Ai Đã Gõ Vào Thân Cây? - Chùm Truyện Ngắn Tạo Cảm Hứng Cho Em Làm Văn
Đọc cuốn sách, các bạn có thể thấy ở truyện nào tác giả cũng nhắc đến những cái cây. Từ cái cây già trụi lá, thân “sần sùi”, cành “khẳng khiu” (Ai đã gõ vào thân cây?) đến cái cây Xoài “cành tỏa sum suê”, anh Bơ lá “xanh tươi” hay chị Bàng cô đơn thân “gồ ghề thẳng đuỗn” không hoa không quả (Chiếc ô bằng lá). Sặc sỡ hơn là những cây hồng “da nâu xôm xốp” trong vườn vừa có sắc vừa có hương, lại có gai tua tủa (Bông hoa hồng không nở). Dưới ngòi bút của tác giả, mỗi cái cây được nhân hóa sinh động, lôi cuốn bạn đọc vào không gian xung quanh chúng: Lúc thì tươi mát, bình yên “mầm cây bắt đầu nhú ra, lúc đầu nhỏ tí rồi những búp non bật lên như những ngòi bút của các bạn học sinh”, có khi lại khắc nghiệt “mưa tuôn xối xả, sấm chớp đì đùng, mặt đất ướt sũng, nước ngập lênh láng khắp nơi cuốn băng đi tất cả mọi thứ”.
Thiên nhiên không chỉ là bốn mùa xuân, hạ, thu, đông tuần tự trôi qua. Mỗi mùa đến rồi đi sẽ mang theo sắc thái riêng phủ lên cây cối và vạn vật của trái đất. Mùa đông giá lạnh khiến cây cũng phải co mình rụng lá, khiến cành trơ trụi khẳng khiu (Ai đã gõ vào thân cây?), có nơi lạnh đến nỗi tuyết rơi trắng trời (Cuộc thi của Nanxi). Nhưng khi xuân sang, cây cối đâm chồi nảy lộc, mầm xanh xuất hiện, chồi non mỡ màng khiến cái cây như được thay áo mới. Hè đến, mặt trời tỏa nắng làm những cái lá càng xòe to hơn, rộng hơn, xanh hơn, những nụ hoa xinh xinh trước còn đang chúm chím giờ bung ra nở rộ rực rỡ. Thu tới lá úa dần, theo nhau rụng xuống để chuẩn bị cho một mùa thay áo mới. Thiên nhiên có thay đổi, có dấu ấn nhưng nếu không tỉ mỉ để tâm quan sát, không phải ai cũng có thể lột tả được cái đặc trưng của nó. Điều này tưởng đơn giản nhưng lại cũng “kho khó” với không ít các bạn nhỏ hiện nay trong quá trình học văn miêu tả.
Trong tác phẩm này, bạn đọc cũng được thấy cách An Băng sử dụng động từ khác nhau: “nhú, bật, rụng” cho mỗi giai đoạn phát triển của cây, phù hợp với mùa trong năm. Hay dùng tính từ thật phong phú nhằm mô tả thân cây: sần sùi, (nâu) xôm xốp, gồ ghề thẳng đuỗn... Phải là người dành tình yêu lớn cho cây cối, thiên nhiên, có đôi mắt quan sát tỉ mỉ lắm mới mô tả chân thực mà ngộ nghĩnh, hấp dẫn, sáng tạo như vậy.
Trong cuốn sách, bạn đọc cũng được làm quen với nhiều loài vật đáng yêu: sóc, nhím, gấu... Một bạn Nhím biết tìm người giúp đỡ khi gặp trời mưa để có thể trở về nhà an toàn (Chiếc ô bằng lá); một bạn Nanxi nhút nhát nhưng vẫn nỗ lực vượt qua cuộc thi “Tìm kiếm thức ăn”, dù phải trải qua một đêm bão tuyết mà không có mẹ bên cạnh, dẫu biết cuộc thi đã xong và có người đoạt giải nhưng bạn vẫn cố gắng hoàn thành phần thi của mình (Cuộc thi của Nanxi). Đó là ý thức không bỏ sở nửa chừng, mong muốn hoàn thành công việc mà mình phải làm mà bạn nhỏ nào cũng nên có. Quan trọng hơn, các bạn thú còn biết tri ân người đã giúp mình, biết nói lời cảm ơn mỗi khi được người khác giúp đỡ. Đặc biệt là Nanxi, khi được cô Gấu cho ở nhờ một đêm để tránh bão tuyết, bạn đã có món quà bí mật dành tặng cô Gấu trước khi trở về nhà. Cái cây già trụi lá đồng ý cho đàn chim ở lại, xây chiếc tổ ấm áp nên chúng trả ơn bằng cách hót “ríu rít suốt ngày” và sống bên cây thật vui vẻ (Ai đã gõ vào thân cây?).
Bên cạnh những người bạn tốt, chúng mình cũng thấy được một bạn nhỏ không nghe lời cha mẹ khuyên bảo, đó là hoa hồng trong Bông hoa hồng không nở. Chỉ vì không muốn bị cắt xuống, không muốn bị quẳng ra đường sau khi héo đi, không muốn phải rời xa mẹ mà bạn đã không vâng lời mẹ, với suy nghĩ “chẳng việc gì phải nở rộ thật to ra cả, mình thích sống thế nào thì mình sống chứ” nên bạn càng ngày càng bé lại, teo tóp rồi dần chuyển sang “màu đỏ xám xịt”, héo úa. Lúc này, dẫu hoa hồng ân hận vì không nghe lời mẹ khuyên bảo thì cũng không thể sửa chữa sai lầm được nữa. Nó không thể dâng cho đời mùi hương thơm ngát và màu sắc tươi đẹp của mình. Thật đáng tiếc biết bao!
Cuốn sách Ai đã gõ vào thân cây? được kể bằng giọng văn mộc mạc, trong sáng, minh họa sắc nét, gần gũi phù hợp với những giờ đọc sách trong trường học, giúp các bạn nhỏ học hỏi được cách sử dụng các từ ghép, từ tượng thanh, tượng hình trong làm văn. Qua mỗi câu chuyện nhỏ đó, các em sẽ học được những bài học nhỏ về tình cảm gia đình, tình bạn, biết giúp đỡ mọi người, yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống...
Và hơn hết, các bạn nhỏ đừng ngại viết, đừng ngại bày tỏ cảm xúc của bản thân bởi qua mỗi câu văn, các bạn sẽ thể hiện được tình cảm, cái tôi của mình và dần dần sẽ bạo dạn hơn, tự tin hơn. Đặc biệt, viết nhiều giúp bạn yêu văn hơn và tập làm văn sẽ không còn là môn học mà bạn phải “e dè”, ngần ngại nữa.