Vội Vã, Quá Vội Vã
Tháng Bảy, vốn dĩ không phải là mùa viết lách của tôi, huống hồ chi, năm nay, tinh thần của tôi lại đang sa sút. Một thứ cảm giác lười biếng theo mùa đông bám riết lấy tôi, bủa vây xung quanh và bao bọc thật chặt lấy tôi, khiến tôi rơi vào một trạng thái mệt mỏi đến rã rời, việc gì cũng không muốn làm, việc gì cũng không thấy hứng thú, đặc biệt là đối với việc viết lách.
Viết lách vừa là một công việc cô độc, lại vừa cần sự nhẫn nại và tâm huyết. Mấy năm gần đây, tôi thường xuyên có cảm giác, viết lách sắp biến thành một thứ “gánh nặng” của mình. Tôi sợ không vượt qua được những tác phẩm trước đây của mình, tôi sợ không tạo ra được sự cộng hưởng của bạn đọc, tôi sợ mất đi sự nhiệt tình, tôi càng sợ… Từ cổ chí kim, người ta cứ lặp đi lặp lại mãi một câu chuyện giống nhau, bởi lẽ đó, tôi cũng không tránh khỏi việc cứ viết mãi về yêu, hận, sống, chết, về sự bất lực của đời người. Một người bạn thân của tôi tên là Tam Mao từng nói với tôi một câu rằng:
“Nếu chúng ta có thể cởi bỏ được trách nhiệm viết lách, tôi nghĩ chúng ta thực sự đã được giải thoát!”.
Hoặc giả, chỉ có người sáng tác mới có thể hiểu rõ ý nghĩa của câu này, hiểu rõ nỗi khổ từ bản thân việc sáng tác mang lại. Bạn phải thực sự chìm đắm vào từng tầng cảm xúc của nhân vật, phải cùng chung hỷ, nộ, ái, ố với họ, phải có sự dâng hiến hoàn chỉnh nhất. Trong suốt khoảng thời gian đó, bản thân tác giả phải hoàn toàn rũ bỏ “cái tôi” của mình. Chính bởi thế, gần đây tôi thường xuyên trong những đêm dài mất ngủ, ngẫm nghĩ về cuộc đời sáng tác dài đằng đẵng của mình, có phải tôi đã dâng hiến quá nhiều rồi hay không? Toàn bộ những tháng ngày thanh xuân, toàn bộ những tháng ngày vui vẻ, gồm cả những khi ánh mặt trời chiếu xuyên qua ô cửa sổ, mưa phùn lất phất khẽ gõ ngoài song cửa, hay khi ánh trăng tưới tắm khắp mặt đất bao la. Trong cuốn tiểu thuyết tôi viết gần đây nhất - “Ngọn đèn đêm qua” có đoạn:
“Trên thế giới có bao nhiêu ngọn đèn, trăm ngọn, ngàn ngọn, vạn ngọn, triệu ngọn… Bạn có tin rằng, phía dưới mỗi ngọn đèn đều có câu chuyện của riêng nó không?”.
Đúng vậy, phía dưới mỗi ngọn đèn đều có câu chuyện của riêng nó. Dưới một ngọn đèn trong số đó, có “TÔI”, một “Cá thể” “cô độc”, không ngần ngại mang cũng câu chuyện ấy liên tục, liên tục viết ra, viết ra…
Do vậy, tôi đã từng hỏi: “Vì điều gì”, do vậy, tôi đã từng nói: “Tôi mệt rồi”. Tôi chưa từng cho rằng, việc sáng tác của mình là một công việc có ý nghĩa biết bao, tôi cũng chưa từng cảm thấy bản thân có “cảm giác sứ mệnh”. Ban đầu, thứ hối thúc tôi viết là một luồng nhiệt huyết không thể nào kháng cự nổi, mức độ mãnh liệt của nó không bút mực nào có thể miêu tả được. Còn giờ đây, tháng năm đằng đẵng, nhiệt huyết hao mòn. Bởi vậy, tôi đã mệt, thực sự đã mệt rồi.
Năm nay, tôi đang ngập chìm trong cái cảm giác lười biếng đó, một thứ cảm giác u uất mà bàng hoàng. Tôi đã nhiều lần tuyên bố với gia đình rằng, tôi muốn từ bỏ công việc sáng tác. Thế nhưng, tôi lại ngấm ngầm cảm thấy một nỗi đau vô hình, hồ như việc “sáng tác” đối với “cái tôi” của mình đã hợp thành một thể thống nhất. Nếu muốn tách ra, thực sự là quá khó, quá khó. Lại hồ như, bản thân tôi đã mất đi “cái tôi” của mình rồi. Trong những tháng ngày đầy nhiệt huyết kia, tôi đã mang toàn bộ “cái tôi” của mình mà dâng hiến cho việc “sáng tác” rồi.
Cái trạng thái cảm xúc ấy rất khó nói rõ, cũng rất khó biểu đạt rõ. Tóm lại là, tôi của năm nay vừa chìm lắng, vừa sa sút, hơn thế nữa, bản thân lại hoàn toàn đầu hàng trước sự chìm lắng và sa sút đó của mình, và không một ai có thể giúp được tôi hết.
Tháng Bảy, thời tiết rất nóng.
Tháng Bảy, tôi đang “chìm dưới đáy dòng sông”. “Chìm dưới đáy dòng sông” ấy là một câu nói của nhà văn Nga Turgueniev, lần đọc tiên đọc nó tôi mới mười mấy tuổi, trong sự ngây ngô của mình lúc ấy, tôi chỉ cảm thấy nó rất hay, rất có ý vị, tuyệt nhiên không hiểu rõ lắm rốt cục nó có ý nghĩa gì. Sau đó, trong những tác phẩm của mình, tôi không ngần ngại trích dẫn câu nói ấy, nói ra thật xấu hổ, tôi vẫn không hiểu rõ ý nghĩa thực sự của câu nói ấy là gì. Giờ đây, tôi lại trích dẫn nó, lại càng xấu hổ, tôi vẫn không hiểu rõ lắm. Tôi cho nó một sự giải thích rằng, dòng sông luôn chảy, “Chìm dưới đáy sông” biểu thị rằng: “Cái động là nước, cái tĩnh là tôi, cái đi là nước, cái dừng là tôi, cái vội vã chảy qua là nước, cái ngủ vùi chìm đắm là tôi”.
Dù cho lời giải thích này có đúng hay không, trạng thái tâm lý trong tôi đúng là như vậy.
Chính giữa một ngày tháng Bảy như vậy, có một lá thứ ngắn từ xóm Vạn Loan, Bình Đông gửi đến, rơi ngay trước mắt tôi, trên đó viết rất ngắn gọn rằng:
“Nữ sĩ Quỳnh Giao! Xin chào bà!
Trước đây bà chưa quen biết tôi, sau này hi vọng bà sẽ biết tôi, rất kỳ lạ, phải không?
Ở đây có một câu chuyện, tôi luôn rất muốn viết mà không viết nổi, một câu chuyện của tôi, câu chuyện của tôi và “Đà Đà”. “Đà Đà” là tên thường gọi của cô ấy, là một phiên âm gọi theo tiếng Hồ Bắc. Năm nay cô ấy hai mươi bốn tuổi, còn tôi hai mươi sáu.
Tôi và cô ấy quen nhau trong mỗi buổi vũ hội của các bạn học vào lúc 8 giờ 10 phút tối ngày 24 tháng 10 năm 1977.
Ở trong khoảng thời gian chúng tôi quen nhau đó đã xảy ra rất nhiều rất nhiều chuyện cảm động.
Trong tay cô ấy có tư liệu hoàn chỉnh của tôi, thư từ, bản thảo, tự họa, đồ vật các loại.
Trong tay tôi có ảnh của cô ấy, có ba cuốn nhật ký của tôi và khoảng xấp xỉ 500 bức thư.
Toàn bộ tư liệu tôi đều có, nhưng tôi không thể nào viết được bất kỳ chữ nào.
Làm ơn giúp tôi làm một việc được không? Làm ơn giúp tôi viết ra câu chuyện này được không?
Mong phản hồi của bà!
Chúc bà vui vẻ!
Hàn Thanh kính thư!
Tái bút: Tên thật của cô ấy là Viên Gia Bội, tôi gọi cô ấy là “Đà Đà”. Học trường đại học Phụ Nhân. Tôi tên thật là Hàn Thanh, học trường Đại học Văn hóa.
Xin liên lạc với tôi: Điện thoại nhà tôi, 087)888XXX”.
Bức thư này hoàn toàn không mang lại cho tôi bất kỳ cảm xúc đặc biệt nào, bởi vì quả thật lá thư chẳng nói lên được điều gì. Mà loại thư tương tự thế này, tôi cũng đã nhận được quá nhiều rồi. Tôi gạt lá thư sang một bên, dường như quên luôn sự xuất hiện của nó.
Mấy ngày sau, tôi thu dọn lại bàn làm việc lộn xộn, lại nhìn thấy bức thư này, đọc lại một lượt, tiện tay tôi kẹp nó vào tập kịch bản “Hỏi ánh tà dương”.
Mấy ngày nữa trôi qua, tôi mở kịch bản ra xem, bức thư lại rơi ra. Sao vậy nhỉ? “Nó” hình như không chịu cho tôi bỏ qua thì phải!
Tôi đọc nó lần thứ ba. Đọc xong, nhìn đồng hồ, đã là nửa đêm rồi. Xóm Vạn Loan, Bình Đông, là một nơi rất xa xôi, không biết chàng thanh niên tên Hàn Thanh kia đã ngủ chưa? Hoặc giả, tôi nên nghe câu chuyện của anh ta, dù rằng tôi đang trong trạng thái “Chìm dưới đáy dòng sông”, không muốn viết bất kỳ thứ gì, thì nghe một chút cũng chẳng thiệt hại gì. Hơn nữa, có một linh cảm nào đó nói cho tôi biết, người viết bức thư này đang rất mong chờ hồi âm của tôi, người viết thư này đang gấp gáp muốn được giãi bày, người viết thư này đang rất đau khổ. Hẳn anh ta đang rất cần một người lắng nghe.
Do vậy, tôi nhấc máy quay số điện thoại cố định kia, cảm ơn Cục Điện tín đã khiến cho điện thoại ở các địa phương có thể kết nối trực tiếp, hơn nữa còn không có tiếng chuông chói tai phát ra sau mỗi 3 giây, có thể gọi được cho đầu bên kia. Tôi gọi được cho Hàn Thanh, nói chuyện suốt gần một giờ đồng hồ. Sau đó, tôi nói với anh ta qua điện thoại:
“Đem toàn bộ nhật ký, thư từ, tư liệu mà cậu có gửi hết cho tôi, nhưng tôi không hứa chắc chắn tôi sẽ viết câu chuyện này đâu. Nếu như cậu cho rằng tôi đọc xong nhất định sẽ viết, thì cậu đừng gửi”.
“Tôi hoàn toàn có thể hiểu được”, anh ta nói, giọng rất kiên định. “Tôi sẽ gửi tư liệu và tất cả mọi thứ cho bà”.
Ba ngày sau, lúc Bưu cục gửi đến đến mấy thùng giấy lớn toàn thư từ và nhật ký, tôi bất chợt đứng thần người ra. Có trời biết, hàng ngày tôi bận rộn đến mức nào, còn có bao nhiêu là việc chờ tôi làm và làm không xong, làm sao tôi có thể đọc được nhiều thứ như thế? Thế nhưng, khi tôi nhận được những thứ này, đột nhiên tôi nhớ đến Kiều Thư Bồi (một người khác cũng gửi tư liệu cho tôi, sau đó tôi đã đem câu chuyện của anh ta viết thành cuốn “Ráng chiều đầy trời”). Thế là, tôi lẳng lặng ngồi xuống, lẳng lặng mở thùng giấy ra và cầm lên một cuốn nhật ký…
Có một tấm hình từ trong cuốn nhật ký rơi ra, tôi nhặt lên xem, một nam một nữ chụp chung với nhau, trong ảnh là một chàng trai đang cười rất ngốc nghếch, một thiếu nữ tóc dài rẽ ngôi giữa, chàng trai mắt to, lông mày rậm, là một thanh niên rất đẹp trai, cô gái mặt mày sáng sủa, lúc cười lộ ra hai hàm rắng trắng tinh, toát lên vẻ thuần khiết, trong sáng rạng ngời. Tôi đặt tấm ảnh xuống, mở nhật ký ra, trên trang bìa viết:
“Tôi rơi xuống vực sâu năm trăm dặm,
Mà Đà Đà, nàng khiến tôi nhảy vọt lên”.
Tôi bắt đầu xem nhật ký, xem thư từ, do có quá nhiều thư nên tôi chỉ có thể rút ra bất kỳ để đọc. Hàn Thanh quả nhiên là một chàng trai rất cẩn thận, trên mỗi lá thư đều có đánh số đầy đủ, Đà Đà cũng là một cô gái cẩn thận không kém, trên mỗi lá thư đều ghi rõ thời gian viết: Giờ nào, ngày nào, tháng nào, năm nào. (Mà kỳ lạ, tư liệu mà Hàn Thanh gửi đến sao lại có thư của cả đôi bên.)
Mấy ngày sau, tôi vẫn chưa xem xong số tư liệu này, nhưng, bằng trực giác của mình, câu chuyện này có thể không long trời lở đất hay éo le ly kỳ. Nhưng, nó khiến tôi cảm động, cảm động sâu sắc. Không chỉ là cảm động, mà còn chấn động. Chấn động bởi sự chân thực đến từng chi tiết, cảm động bởi những câu chuyện vụn vặt, và cảm động bởi cái kết bất ngờ, khiến người ta khó lòng tin nổi. Không đợi được đến khi đọc xong những bức thư này, tôi lại gọi cho Hàn Thanh:
“Cậu có thể đến Đài Bắc một chuyến không? Trực tiếp kể cho tôi nghe câu chuyện của hai người?”. Tôi hỏi, không quên kèm theo một câu: “Thế nhưng, tôi không chắc chắn sẽ viết đâu nhé”.
“Dạ được, hoàn toàn có thể!”.
Anh ta vội vàng trả lời, dường như lập tức đưa ra quyết định. “Ngày mùng 1 tháng 8 là Chủ nhật, tôi không đi học, tôi có thể đáp máy bay đến Đài Bắc, nhưng, bà phải dành cho tôi một thời gian tương đối dài”.
“Được, cả một buổi chiều!”. Tôi nói, “2 giờ chiều cậu đến, tôi dành cho cậu thời gian cả buổi chiều”.
Hẹn xong thời gian gặp mặt, trước ngày mùng Một tháng Tám, tôi lại lần lượt xem những tư liệu mà Hàn Thanh gửi cho tôi. Trong đầu đã lờ mờ phác thảo ra được cái sườn câu chuyện của hai người bọn họ. Đến tối ngày 31 tháng Bảy, tôi vừa ăn cơm tối xong thì đột ngột nhận được điện thoại của Hàn Thanh gọi đến, mở đầu anh ta đã nói ngay một câu:
“Tôi có thể thay đổi thời gian nói chuyện với bà không?”.
“Ồ!”. Tôi có phần hơi do dự: “Để tôi nghĩ xem, tuần sau…”.
“Không, không!”. Anh ta vội vàng ngắt lời tôi. “Ngay bây giờ, có được không?”.
“Ngay bây giờ?”, tôi giật mình, “Cậu đã đến Đài Bắc rồi ư?”.
“Phải, tôi vừa mới đến nơi”.
“Ồ”. Tôi lại một lần nữa bị cái mức độ gấp gáp của cậu ta làm cho cảm động, tuy tối nay tôi định làm một việc khác. “Được, cậu đến đi!”.
8 giờ 30 phút ngày 31 tháng 7, Hàn Thanh đến.
Tại Khả Viên, trong thư phòng nhỏ của tôi, chúng tôi ngồi xuống, mặt đối mặt với nhau.
Hàn Thanh, dáng người vừa phải, không cao không thấp, sống lưng giữ thẳng, mặt mày thanh tú, hiện rõ dáng vẻ tự tin và tự phụ bản năng. Cậu ta mặc sơ mi trắng, thắt cà vạt xanh, trang phục chỉnh tề, chỉn chu, tóc để mái bồng bềnh, mắt to sáng, lông mày rậm, đôi môi dày mọng. Cậu ta ngồi đó, có chút căng thẳng, không, rất căng thẳng. Trong một lúc, dường như tay chân không biết để đâu, cậu ta mở cúc tay áo, tuy trong phòng bật điều hòa, cậu ta lại ra sức xắn tay áo, rút khăn tay, nới lỏng cà vạt…
Tôi đẩy khay gạt tàn cho cậu ta.
“Xem nhật ký của cậu, tôi biết cậu hút thuốc”, tôi nói, cười khuyến khích, ý muốn làm giảm sự căng thẳng cho cậu ta. “Nhưng tôi lại quên chuẩn bị thuốc lá cho cậu rồi”.
“Tôi có!”.
Cậu ta lấy ra một bao Trường Thọ, lại tìm bật lửa.
Châm một điếu, khói thuốc nhè nhẹ bay lên, chầm chậm tan đi, cậu ta tựa lưng vào ghế. Tôi rút ra một tập bản thảo, phía trên viết:
“Ngày 31 tháng 7 năm 1982, trích câu chuyện của Hàn Thanh”.
Sau đó, câu chuyện bắt đầu, thời gian ngược trở về 8 giờ tối ngày 24 tháng 12 năm 1977.