Võ Văn Kiệt - Trí Tuệ Và Sáng Tạo - Tập 1: Từ Cuộc Khởi Nghiã Nam Kỳ Đến Ngày Ký Hiệp Định Giơnevơ Về Việt Nam
Đồng chí Võ Văn Kiệt tên khai sinh là Phan Văn Hòa, sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở xã Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. Tuổi thơ nhọc nhằn, đồng chí phải đi ở đợ, làm thuê kiếm sống và phụ giúp gia đình. Chính từ cuộc sống khó khăn, vất vả đó đã hun đúc nên bản lĩnh, ý chí cách mạng của đồng chí Võ Văn Kiệt. Sớm giác ngộ, hăng hái thực hiện các nhiệm vụ cách mạng được giao, năm 1939, đồng chí vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng khi mới 17 tuổi. Từ đó, đồng chí Võ Văn Kiệt lấy mục tiêu phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân làm lẽ sống. Dù không được học hành ở trường lớp một cách bài bản nhưng đồng chí đã học được rất nhiều từ trường đời, học từ nhân dân, xuất phát từ thực tiễn để khái quát thành lý luận, qua đó làm giàu tri thức cho mình, trở thành nhà lãnh đạo “trí tuệ và sáng tạo”.
Trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940, đồng chí chỉ huy một mũi đánh vào đồn Nước Xoáy. Khởi nghĩa Nam Kỳ thất bại, để tránh sự truy bắt của địch, đồng chí xuống hoạt động ở vùng U Minh. Trong giai đoạn 1941-1945, với cương vị Ủy viên Tỉnh ủy lâm thời tỉnh Rạch Giá, phụ trách khu vực căn cứ U Minh, đồng chí đã chỉ đạo xây dựng lực lượng quân sự, xây dựng căn cứ địa U Minh trở thành đầu não chỉ huy kháng chiến của các tỉnh miền Tây Nam Bộ, góp phần vào thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Trong giai đoạn 1945-1954, đồng chí Võ Văn Kiệt được phân công đảm nhiệm nhiều chức vụ như Ủy viên chính trị dân quân cách mạng liên tỉnh Tây Nam Bộ, Bí thư Quận ủy Phước Long, Phó Bí thư Tỉnh ủy Rạch Giá, Phó Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liê Bằng tài năng và nhiệt huyết cách mạng, sự linh hoạt, sáng tạo, đồng chí Võ Văn Kiệt đã góp phần không nhỏ vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở miền Tây Nam Bộ.
Sau khi Hiệp định Giơnevơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương được ký kết (7/1954), đồng chí Võ Văn Kiệt được phân công bí mật ở lại miền Nam để tiếp tục chỉ đạo phong trào cách mạng. Trong 21 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vô cùng gian khổ và ác liệt (1954-1975), đồng chí là một trong những cán bộ lãnh đạo chủ chốt của cuộc kháng chiến ở Nam Bộ. Đồng chí đã đảm nhiệm các chức vụ như: Xứ ủy viên Xứ ủy Nam Bộ kiêm Phó Bí thư Liên tỉnh ủy Cần Thơ, Bí thư Khu ủy Sài Gòn - Gia Định, Bí thư Khu ủy Khu 9, Ủy viên thường vụ Trung ương Cục miền N Trong thời kỳ này, tài năng, trí tuệ và bản lĩnh của đồng chí Võ Văn Kiệt càng được thể hiện trong những thời điểm ngặt nghèo của cuộc kháng chiến, với những giải pháp, quyết sách phù hợp với thực tế chiến trường, qua đó để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng đồng bào, chiến sĩ miền Nam.
Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đồng chí đảm nhiệm nhiều chức vụ như Phó Bí thư kiêm Chủ tịch Ủy ban nhân dân rồi Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (Thủ tướng Chính phủ)… Trong thời kỳ này, bản lĩnh, trí tuệ và sự sáng tạo, nhạy bén của đồng chí Võ Văn Kiệt càng được thể hiện rõ nét. Trong bối cảnh Thành phố Hồ Chí Minh cũng như cả nước lâm vào tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội, đồng chí Võ Văn Kiệt đã có những giải pháp sáng tạo, linh hoạt “chạy gạo” để bảo đảm cái ăn cho người dân Thành phố. Đồng chí là “Bí thư xé rào” đổi mới cơ chế quản lý từ đó Thành phố xuất hiện nhiều mô hình làm ăn hiệu quả, góp phần hình thành cơ sở thực tiễn để Đảng ta tiến hành công cuộc đổi mới. Thắng lợi của sự nghiệp đổi mới đất nước mang đậm dấu ấn của các nhà lãnh đạo cách mạng ưu tú của Đảng, trong đó nổi bật là đồng chí Võ Văn Kiệt. Tổ quốc, nhân dân sẽ còn mãi nhớ đến vị “tổng công trình sư” của nhiều dự án lớn, táo bạo như: thủy điện Trị An, đường dây tải điện 500kV Bắc - Nam, nhà máy lọc dầu Dung Quất, đường cao tốc Thăng Long - Nội Bài, đường Hồ Chí Minh…
Ngày 11/6/2008, đồng chí Võ Văn Kiệt đột ngột từ trần. Đồng chí không còn nữa nhưng nhân cách, phẩm chất, bản lĩnh và trí tuệ của đồng chí sẽ mãi mãi là tấm gương sáng ngời cho các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau học tập, noi theo.
Bộ sách Võ Văn Kiệt - Trí tuệ và sáng tạo được tác giả Hoàng Lại Giang biên soạn dưới dạng truyện về nhân vật lịch sử, đã khắc họa tương đối đầy đủ, toàn diện cuộc đời, sự nghiệp, đặc biệt đã làm nổi bật “trí tuệ” và sự “sáng tạo” trong giải quyết các nhiệm vụ cách mạng của đồng chí Võ Văn Kiệt, cả trong kháng chiến chống thực dân, đế quốc xâm lược cũng như trong thời kỳ đất nước hòa bình, thống nhất, xây dựng chủ nghĩa xã hội, đổi mới và hội nhập. Bộ sách được chia làm 3 tập, tương ứng với những giai đoạn quan trọng trong cuộc đời, sự nghiệp của đồng chí Võ Văn Kiệt:
Tập 1: Từ cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ đến ngày ký HIệp định Giơnevơ về Việt nam tái hiện chặng đường đầu tiên trong cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Võ Văn Kiệt – từ khởi nghĩa Nam Kỳ đến ngày ký Hiệp định Giơnevơ về Việt Nam.