Bên Này Địa Đàng - This Side of Paradise
BÊN NÀY ĐỊA ĐÀNG: CUỐN TIỂU THUYẾT ĐẦU TAY VĨ ĐẠI CỦA NHÀ VĂN VĨ ĐẠI - F. SCOTT FITZGERALD
Ngày 26/3/1920, NXB Scribner công bố cuốn This Side of Paradise (Bên này địa đàng) - tiểu thuyết đầu tay của tác giả F. Scott Fitzgerald, với số lượng in lần đầu là 3.000 bản và bán hết ngay trong ba ngày đầu tiên.
Sau một đêm, F. Scott Fitzgerald đã trở thành cái tên được nhiều người biết đến, và chỉ sau vài tháng, Bên này địa đàng, cuốn tiểu thuyết đầu tay của tác giả trẻ 23 tuổi đã trở thành một cơn sốt văn hóa ở Mỹ. Cuốn sách đã trải qua 12 lần in vào năm 1920 và 1921 với tổng số 49.075 bản. Nó trở nên đặc biệt phổ biến trong giới sinh viên đại học Mỹ, và báo chí quốc gia Mỹ miêu tả tác giả 23 tuổi của nó là người mang tiêu chuẩn cho "tuổi trẻ nổi dậy". Từ đó, ông bắt đầu trở thành ngôi sao sáng trên bầu trời văn học Mỹ. Fitzgerald được mệnh danh là nhà văn của Thời đại Nhạc Jazz, đồng thời là một biểu tượng của Thế hệ Lạc lối (thế hệ sinh ra và trưởng thành sau chiến tranh thế giới).
Bên này địa đàng là câu chuyện về nhân vật chính Amory Blaine, người đại diện cho phần lớn thanh niên Mỹ cùng thời, một nhân vật đầy triển vọng, có “điểm xuất phát” khá ổn: vẻ ngoài khôi ngô tuấn tú, gia đình trung lưu khá giả, đặc biệt được trời ban cho tư chất thông minh và năng khiếu văn chương vượt trội. Amory Blaine được hưởng một nền giáo dục tốt, trải qua những năm tháng học hành dưới những ngôi trường nổi tiếng và là sinh viên ưu tú ở Đại học Princeton.
Cuộc sống của chàng sinh viên tại một trong những trường đại học danh giá bậc nhất nước Mỹ là những tháng ngày an lạc, vô lo, yêu đương, trượt dài trong sa sút, thất bại của việc học hành, những sai lầm nối tiếp, con đường tất yếu của tuổi trẻ không mục đích nào rõ ràng, không động lực nào đáng kể, không lý tưởng nào đủ mạnh… là sự thất vọng sau khi ra trường, đối mặt với bao biến động từ gia đình, xã hội và bản thân. Một cú trượt dài đến thất bại của một trong những người trẻ - những người trẻ của nước Mỹ trước bình minh của “Thế hệ Nhạc Jazz”.
Với cuốn tiểu thuyết này, Fitzgerald đã trở thành nhà văn đầu tiên hướng sự chú ý của toàn nước Mỹ đến thế hệ mang tên “Thế hệ Nhạc Jazz” (Trái ngược với “Thế hệ Lạc lối” mà Fitzgerald cùng với nhiều văn nghệ sĩ tên tuổi khác thuộc về như: Ernest Hemingway, S. Eliot, John Dos Passos, Waldo Peirce, Alan Seeger, Erich Maria Remarque…). “Thế hệ Nhạc Jazz” là những người Mỹ trẻ lớn lên giữa Thế chiến thứ Nhất, phần lớn không bị ảnh hưởng bởi sự đấu tranh tư tưởng cũng như những nỗi kinh hoàng thực tế. “Bên này địa đàng” đã khiến toàn nước Mỹ phải chú ý đến những hành vi an lạc của thế hệ trẻ thuộc chủ nghĩa khoái lạc, và làm dấy lên những tranh cãi xã hội về tính phi luân lý của họ. Một thế hệ với những xung đột tình cảm, những mâu thuẫn trong tâm hồn, một chút manh nha trong cuộc đấu tranh giữa những lựa chọn đạo đức, giá trị và lí tưởng, được phơi bày một cách ngậm ngùi, đau xót trước những hư ảo, trí trá của lòng tham và sự tìm kiếm địa vị, sự phù phiếm và vô trách nhiệm của tuổi trẻ.
Nhiều nhà phê bình văn học lúc bấy giờ rất hào hứng với cuốn tiểu thuyết đầu tay này. Burton Rascoe của tờ Chicago Tribune kêu gọi độc giả "ghi lại cái tên F. Scott Fitzgerald. Nó được tạo ra bởi một tiểu thuyết gia 23 tuổi, người mà sau này sẽ được biết đến nhiều." Rascoe của tờ New York Herald Tribune khẳng định rằng cuốn tiểu thuyết đầu tiên của Fitzgerald mang "ấn tượng, đối với tôi, dường như là thiên tài. Đó là nghiên cứu đầy đủ duy nhất mà chúng tôi có về người Mỹ đương đại ở tuổi thiếu niên và thanh niên." Nhà phê bình HL Mencken đã mô tả Bên này địa đàng là "cuốn tiểu thuyết đầu tay đáng kinh ngạc".
Khá nhiều tác phẩm nổi tiếng của F. Scott Fitzgerald đã được chuyển ngữ sang tiếng Việt, đặc biệt là kiệt tác The Great Gasby – cuốn tiểu thuyết được xem là xuất sắc nhất, đã bán tới 25 triệu bản trên toàn thế giới.