quyết nhiều vấn đề rất cơ bản của lý luận văn nghệ đương thời: vai trò, chức năng của văn học nghệ thuật, mối quan hê giữa nội dung và hình thức, nhà văn và quá trình sáng tạo, vấn đề tự do sáng tác của người nghệ sĩ, vấn đề tiếp nhận tinh hóa văn học nghệ thuật thế giới… Là một học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông Tám (tên thân mật của Thủ tướng) còn là một tấm gương đạo đức với lối sống cao đẹp đầy chất nhân văn: giản dị, thanh bạch, liêm khiết, khiêm nhường, cả cuộc đời tận hiến cho nước, cho dân.
Bức chân dung của nhà lãnh tụ hiện lên sinh động và gần gũi, vĩ đại mà bình dị với những phẩm tính đáng quý: tôn trọng con người, yêu quê hương đất nước, sống thủy chung, tình nghĩa nhờ những chi tiết thật đắt giá: dù tuổi cao ông Tám vẫn thường xuyên trở về Mộ Đức thăm già , tặng quà lũ trẻ, thăm quê hương làng xóm; chi tiết Thủ tướng sáng suốt và thẳng thắn bảo vệ triết gia Trần Đức Thảo; tinh tế trong ứng xử với Nguyên Hồng; quan tâm tới đời sống tinh thần, vật chất của các văn nghệ sĩ: tặng rượu Nguyễn Tuân, tặng thuốc Tế Hanh, kịp thời động viện, góp ý chân tình cho chính tác giả bài viết; khi được tặng sách bao giờ cũng đọc kỹ và có thư cám ơn riêng, luôn quan tâm những người dân “thấp cổ bé họng”, lo cho các bé có cốc sữa đậu nành vào mỗi buổi sáng …
Qua đó, bạn đọc càng thêm hiểu, thêm trân trong và kính yêu ông Tám – vị lãnh tụ, đồng thời cũng là một gương mặt tiêu biểu của đội ngũ trí thức nghệ sĩ Việt Nam, là sự kết tinh vẻ đẹp của con người Việt Nam ngàn đời.
Nghệ thuật là sáng tạo, là không lặp lại nên mỗi chân dung nghệ sĩ được nhà văn xây dựng theo một cách riêng, mỗi nghệ sỹ xuất hiện với một cá tính sáng tạo riêng; mỗi vùng miền lại có một nét văn hóa riêng: những kẻ sĩ Bắc Hà kín đáo thâm trầm; trí sỹ Nam Bộ bộc trực, phóng khoáng; “Dải đất miền trung dằng dặc với núi cao sông sâu đã sản sinh ra một loạt nhà thơ xuất chúng: Tố Hữu, Tế Hanh, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Hàn Mạc Tử, Bích Khê, Huy Cận…Lưu Trong Lư…những tên tuổi bất tử (tr 91). Tuy mỗi người chỉ đôi nét phác họa nhưng bằng cái tài và cái tình của mình, tác giả đã đặc tả được thần thái và hồn vía của chân dung từng nhân vật trên cả hai phương diện: tài năng và phẩm chất đạo đức.
Lão họa sĩ tài ba Nguyễn Phan Chánh với những bức tranh “mang đậm hồn dân tộc…màu sắc dịu dàng, kín đáo… một tâm hồn thuần khiết (tr30)... một tài năng được nuôi dưỡng trong tâm hồn trong sạch của quần chúng, một nhà nghệ sĩ chân chính…(tr.33)
Trong khi đó, Nguyễn Sáng - ngọn bút thần vẽ chân dung lại được tác giả quan tâm tới tài biến ảo khôn lường để tạo nên sự độc sáng của một tài năng rất đa phong cách: Có lúc nét vẽ khỏe như võ sĩ, lúc dịu dàng ẻo lả diễm lệ như nàng Kiều (tr. 98)
Nguyễn Tuân là một người đa tài, vô cùng cá tính và có phần cực đoan. Ông không chỉ viết văn mà rất mê vẽ, thích làm báo, thích đóng phim và ưa xê dịch. Ông đã tìm thấy chính mình ở thể ký và lại dấu ấn đậm nét ở thể loại tùy bút nhưng theo ông, nếu được chọn lại ông sẽ chọn nghề vẽ.
Xuân Diệu được Đoàn Minh Tuấn nhấn mạnh: “là nhà thơ tình lớn của phương Đông” (tr. 35). Vốn là người khát khao giao cảm với đời, ông hoàng thơ tình đất Việt luôn cháy lên để sáng. Với trữ lượng văn hóa lớn, nhà thơ đã thử bút ở lĩnh vực phê bình và đã thật sự thành công. Văn Xuân Diệu trong sáng, giàu hình tượng dễ thuyết phục, lôi cuốn bạn đọc. Ông cũng là một dịch giả, một diễn giả say mê đọc thơ, bình thơ và có khả năng truyền cảm hứng mạnh mẽ tới công chúng.
Xích Điểu nổi bật với phong cách nghệ thuật rất riêng: phong cách trào phúng. Mà theo nhà văn học họ Đoàn, lý do quan trọng làm nên nét đặc sắc của lão nghệ sĩ là nhờ ông rất am hiểu về văn hóa nghệ thuật truyền thống dân tộc.Chính lối hài hước của chèo cổ, tuồng, thơ ca truyền thống đã giúp ông trở thành một nhà thơ trào phúng bậc thầy.
Còn Nguyên Hồng nhà văn lớn của những người khốn khổ, sống rất đời và luôn đứng về phe nước mắt. Ông là người rất giàu tình cảm và luôn sống bằng ánh sáng trí tuệ của trái tim.
“Tô Hoài viết khỏe, đi khỏe, ngòi bút rất cường tráng, sống rất giản dị và chân tình (tr 64). Ông rất quý các nhà văn trẻ, Mỗi khi anh em cần chi viện thì chi viện một cách vô tư, không hoàn lại (tr. 62). Trong nền văn học Việt Nam hiện đại, lao động nghệ thuật của ông khó ai sánh kịp. Ông là một tác giả rất lớn cả về số lượng đầu sách, chất lượng tác phẩm và cả thời gian cống hiến cho nghệ thuật. Hơn 70 năm miệt mài cầm bút, nhà văn lão thành của vùng Nghĩa Đô, Hà Nội có tới mấy trăm đầu sách. Riêng “Dế mèn Phiu lưu ký” của ông không chỉ đã, đang và sẽ song hành cùng trẻ em Việt Nam mà còn vượt ra khỏi biên giới nước nhà đến với thiếu nhi nhiều nước trên thế giới.
Huỳnh Văn Tiểng là người “nhiệt tình với công việc, có hôm làm việc tới tờ mờ sáng (tr. 50)… Là nhà báo lớn, người thầy, nhà hoạt động chính trị và người quản lý rất sâu sát nhiệt tình…hiền như ông Bụt nhưng rất nguyên tắc khi làm nhiệm vụ (tr 51). Đặc biệt ông rất yêu thương đồng chí, đồng đội . Ngay cả khi phải ngồi xe lăn vẫn không thôi lo lắng cho người em mà ông quý mến là Đoàn minh Tuấn.
Nguyễn Tường Hạnh là “một ông lão càng già càng dẻo càng dai…”. Làm việc bền bỉ ngày này qua ngày khác. Cứ thế gần như suốt cuộc đời và anh đã để lại dấu ấn trong các văn phẩmm… Đây là một con người đầy nghị lực trong nghề nghiệp và trong cả cuộc đời “(Nguyễn Đình Thi, tr. 82).
Tế Hanh là kẻ nặng tình với quê hương xứ xở, nặng tình với dòng sông Trà Khúc thơ mộng… “Chừng như theo tuổi anh có thêm chiều sâu và mặn mà tình yêu quê hương và mảnh đất Ba Làng An… Qua tập thơ “Đi suốt bài ca”, tác giả đã nói giúp những đứa con miền Nam tấm lòng với quê hương miền Nam, đối với hậu phương miền Bắc (tr. 78).
Mộng Tuyết là cây bút nữ duy nhất được Đoàn Minh Tuấn đưa vào trong tác phẩm “Cây bút trước ngọn đèn tỏa rạng”. Thơ của người con gái hay chữ phương Đông đó có giọng điệu riêng với “vẻ yêu kiều riêng với nhiều cung bậc: lúc bàng bạc, như sương kính, nhiều khi lại hồn nhiên nhí nhảnh…” (tr. 145).
Đoàn Giỏi là tác giả có nhiều đóng góp cho văn học thiếu nhi. Đặc biệt cuốn “Đất rừng phương Nam” của ông không chỉ các em mà cả người lớn rất yêu thích. Lúc ông ra đi còn để lại bao nhiêu dự định dang dở. Chính tác giả - người bạn thân thiết của ông với tấm lòng trung thực đã thay ông công bố tiểu thuyết “Núi cả, sông ngàn”mà ông đang trong qúa trình thai nghén.
Trong cái nhìn rất tinh của Đoàn Minh Tuấn, nhà viết kịch tài danh Xuân Trình là người hiếu học và rất cầu thị, lúc nào ông cũng đề nghị bạn bè góp ý cho tác phẩm của mình…nhưng là một cá tính sáng tạo rất riêng và đầy bản lĩnh, ông không bao giờ làm theo ý họ …
Mỗi chân dung nghệ sỹ cùng thời, dưới ngòi bút Đoàn Minh Tuấn mang một vẻ đẹp riêng, một dáng vẻ độc đáo riêng nhưng khi đứng cạnh nhau, như những ngọn đèn không ngừng tỏa sáng, chúng đã kết thành bức chân dung thế hệ vàng của đội ngũ văn nghệ sỹ Việt Nam bởi mỗi con người chứa một phần lịch sử . Đó là mô hình con người Việt Nam, theo kiểu: con người đạo đức và con người cộng đồng, mà cao nhất là cộng đồng dân tộc. Nên có thể nói, nếu con người Trung Hoa là con người gia tộc, con người phương Tây là con người cá nhân thì on người Việt Nam là con người dân tộc. Mang trong mình tư tưởng nhân văn sâu sắc, những con người giàu đức hy sinh ấy đã hết lòng cống hiến cho quê hương, đất nước, gia đình. Bằng tâm thế của người trong cuộc, bằng tấm lòng tri âm, tri kỷ, nhà văn Đoàn Minh Tuấn đã xây dựng thành công bức chân dung thế hệ vàng của văn nghệ sỹ Việt Nam thời đại Bác Hồ.