Berlin Rules - Cách Của Người Đức
Nước Đức gọi thời điểm sau Thế chiến thứ hai năm 1945 là Stunde Null (thời khắc số 0). Vào lúc đó, Đức hoàn toàn sụp đổ cả về vật chất lẫn tinh thần. Thua trận, bị chia cắt, chiếm đóng, vận mệnh nước Đức nằm trong tay các thế lực nước ngoài.
Thế rồi, từ tro tàn, Đức đã trỗi dậy! Nước Đức trong nửa sau thế kỷ 20 không chỉ hoàn thành mục tiêu khôi phục sức mạnh kinh tế, thống nhất đất nước mà còn trở thành thế lực dẫn dắt châu Âu và là tiếng nói đầy trọng lượng trên trường quốc tế.
Ở châu Âu, khi Đức còn chịu nói chuyện thì vẫn còn cửa cho bàn bạc. Một khi họ đã chốt ý kiến, vấn đề coi như xong. Là một trong số các quốc gia sáng lập Liên minh châu Âu (EU), về mặt lý thuyết, vị thế của Đức không khác gì các thành viên khác. Nhưng trên thực tế, Ủy ban châu Âu chưa bao giờ ra quyết sách mà không tham khảo ý kiến của Đức. Còn các thành viên khác, bất chấp ấm ức trong bụng hay bực bội ra mặt, vẫn phải “uống thuốc” mà Đức kê đơn.
Hơn một thập kỷ qua trên thế giới, người ta đã quen chờ đợi “Thủ tướng Thép” Angela Merkel lên tiếng mỗi khi có biến cố xảy ra. Là nhân vật thống trị chính trường Đức, đồng thời là người phụ nữ quyền lực nhất thế giới, bà Merkel là sự nhân cách hóa của đất nước mà bà dẫn dắt: hiệu quả, tổ chức tốt và thành công, nhưng nghiêm khắc!
Đức là một dân tộc đặc biệt mang trong mình quá nhiều mâu thuẫn! Đức đi đầu thúc đẩy châu Âu gắn kết hơn nữa nhưng bản thân họ chưa thể thoát khỏi nỗi ám ảnh của huyết thống – một trong những nguyên nhân hàng đầu đẩy cả đất nước tới bờ vực diệt vong một thời. Ngụp lặn trong nỗi mặc cảm, người dân Đức từng quay lưng khước từ mọi thứ thuộc về quá khứ - tới mức như trở thành một người mất trí nhớ. Nhưng một khi học được cách chấp nhận, họ dũng cảm nhìn thẳng và nhận lỗi chứ không miễn cưỡng như một số nước khác...
Theo học giả hàng đầu nước Anh về nước Đức, Giáo sư William Paterson, Đức là ‘bá chủ bất đắc dĩ’. Sức mạnh mà Đức đang có, lạ thay, không phải là thứ họ cố ý kiếm tìm. Họ không “sinh ra để dẫn đầu”, càng không toan tính vị thế dẫn dắt. Chính những nước khác chọn đi theo Đức – một hình mẫu thành công đáng ngưỡng mộ!
Toàn bộ “chân dung” nước Đức hiện đại được khắc họa chân thật và rõ nét qua con mắt của tác giả Paul Lever – người có thâm niên 6 năm làm đại sứ Anh tại Berlin từ năm 1997. “Cách của người Đức” là tác phẩm mang tới cho bạn đọc một cái nhìn xuyên suốt, toàn cảnh về nền kinh tế, cấu trúc chính trị của nước Đức, đồng thời cung cấp một cái nhìn đa chiều về sức ảnh hưởng, thách thức và những lựa chọn tiềm tàng của Đức đối với Liên minh châu Âu, đặc biệt khi Anh sắp rời khối liên minh này.
Đây là cuốn sách không thể bỏ qua đối với những bạn đọc yên mến, quan tâm đến “giá trị Đức” cũng như đất nước Đức. Sách do Thanh Yên dịch, First News thực hiện, NXB Tổng hợp ấn hành.
Đôi nét về tác giả:
Paul Lever là đại sứ Anh tại Đức từ năm 1977 đến 2003. Trước khi đảm nhận vị trí này, sự nghiệp ngoại giao của ông tập trung vào vào các vấn đề chính trị, kinh tế và an ninh của châu Âu. Ông từng làm việc cho NATO, Ủy ban châu Âu (với vai trò chủ tịch Ủy ban tình báo chung và Bộ Ngoại giao Anh (chức giám đốc EU và kinh tế). Từ năm 2004 đến 2010, ông là chủ tịch của Viện các Quân chủng Thống nhất Hoàng gia Anh.