Bạn Đang Ở Đây: Cuốn Sách Ngắn Về Thế Giới là cuốn sách giúp chúng ta nhìn nhận lại về địa lý, một môn học, một chuyên ngành xưa cũ và trong nhiều năm trở lại đây đã đứng trước những nghi vấn về sự cần thiết, hữu dụng trong cuộc sống sau này của học sinh, sinh viên, nhất là trước cơn lũ trào lưu công nghệ và trí tuệ nhân tạo. Cuốn sách này có thể giúp bạn hiểu được tại sao địa lý, cùng những môn cơ bản như lịch sử… lại cần thiết cho việc củng cố nền tảng tư duy cho con người từ tấm bé.
Sách gồm 6 chương, cổ xúy tinh thần nhìn nhận thế giới ở tư cách tổng thể một hệ thống thay vì chia nhỏ từng mảng để xem xét hướng giải quyết các vấn đề của thế giới hiện đại.
Chương 1: giới thiệu sơ về không gian, định vị Trái đất trong vũ trụ. “Ngành khoa học mô tả hành tinh nơi chúng ta đang sống chính là địa lý, “geography” – từ mà chúng ta thừa hưởng từ tiếng Hy Lạp – có nghĩa là “bản mô tả Trái đất”.”
Chương 2: trình bày về nước và tầm quan trọng của yếu tố này trên hành tinh xanh của chúng ta.
Chương 3: điểm qua về thế giới con người, nhấn vào ý tưởng “di cư”, cả ra nước ngoài lẫn ngay trong chính phạm vi địa lý một quốc gia, giúp chúng ta khám phá những ý tưởng mới về bố cục từng khu vực trong một đô thị, đặc biệt là “khu ổ chuột” ở các đô thị lớn. Biết đâu đó, trong một thời đại công nghệ giúp kết nối tất cả, thì chính những Homo sapiens công nghệ như chúng ta mới cực kỳ thiếu khuyết kỹ năng kết nối cộng đồng so với tổ tiên Homo eretus của mình.
Chương 4: đi vào khía cạnh bản đồ/địa lý, khởi thủy của ý niệm “bản đồ” trong trí óc con người là như thế nào, bản đồ đã giúp ích gì cho chúng ta. Chương 4 đưa chúng ta ngược trở về thời kỳ của những nền văn minh cổ xưa, như Ai Cập, Lưỡng Hà, đặc biệt chú trọng vào nền văn minh Trung Hoa cổ đại bên hai bờ sông Trường Giang và Đại Vũ, nhân vật có lẽ nên được xem như “Nhà địa lý” vĩ đại. Qua đó, chúng ta hiểu ra bản đồ gắn bó mật thiết với địa lý thế nào, ghi nhận
Chương 5: lược thuật một số chuyến “phiêu lưu” của tác giả trong thế giới tự nhiên, nhằm làm sống lại “con người địa lý” trong chính mình. Không sử dụng bất kỳ phương tiện công nghệ nào, tác giả và những người đồng hành của mình đã sống sót qua chuyến trekking khắp lưu vực ở châu Âu, qua Tây Tạng… Trải nghiệm tuyệt diệu đó đã giúp ông tin vào bản năng “địa lý” trong bẩm sinh mỗi cá nhân chúng ta, và có thể, để đối phó và thích nghi được trong thời kỳ biến đổi khí hậu khốc liệt này, chúng ta cần đánh thức bản năng “địa lý” đó.
Chương 6: xếp tất cả năm chương trên vào một hệ thống: “Sự gián đoạn hệ thống tự nhiên của Trái đất do Homo sapiens gây ra đòi hỏi một sự hiểu biết sâu hơn, rộng hơn về địa lý. Hành tinh chúng ta ở giữa chương này và chúng ta là tác giả số phận của nó”; từ đây khuyến khích và cổ động mọi người tìm hiểu về địa lý, đánh thức năng lực địa lý bẩm sinh trong chính mình; hiểu địa lý có thể giúp chúng ta hiểu về bản chất nơi mình đang sống – Trái đất, do vậy chúng ta mới có thể tìm ra biện pháp bền vững giải quyết vấn đề môi trường.
“Hiểu rõ hơn về hoàn cảnh của chúng ta là bước đầu tiên để giải quyết các thách thức. Có thể tìm ra nhiều người biết cách giải quyết vấn đề tương lai của chúng ta trong các trường đại học. “Và”, như nhà địa chất Richard Alley đã chỉ ra trong lời nói đầu cho một ấn bản mới của cuốn The Two-Mile Time Machine (Cỗ máy thời gian hai dặm) của mình, “chúng ta có nhiều sinh viên thông minh. Kiến thức về biến đổi khí hậu có thể giúp thúc đẩy những sinh viên đó tìm cách đưa chúng ta tới một hệ thống năng lượng bền vững”.”
+TRÍCH ĐOẠN HAY:
[Về dạy địa lý trong nhà trường – Chương 4, 5]
“Nếu cội rễ của nhận thức địa lý được chăm bẵm từ lúc còn non, cây tri thức sẽ đơm hoa kết trái. Các nhà giáo dục đã biết điều này từ khá lâu.
Việc nuôi dưỡng trí tưởng tượng địa lý ở cấp tiểu học giống như tặng cho trẻ nhỏ một thế giới quan có thể được sử dụng làm nền tảng cho giáo dục trung học, là bàn đạp để đi đến tuổi trưởng thành và có một vai trò trong việc ra những quyết định giúp định đoạt tương lai của hành tinh rắc rối này. Kiến thức tự thân tăng lên theo cấp số nhân: học hỏi một chút rồi cứ thế mau chóng biến thành rất nhiều. Hiểu rõ hơn về hoàn cảnh của chúng ta là bước đầu tiên để giải quyết các thách thức. Có thể tìm ra nhiều người biết cách giải quyết vấn đề tương lai của chúng ta trong các trường đại học.”
[Địa lý là gì? Vai trò địa lý trong đời sống]
“Ngành khoa học mô tả hành tinh nơi chúng ta đang sống chính là địa lý, “geography” – từ mà chúng ta thừa hưởng từ tiếng Hy Lạp – có nghĩa là “bản mô tả Trái đất”.
Qua hơn một thiên niên kỷ, đây vẫn là một chủ đề hấp dẫn Homo sapiens, một lĩnh vực gây tò mò giúp chúng ta khám phá ý nghĩa thế giới của mình, ý nghĩa của con người, nơi chốn, môi trường của thế giới đó. Ngày nay, chúng ta đã ở ngã ba đường trên chặng đi bộ ngắn từ thời đồ đá đến thời điện thoại. Chúng ta có thể chọn việc bảo vệ hành tinh và các hệ thống của nó, hoặc tiếp tục lạm dụng chúng. Khả năng gắn kết vào ngành khoa học địa lý của con người sẽ xác định tương lai của chúng ta.”
“Địa lý luôn trong tình trạng tái phát minh; đó là dòng sông kiến thức, liên tục bồi đắp tiến trình của riêng nó. Sự thay đổi trong những năm 1950 từ việc coi không gian địa lý là tuyệt đối sang đo đạc không gian theo các khía cạnh tương đối – ví dụ – thời gian và chi phí, đã mở ra một thế giới điều tra về hành vi con người và các hoạt động điều chỉnh không gian. Địa lý là trung tâm đối với sự sống còn của nhân loại.”
“Chúng ta không thể lại có một Trái đất “tự nhiên”. Trong nhiều thế kỷ, chúng ta đã phá vỡ các chu trình carbon, nitơ và nước trên thế giới. Mười ngàn năm trước, có lẽ có 0,1% sinh khối động vật có vú bao gồm người và động vật được thuần hóa. Ngày nay, con số này đã tăng lên khoảng 90%. Chúng ta đang ở trong thế Nhân sinh.
Đây là kỷ nguyên địa chất đầu tiên được xác định bởi sự can thiệp của con người vào các hệ thống tự nhiên của hành tinh, đánh dấu sự khởi đầu của một mối quan hệ mới giữa loài người và tinh cầu mà chúng ta sống. Trên hành trình nhanh chóng đến văn minh và khai sáng, chúng ta đã vượt qua rất nhiều thử thách, từ tưới tiêu đến kiểm soát đại dịch. Nhưng chúng ta cũng đã tích lũy đầy một ba lô khó khăn mới. Phụ thuộc vào cách mà bạn lấy đồ trong ba lô ra, bạn có thể tạo nên các hạng mục ưu tiên khác nhau.”
“Chưa bao giờ địa lý lại quan trọng đến vậy. Trên quả cầu hữu hạn này, với môi trường sống bị vùi dập, được duy trì trong không gian tối bởi vòng xoáy phức tạp của các hệ thống kết nối với nhau, chúng ta đã đạt đến một điểm trong hành trình tập thể của mình, nơi mà kiến thức là thứ bảo đảm tốt nhất cho tương lai. Địa lý sẽ giữ chúng ta là con người.”
+TÁC GIẢ:
Nicholas Crane là một tác giả, nhà địa lý, chuyên gia vẽ bản đồ, từng nhận được huy chương Mungo Park của Hiệp hội Địa lý Hoàng gia Scotland ghi nhận những đóng góp xuất sắc của ông trong lĩnh vực địa lý, và giải thưởng Ness của Hiệp hội Địa lý Hoàng gia Anh nhờ công phổ biến kiến thức địa lý và sự hiểu biết của ông về nước Anh.
Ông đã thực hiện một số chuỗi chương trình trên BBC2, như Map Man (Người bản đồ), Great British Journeys (Những hành trình của người Anh vĩ đại), Britannia (Nước Anh), Town (Thị trấn) và Coast (Bờ biển).
Ông từng giữ chức Chủ tịch Hiệp hội Địa lý Hoàng gia Anh từ năm 2015 đến năm 2018.