Bánh Xốp
Một cuốn sách kỳ lạ nằm giữa ranh giới của sự điên rồ và sự hợp lý hóa hoàn toàn về cách mà xã hội Hàn Quốc phát triển.
Bánh Xốp (Castella) là đại diện tiêu biểu cho phong cách hài hước, giễu cợt của nhà văn Park Min-Gyu một cây viết ưu tú, khác biệt - người khiến những tác phẩm văn học đương đại thoát khỏi logic truyền thống. Thoạt đầu rất khó để chúng ta có thể đoán tầng lớp ý nghĩa của tập truyện, chúng là những diễn giải không ăn khớp với thực tế mà hầu hết là góc nhìn cá nhân của nhà văn thông cao hư cấu và hiện thực trước mắt. Nhưng khi tiếp tục đọc chúng ta sẽ dần nhận ra mặc dù mang phong cách hư cấu khác thường nhưng văn chương của Min-gyu mang tính giải trí và dễ tiếp cận hơn là khó hiểu, như một số nhà phê bình nhận định “Chúng ta thậm chí không phải cần học hành để đọc tác phẩm của Park Min-gyu chứ đừng nói hiểu về lịch sử Hàn Quốc”.
Thế giới trong Bánh Xốp dẫn dắt người đọc liên tưởng đến một trật tự đã hình thành nên cuộc sống chúng ta ngày nay - hệ thống toàn cầu hóa của chủ nghĩa tư bản, mà Hàn Quốc chắc chắn không nằm ngoài phạm vi đó với những thay đổi to lớn, choáng ngợp lên mọi mặt của xã hội bao gồm việc mở cửa thị trường, vấn đề nhập cư, phân tầng giai cấp,...
Theo đó các nhân vật trong cuốn sách đều vì cuộc sống mưu sinh mà dần bị đẩy sang bên lề xã hội, cảm thấy bất lực trước hệ thống này. Những người như họ có thể làm gì trong thế giới vốn mang lại quá ít hy vọng về một tương lai tươi sáng hơn?
Tuy các nhân vật trong Bánh Xốp có cuộc sống khốn khổ, nạn nhân của thời thế nhưng họ không hề than vãn, giận dữ hay bi ai thậm chí còn kiên quyết nhìn thế giới bằng đôi mắt sáng tạo của tâm hồn. Điều này ngoài thể hiện giá trị văn chương vị nhân sinh còn là sự nhất quán độc đáo trong quan điểm của nhà văn Park Min-gyu đã được khơi gợi ngay từ đầu tập truyện với lời đề nghị trên mức tiêu chuẩn “nhốt tất cả cái thiện và ác vào trong một chiếc tủ lạnh dữ dội”, hãy quan sát thực tế bằng sự khách quan.
Mong muốn độc giả thông qua tác phẩm khám phá một lăng kính mới về thực tế, dựa trên một tư duy khách quan, riêng biệt không bị che lấp bởi sự ràng buộc tình cảm, nhà văn Park tinh tế khi biếm họa các tình huống thực tế cay nghiệt bằng những những hình tượng bất thường, kỳ quái (thuyền vịt bay, đĩa bay,..); hạn chế người đọc phát triển sự đồng cảm về mặt cảm xúc cùng như sự thân thiết cá nhân với các nhân vật.
Bánh Xốp nổi bật bởi sự hài hước và khác thường, một tập truyện tuy phê phán gay gắt chủ nghĩa tư bản, nhưng xuất phát từ đời thường, những đặc điểm theo thói quen ngày này qua ngày khác. Một cuốn sách khiến chúng ta phải suy nghĩ về thân phận của con người trong hệ thống này.
Tác giả
Mingyu Park sinh năm 1968 tại Ulsan, tốt nghiệp Đại học Chungan, Hàn Quốc. Hai cuốn tiểu thuyết đầu tay của anh xuất bản năm 2003 đều giành giải thưởng (Giải thưởng Tác phẩm văn học dành cho thiếu nhi Munhak Dongne; Giải thưởng Văn học quốc gia The Hankyoreh).
Tác phẩm Bánh xốp ra đời, giống như thổi một làn gió mới vào văn đàn Hàn Quốc đầu những năm 2000. Một phần của cuốn tiểu thuyết này đã được giới thiệu trên Tạp chí văn học Hàn Quốc từ năm 2003, tạo ra hiệu ứng tích cực từ phía bạn đọc cũng như làm nên nét độc đáo của tác giả.