Bình Luận Khoa Học - Bộ Luật Hình Sự Năm 2015 Được Sửa Đổi, Bổ Sung 2017 - Phần Các Tội Phạm - Quyển 2
Phần các tội phạm cụ thể trong Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 (BLHS 2015) gồm 317 điều với 313 tội danh, chia thành 13 chương, tăng hơn rất nhiều so với Phần các tội phạm trong BLHS 1999. Cụ thể, tăng 40 tội danh (bổ sung 30 tội danh mới, 10 tội danh do tách ra). Trong cuốn sách này, GS.TS Lê Thị Sơn bình luận Chương XIII về Các tội xâm phạm an ninh quốc gia và Chương XVII Các tội xâm phạm chế độ hôn nhân, gia đình; GS.TS Nguyễn Ngọc Hòa bình luận Chương XIV Các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người và Chương XVI Các tội xâm phạm sở hữu; PGS.TS Trịnh Tiến Việt bình luận Chương XV Các tội xâm phạm quyền tự do của con người, quyền tự do, dân chủ của công dân; PGS.TS Dương Tuyết Miên bình luận Chương XVIII Các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế và ThS Lưu Hải Yến bình luận Chương XIX Các tội phạm về môi trường.
Phân hóa trách nhiệm hình sự
Các tội xâm phạm an ninh quốc gia là nhóm tội phạm được quy định tại chương đầu tiên trong phần các tội phạm của BLHS 2015. GS.TS Lê Thị Sơn cho biết: “ Tuy vẫn quy định 14 tội danh thuộc “Các tội xâm phạm an ninh quốc gia” như BLHS năm 1999, nhưng BLHS năm 2015 đã bỏ “Tội hoạt động phỉ” và tách “Tội trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm mục đích chống chính quyền dân chủ nhân dân” thành hai tội danh độc lập là “Tội tổ chức, cưỡng ép, xúi giục người khác trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm mục đích chống chính quyền dân chủ nhân dân” (Điều 120) và “Tội trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân” (Điều 121).
Chương XIV Các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người có 34 điều luật quy định các tội danh cụ thể, có thể phân loại thành ba nhóm. Theo GS.TS Nguyễn Ngọc Hòa, nhóm các tội xâm phạm tính mạng ( gồm 13 tội danh quy định tại các điều từ Điều 123 đến Điều 133 và các điều 148, 149 BLHS); nhóm các tội xâm phạm sức khỏe gồm 7 tội danh quy định tại các điều từ Điều 134 đến Điều 140 BLHS; nhóm các tội xâm phạm nhân phẩm, danh sự gồm 14 tội danh quy định tại các điều từ Điều 141 đến Điều 147 và từ Điều 150 đến 156 BLHS.
Nhìn lại các văn bản pháp luật được áp dụng để xét xử các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người từ trước khi có BLHS đầu tiên năm 1985 đến nay, so sánh với BLHS 2015, tác giả nhận xét: “ Có thể thấy các quy định này có sự phát triển theo hướng phân hóa trách nhiệm hình sự rõ hơn: Các tội danh, các hành vi phạm tội của các tội danh; các khung hình phạt tăng nặng cũng như các tình tiết định khung hình phạt tăng nặng được quy định đầy đủ, cụ thể hơn”.
Bình luận một tội phạm cụ thể là Tội giết người – Điều 123, tác giả so sánh với quy định của một số quốc gia khác, như BLHS Cộng hòa Liên bang Đức, BLHS Thụy Sĩ, BLHS Cộng hòa Pháp, trong đó hành vi cố ý tước đoạt trái pháp luật tính mạng người khác, trường hợp bình thường và trường hợp tăng nặng được quy định thành các tội danh khác nhau hoặc các điều luật khác nhau. “BLHS Việt Nam tuy quy định các trường hợp cố ý xâm phạm tính mạng ( bình thường và tăng nặng) trong cùng một điều luật nhưng đã xếp hành vi cố ý xâm phạm tính mạng của người khác có tình tiết định khung hình phạt tăng nặng (tại khoản 1) trước hành vi cố ý xâm phạm tính mạng của người khác trong trường hợp bình thường ( khoản 2) của điều luật. Việc sắp xếp này có thể bị ảnh hưởng bởi cách sắp xếp của một số quốc gia đã được nêu trên”- tác giả nhận xét.
Bình luận dấu hiệu hành vi khách quan của Tội giết người, tác giả bình luận: “Hành vi có khả năng gây ra cái chết cho con người có thể là hành động như bắn, đâm, chém… Hành vi khách quan của tội giết người cũng có thể là không hành động. Đó là không hành động của người có nghĩa vụ phải hành động, phải làm những việc nhất định để bảo đảm về sự an toàn tính mạng của người khác. Không hành động trong trường hợp như vậy cũng có khả năng gây ra cái chết cho con người. Ví dụ: Không có con mình bú là không hành động của người mẹ có thế gây ra cái chết cho đứa trẻ.
Từ hành vi khách quan của tội giết người có thể khẳng định, đối tượng của hành vi này phải là người khác và là người đang sống”.
Về tội hành hạ người khác, Điều 140 quy định như sau:
“1. Người nào đối xử tàn ác hoặc làm nhục người lệ thuộc mình nếu không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 185 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm: a) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ; b) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 11% trở lên; c) Đối với 02 người trở lên.”
Bình luận về dấu hiệu chủ thể của tội phạm, tác giả nêu quan điểm: “Chủ thể của tội này chỉ có thể là người có quan hệ lệ thuộc với nạn nhân, trong đó nạn nhân là người bị lệ thuộc. Trong thực tế có nhiều loại quan hệ lệ thuộc, trong đó có những quan hệ lệ thuộc do tính đặc biệt nên thuộc phạm vi điều chỉnh ở những điều luật riêng mà không thuộc phạm vi điều chỉnh của điều luật này như quan hệ lệ thuộc do quan hệ gia đình ( Điều 185 BLHS) hoặc do quan hệ chỉ huy phục tùng trong các lực lượng vũ trang (Điều 397 BLHS). Theo đó chỉ những quan hệ lệ thuộc chưa được quy định riêng như vậy mới thuộc phạm vi điều chỉnh của điều luật này (Điều 140 BLHS) như quan hệ lệ thuộc phát sinh trong công tác, do quan hệ tín ngưỡng v.v… Do vậy, việc điều luật quy định dấu hiệu “nếu không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 185” là không cần thiết”.
Về tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi – Điều 146, theo đó, hành vi dâm ô có thể là bước khởi đầu của hành vi giao cấu hoặc có hành vi quan hệ tình dục khác, nhưng trong điều luật này quy định hành vi của tội dâm ô phải là hành vi “… không nhằm mục đích giao cấu hoặc không nhằm thực hiện các hành vi quan hệ tình dục khác”… GS Nguyễn Ngọc Hòa bình luận: Khi thực hiện hành vi dâm ô với mục đích giao cấu hoặc để thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác, chủ thể bị coi là đã bắt đầu thực hiện nhưng chưa thực hiện được đầy đủ hành vi giao cấu hoặc để thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác . Do đó, hành vi phạm tội có thể cấu thành tội giao cấu với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi ( Điều 145 BLHS) hoặc cấu thành tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi ( điểm b khoản 1 Điều 142 BLHS) và cả hai trường hợp đều là trường hợp phạm tội chưa đạt. Tuy nhiên, chỉ có thể xác định là phạm tội chưa đạt khi hành vi dâm ô ở dạng có sự tác động thân thể nạn nhân. Đối với hành vi dâm ô ở dạng để nạn nhân chứng kiến những hành vi tình dục, việc xác định là phạm tội chưa đạt sẽ không có cơ sở rõ ràng mà chỉ có thể xác định là chuẩn bị phạm tội.
Sau khi phân tích quy định “không nhằm mục đích giao cấu hoặc không nhằm thực hiện các hành vi quan hệ tình dục khác”, tác giả cho rằng quy định này là bất cập và không cần thiết. “Dựa trên nguyên tắc chung luật hình sự, việc truy cứu trách nhiệm hình sự theo tội danh nào về hành vi dâm ô với người dưới 16 tuổi khi hành vi đó có các tình tiết khác hoàn toàn có thể thực hiện được mà không cần bổ sung “dấu hiệu phi nguyên tắc” này”- GS Nguyễn Ngọc Hòa bình luận.
Quy định không cần thiết
Chương XV Các tội xâm phạm quyền tự do của con người, quyền tự do, dân chủ của công dân, có 11 điều luật ( từ Điều 157 đến Điều 167). BLHS năm 2105 đã bổ sung điều luật mới là Điều 167 quy định về tội xâm phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình của công dân. BLHS cũng bổ sung hành vi phạm tội xâm phạm quyền biểu quyết khi Nhà nước trưng cầu ý dân vào tội xâm phạm quyền bầu cử, ứng cử ( Điều 160) và bổ sung hành vi làm sai lệch kết quả trưng cầu ý dân vào tội là sai lệch kết quả bầu cử (Điều 161).
PGS.TS Trịnh Tiến Việt bình luận dấu hiệu hành vi khách quan của tội phạm quy định tại Điều 167 khá chi tiết. Ví dụ, hành vi cản trở người khác thực hiện quyền tự do báo chí là “Hành vi làm cho người khác không thể thực hiện được quyền sáng tạo tác phẩm báo chí, cung cấp thông tin cho báo chí, phản hồi thông tin trên báo chí, tiếp cận thông tin báo chí, liên kết với cơ quan báo chí thực hiện sản phẩm báo chí, in, phát hành báo chí in… Hành vi cản trở người khác thực hiện quyền biểu tình là: Hành vi làm cho người khác không thể thực hiện được quyền hợp pháp của mình…”
PGS.TS Dương Tuyết Miên bình luận Chương XVIII Các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế cho biết BLHS năm 2015 đã bổ sung một số tội danh mới như tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm ( Điều 213); tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động ( Điều 216)… Bên cạnh đó, BLHS 2015 cũng sửa đổi nội dung ở một số tội danh cho phù hợp với thực tế như tội sản xuất, buôn bán hàng cấm ( Điều 190); tội sản xuất, buôn bán hàng giả ( Điều 192)… Một số tội danh bị hủy bỏ do không còn phù hợp với tình hình hiện tại như tội kinh doanh trái phép, tội báo cáo sai trong quản lý kinh tế… BLHS năm 2015 quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại thuộc chương các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế như tội buôn lậu ( Điều 188); tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới ( Điều 189)…
Ví dụ, bình luận một điều luật mới là Điều 214, Tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, trong dấu hiệu khách quan của tội phạm, tác giả Dương Tuyết Miên viết:
“ Điều luật quy định hai loại hành vi sau:
-Hành vi lập hồ sơ giả hoặc làm sai lệch nội dung hồ sơ bảo hiểm xã hội, hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp lừa dối cơ quan bảo hiểm xã hội: Đây là hành vi làm giả hoàn toàn hồ sơ bảo hiểm xã hội hoặc hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp hoặc là hành vi sửa chữa nội dung các hồ sơ này là lừa dối cơ quan bảo hiểm xã hội.
-Hành vi dùng hồ sơ giả hoặc hồ sơ đã bị làm sai lệch nội dung lừa dối cơ quan bảo hiểm xã hội hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp: Đây là hành vi sử dụng hồ sơ bảo hiểm xã hội giả hoàn toàn hoặc hồ sơ bảo hiểm xã hội đã bị sửa chữa nội dung có lợi cho người sử dụng hồ sơ trình cơ quan bảo hiểm xã hội để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội không đúng”.
“Trong thực tế, người phạm tội có thể thực hiện một trong hai hành vi nói trên hoặc cũng có thể thực hiện đồng thời cả hai hành vi này… Điều luật còn quy định hành vi trên đây phải không thuộc trường hợp quy định tại một trong các điều 174,353 và 355 BLHS. Tuy nhiên, quy định này không cần thiết” – tác giả bình luận. Hành vi trên bị coi là tội phạm khi thỏa mãn một trong hai dâu hiệu: Chiếm đoạt tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp từ 10 triệu đồng trở lên và gây thiệt hại từ 20 triệu đồng trở lên.