Các Triết Gia Thế Tục - Cuộc Đời, Thời Đại Và Tư Tưởng Của Các Nhà Kinh Tế Vĩ Đại
“Các triết gia thế tục” - một trong những cuốn sách kinh tế học bán chạy nhất mọi thời đại.
Cuốn sách được xuất bản năm 1953, đã bán gần 4 triệu bản trên khắp thế giới, “Các triết gia thế tục - Cuộc đời, thời đại và tư tưởng của các nhà kinh tế vĩ đại” của Robert L. Heilbroner là cuốn sách về một số người đã nổi danh một cách kỳ lạ. Đó là những nhà kinh tế học vĩ đại, nhưng kỳ lạ là chúng ta lại biết rất ít về họ.
Vậy họ là ai? Có ảnh hưởng như thế nào đến nền kinh tế hiện nay?
Trong sách giáo khoa lịch sử, họ chỉ là những kẻ vô danh: không chỉ huy bất kỳ đội quân nào, không giết hại bất kỳ ai, càng không thống trị một đế chế hay chẳng mấy tham gia vào những quyết định mang tính lịch sử. Một vài người trong số họ dù có danh tiếng nhưng không ai là anh hùng dân tộc. Một số người còn từng bị lợi dụng, nhưng không ai là kẻ phản bội tổ quốc. Tuy vậy, những gì họ đã làm đều có ý nghĩa quyết định với lịch sử hơn nhiều so với những hành động của các chính khách được bủa vây trong ánh hào quang.
Họ thường gây ra sự xáo trộn mãnh liệt hơn việc điều động quân đội ngoài biên giới và những việc họ làm, dù tốt hay xấu, đều có sức ảnh hưởng hơn cả những sắc lệnh của nhà cầm quyền. Và như thế, họ định hình và làm thay đổi tâm trí của con người.
Cũng chính bởi vì họ nắm được tâm trí của con người nên điều này đã đem lại cho họ sức mạnh lớn hơn cả gươm đao hay quyền trượng, những người này có thể định hình và thay đổi thế giới. Tuy nhiên, rất ít người trong số họ lại tham gia vào thực tiễn, họ chủ yếu là những học giả làm việc một cách âm thầm, lặng lẽ và chẳng mấy quan tâm thế giới nghĩ gì về mình. Nhưng chính họ đã để lại sau lưng mình những đế chế bị sụp đổ và những lục địa tan hoang. Họ giúp củng cố hoặc làm suy yếu chế độ chính trị, họ khiến các giai cấp và các quốc gia nổi lên chống lại nhau, chứ không phải họ gieo nên những mối bất hòa, mà bởi vì sức mạnh phi thường từ chính những tư tưởng của họ.
Điểm chung thường thấy ở họ là trí tò mò. Họ bị mê hoặc bởi thế giới xung quanh, bởi sự phức tạp và dường như hỗn loạn, bởi sự tàn nhẫn ẩn giấu sau vẻ đạo đức và những thành công. Tất cả đều bị hành vi của con người thu hút, thoạt tiên mọi người cùng làm ra của cải vật chất, rồi họ giẫm đạp lên nhau để giành được một phần trong số đó.
Do vậy họ được gọi là những triết gia thế tục. Họ biến thứ động cơ thế tục nhất của loài người – lòng tham – thành một đề tài triết học. Đây không phải là một đề tài triết học đẹp đẽ nhất, nhưng lại là câu hỏi cuốn hút và quan trọng hơn cả.
Hãy cùng tìm hiểu họ qua từng chương sách:
Chương I: Dẫn nhập
Chương II: Cuộc cách mạng kinh tế
Chương III: Thế giới huyền diệu của Adam Smith
Chương IV: Những linh cảm u ám của Mục sư Malthus và David Ricardo
Chương V: Giấc mơ của những nhà Chủ nghĩa Xã hội Không tưởng
Chương VI: Hệ thống không thể lay chuyển của Karl Marx
Chương VII: Thời Victoria và thế giới ngầm của kinh tế học
Chương VIII: Xã hội nguyên thủy của Thorstein Veblen
Chương IX: Những dị giáo của John Maynard Keynes
Chương X: Những mâu thuẫn của Joseph Schumpeter
Chương XI: Chung cuộc của Triết học Thế tục?
Dịch giả Trần Mạnh Cường chia sẻ: “Thực sự, Robert Heilbroner đã khiến tôi đi hết từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, giúp tôi nhận ra sức mạnh thực sự to lớn của các nhà kinh tế đối với sự phát triển của xã hội này. Nhiều lúc, đọc được một đoạn hay, tôi hít một hơi thật sâu và đánh cái phào nhẹ nhõm như vừa ngộ ra được một chân lý mà bấy lâu nay mình đang tìm kiếm. Cuốn sách thực sự đã đưa đường chỉ lối cho tôi trong quá trình khám phá vương quốc kinh tế học.”
Cuốn sách dành cho các bạn độc giả yêu thích tìm hiểu về Kinh tế học, yêu thích tìm hiểu về các nhân vật nổi tiếng.
THÔNG TIN TÁC GIẢ:
Robert L. Heilbroner (1919-2005), là một nhà kinh tế học và nhà sử học kinh tế nổi tiếng người Mỹ. Tên của ông được dùng làm tên của một trung tâm nghiên cứu (The Robert L. Heilbroner Center for Capitalism Studies) tại trường The New School for Social Research ở New York.
Các triết gia thế tục: Cuộc đời, thời đại và tư tưởng của các nhà kinh tế vĩ đại là cuốn sách nổi tiếng nhất của Robert L. Heilbroner. Là một trong hai cuốn sách kinh tế học bán chạy nhất mọi thời đại.
TRÍCH ĐOẠN HAY
“Sau khi Adam Smith đưa ra bức tranh đầu tiên phản ánh đúng xã hội hiện đại, cả thế giới phương Tây đều trở thành thế giới của Adam Smith: tầm nhìn của ông trở thành kim chỉ nam cho hành động của các thế hệ. Adam Smith chắc hẳn không bao giờ nghĩ mình là một nhà cách mạng; ông chỉ cho mình là rất thông minh, nhạy cảm, và bảo thủ. Nhưng ông đã tạo ra cho thế giới một hình ảnh về chính mình mà nó đang tìm kiếm. Sau Sự Thịnh vượng của các Quốc gia, con người bắt đầu nhìn thế giới xung quanh bằng một con mắt khác. Họ thấy được làm thế nào những nhiệm vụ của mình ăn khớp với tổng thể xã hội, và họ thấy được tổng thể xã hội đang hùng dũng tiến bước về phía một mục tiêu xa xôi nhưng hoàn toàn rõ ràng. Tóm lại, một tầm nhìn mới đã xuất hiện.”
(Trích Chương II: Cuộc cách mạng kinh tế)
“Di sản mà Ricardo để lại cho thế giới đã rất rõ ràng. Ông đã bóc trần cách thế giới vận hành và tối giản nó thành mô hình. Sức mạnh của mô hình đó nằm ở chính sự phi thực tế của nó: việc đơn giản hóa thế giới đã tiết lộ những quy luật về địa tô và những vấn đề thiết yếu trong ngoại thương, tiền tệ, thuế, và chính sách kinh tế. Bằng cách mô hình hóa thế giới, Ricardo cho kinh tế học một công cụ trừu tượng quyền năng – một công cụ để loại bỏ nhiễu động của thế giới hằng ngày và phơi bày cơ chế đằng sau. Chắc chắn, như một số nhà quan sát thời bấy giờ nói, mô hình tối giản có thể bỏ qua những thực tế rắc rối và đôi khi không phải là hành vi “lý trí” – một vấn đề sau này được gọi là Nhược điểm Ricardo (Ricardian Vice). Dù vậy, nhờ vào món quà của Ricardo mà kinh tế học được xem như một môn khoa học. Mặt khác, đây cũng là một đặc tính khiến kinh tế học vấp phải nhiều chỉ trích.”
(Trích Chương IV: Những linh cảm u ám của mục sư Malthus và David Ricardo)