Bông Hồng Cài Áo - Bìa Cứng
Bông Hồng Cài Áo là tên một đoản văn viết về Mẹ của Thiền sư Thích Nhất Hạnh và cũng là tên một ca khúc bất hủ do Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ sáng tác trong thập niên 1960, lấy ý từ bài viết trên.
Ban đầu, Bông Hồng Cài Áo là tên một bài viết rất cảm động về Mẹ, do Thiền sư Thích Nhất Hạnh viết năm 1962 tại Sài Gòn. Trong bài viết, Thiền sư Thích Nhất Hạnh kể về một tập tục đẹp mà ông gặp ở Nhật Bản:
"Tây phương không có ngày Vu Lan nhưng cũng có Ngày Mẹ (Mother's Day) mồng mười tháng năm (năm đó). Tôi nhà quê không biết cái tục ấy. Có một ngày tôi đi với Thầy Thiên Ân tới nhà sách ở khu Ginza ở Ðông Kinh (Tokyo), nửa đường gặp mấy người sinh viên Nhật, bạn của thầy Thiên Ân. Có một cô sinh viên hỏi nhỏ Thầy Thiên Ân một câu, rồi lấy ở trong sắc ra một bông hoa cẩm chướng màu trắng cài vào khuy áo tràng của tôi. Tôi lạ lùng, bỡ ngỡ, không biết cô làm gì, nhưng không dám hỏi, cố giữ vẻ tự nhiên, nghĩ rằng có một tục lệ chi đó. Sau khi họ nói chuyện xong, chúng tôi vào nhà sách, thầy Thiên Ân mới giảng cho tôi biết đó là Ngày Mẹ, theo tục Tây phương. Nếu anh còn mẹ, anh sẽ được cài một bông hoa màu hồng trên áo, và anh sẽ tự hào được còn mẹ. Còn nếu anh mất mẹ, anh sẽ được cài trên áo một bông hoa trắng..."
Trong bản văn, thay vì như ca khúc Lòng Mẹ ví tình Mẹ như biển bao la, như suối ngọt không cạn, Bông Hồng Cài Áo của nhà sư Nhất Hạnh vẽ nên người Mẹ qua những hình ảnh và lời văn đơn sơ mà gần gũi, và rất đỗi thân thương: Mẹ già như chuối ba hương, Như xôi nếp một như đường mía lau. Nhà sư cũng viết "Thương mẹ là một cái gì rất tự nhiên... Thương mẹ không phải là một vấn đề luân lý đạo đức. Anh mà nghĩ rằng tôi viết bài này để khuyên anh về luân lý đạo đức là anh lầm. Thương mẹ là một vấn đề hưởng thụ... Một món quà như mẹ mà còn không vừa ý thì họa chăng có làm Ngọc hoàng Thượng đế mới vừa ý, mới bằng lòng, mới sung sướng. Nhưng tôi biết Ngọc hoàng không sung sướng đâu, bởi Ngọc hoàng là đấng tự sinh, không bao giờ có diễm phúc có được một bà mẹ."
Cuối cùng bản văn, nhà sư Nhất Hạnh viết :"Ðó là điệp khúc tôi muốn ca hát cho anh nghe hôm nay. Và anh hãy ca, chị hãy ca cho cuộc đời đừng chìm trong vô tâm, quên lãng. Ðóa hoa mầu hồng tôi cài trên áo anh rồi đó. Anh hãy sung sướng đi!"
Như vậy ban đầu bông hoa ở đây không nhất thiết là hoa hồng. Tuy nhiên, khi tập tục này du nhập vào Việt Nam, thì hoa hồng là loại hoa được sử dụng phổ biến nhất.
Trong những năm 1965-1966, khi Phạm Thế Mỹ bị chính quyền Việt Nam Cộng hòa bắt giam vì đấu tranh trong phong trào Phật giáo, ông đã lấy ý từ bài văn trên của sư Nhất Hạnh để viết ca khúc này. Từ đó, bài ca "Bông hồng cài áo" không chỉ luôn luôn được hát lên ở mỗi mùa lễ Vu Lan, mà còn là một trong những ca khúc cảm động, chân thành nhất về Mẹ.
Nhiều ca sĩ đã thể hiện ca khúc này, trong số đó có Thái Thanh, Duy Khánh, Khánh Ly, Tuấn Ngọc, Miên Đức Thắng, Nguyễn Hưng, Cẩm Vân, Quang Linh, Bằng Kiều, Đan Trường, Mạnh Quỳnh...
Thông tin tác giả: Thích Nhất Hạnh
Thích Nhất Hạnh (tên khai sinh Nguyễn Xuân Bảo, sinh ngày 11 tháng 10 năm 1926) là một thiền sư, giảng viên, nhà văn, nhà thơ, nhà khảo cứu, nhà hoạt động xã hội, và người vận động cho hòa bình người Việt Nam.
Ông sinh ra ở Thừa Thiên-Huế, miền Trung Việt Nam, xuất gia theo Thiền tông vào năm 16 tuổi, trở thành một nhà sư vào năm 1949. Ông là người đưa ra khái niệm "Phật giáo dấn thân" (engaged Buddhism) trong cuốn sách Vietnam: Lotus in a Sea of Fire.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã viết hơn 100 cuốn sách, trong số đó hơn 40 cuốn bằng tiếng Anh. Ông là người vận động cho phong trào hòa bình, với các giải pháp không bạo lực cho các mâu thuẫn.
Một số tác phẩm của ông:
- Con sư tử vàng của thầy Pháp Tạng
- Nẻo về của ý
- Am mây ngủ
- Văn Lang dị sử
- Đường xưa mây trắng
- Truyện Kiều văn xuôi
- Thả một bè lau
- Bông hồng cài áo
- Đạo Phật ngày nay
- Nói với tuổi hai mươi
- Trái tim của Bụt
- ...