Cá Trong Chuông
Hạnh phúc là một hành trình, không phải là đích đến.
Có lẽ vì vậy, đọc tác phẩm Cá trong chuông ta thấy con cá nằm trong chiếc chuông gió ở chùa Unjusa mới quyết tâm đi tìm hạnh phúc.
Con cá – Mắt Ngọc – vốn có “nửa kia” tên Mắt Huyền; ngày ngày, đôi cá cùng ngân lên âm thanh trong trẻo dưới mái hiên, cùng chờ đợi ngọn gió từ rừng thông thổi tới, cùng ngắm nhìn cuộc sống yên bình nơi cửa Phật:
Sang xuân, âm thanh của tôi chạm đến những mầm măng đang nhú nơi rừng trúc, đến hạ, nó chạm tới những hạt sương long lanh đọng trên lá, đông đến, nó chạm tới vết chân thưa thớt trên con đường mòn tuyết phủ trắng tinh.
Nhưng đến một ngày nọ, Mắt Ngọc cảm thấy “sống” như vậy thì sao mà quẩn quanh, nhàm chán. Nó bỗng trở nên bất an với cả Mắt Huyền. Và nó khao khát được mọc cánh để thoát khỏi chùa Unjusa đi tìm hạnh phúc đích thực:
Mùa xuân lại đến, cơn rét nàng Bân lại ùa về, rồi mùa đông qua, cho dù bão tuyết có quật dữ dội đến đâu thì cũng không có gì thay đổi, tôi vẫn ngày ngày ở đây.
Mặc dù ở cùng Mắt Huyền nhưng tôi vẫn thấy cô đơn. Vì cô đơn mà tôi đung đưa theo làn gió.
Câu hỏi về hạnh phúc cứ lớn lên, lớn lên làm Mắt Ngọc bồn chồn, thổn thức, rồi rốt cục nó cũng mọc cánh. Nó vội vã từ biệt Mắt Huyền, háo hức lao vào khoảng không tự do phía trước:
Tôi tràn ngập niềm hưng phấn với cuộc sống mới có thể bay lượn. Tôi phấn khích đến nỗi không biết mình sẽ bay đến đâu.
Và Mắt Ngọc chẳng hề hay biết sự tự do ấy lại đi liền với những hiểm nguy, trắc trở. Vừa được tắm mình trong tự do, con cá đã phải chứng kiến cái chết của bạn mới – chim choi choi:
Tai hoạ diễn ra trong tích tắc. Diều hâu từ tấn công tôi chuyển sang quắp lấy choi choi rồi bay lên vách núi. Nó dùng cái mỏ và bộ móng sắc nhọn moi tim, mổ bụng choi choi ra ăn thịt.
Mất bạn, choáng váng, đau buồn, con cá ở chùa Unjusa tự hỏi tại sao trời vẫn sáng. Nó vội vấn an Đức Phật để tìm câu trả lời, lần đầu tiên nó lại nghĩ về cái chết thay vì hạnh phúc. “Con hãy tự suy nghĩ điều này…” – sau cuộc trò chuyện với Đức Phật, Mắt Ngọc tiếp tục hành trình, nó bay theo những đoàn tàu theo hướng Seoul. Tại đây, nó gặp gỡ bồ câu lông xám, cô bé Da Som dễ thương sống ở chung cư Eunma, các bạn bánh gạo cá chép, chiếc đèn nê ông hình cá chép và cả đàn cá chép bị giam trong quán ăn. Với mỗi nhân vật, Mắt Ngọc lại cùng trải qua một sự kiện hoặc biến cố đáng nhớ, khi thì chia ly, lúc là sinh-tử, để rồi nó dần dần nhận ra tình yêu – hạnh phúc dưới muôn hình hài, muôn sắc thái.
Tình yêu – hạnh phúc không chỉ là cảm giác ngọt ngào, say đắm, tình yêu – hạnh phúc không chỉ là những niềm vui dâng trào, tình yêu – hạnh phúc không chỉ là sự đủ đầy, thuận buồm xuôi gió.
Có cuộc sống nào mà không có khổ đau. Đừng mong chờ sống mà không có khổ đau. Đó là điều thường nhật như hơi thở.
Không có vết thương thì cái đẹp không tồn tại. Ngọc trai nên hình nên dạng từ vết thương. Cánh hoa cũng mang vết thương xây xước.
Lời nhắn từ ánh sao Đức Phật dẫn dắt Mắt Ngọc nghiệm ra biết bao điều, mà trước hết là nghiệm ra chính bản thân.
Tôi bay ngày đêm về hướng chính điện chùa Unjusa, về cuối mái hiên mà tôi từng treo lơ lửng.
Lấy bối cảnh chùa Unjusa qua bốn mùa xuân, hạ, thu, đông, tác giả Jeong Ho Seung đã khởi tạo chuyến đi cho một con cá treo chuông băn khoăn về ý nghĩa hạnh phúc. Trên hành trình đó, thật không ngờ nó phải trải qua những chia cắt, đớn đau... như chính phần tất yếu của hạnh phúc, và nó có cơ hội khám phá tường tận thế giới nội tại của mình (vốn trót bị lãng quên).
Tuy Cá trong chuông vẫn còn những “nhịp hẫng” diễn biến, đặc biệt là diễn biến tâm lý nhân vật song bù lại tác phẩm đã mở ra khung cảnh thiên nhiên đầy dụng ý nghệ thuật, gắn liền với minh họa mang màu sắc rất ấn tượng cùng những cuộc đối thoại hướng vào nội tâm giúp bạn đọc có thêm một cơ hội suy ngẫm về niềm-hạnh-phúc ở-bên-trong.