“VÔ THƯỜNG”
Sống chậm lại, yêu thương nhiều hơn
Tôi thấy lòng mình bỗng chật. Những gì trước đây tôi cho là đúng, bây giờ tôi đâm nghi ngờ. Những gì trước đây tôi luôn theo đuổi, giành giật để có, bây giờ thấy chẳng còn quan trọng nữa.
Có bàn tay vụng về chỉ làm đổ vỡ mọi thứ khi chạm vào. Có bàn tay cho đi. Có bàn tay giữ lại. Nhưng khi về với đất, bàn tay nào cũng rỗng. Vậy sao không ướp hương cho đôi tay mình, tôi tự hỏi lòng như thế. Có hàng ngàn cách ướp hương, ướp hương thánh thiện, âm thầm, khiêm cung, bé nhỏ, mà hương thơm lại bay vượt mọi không gian.
Là một người làm việc tại phòng cấp cứu, bác sĩ Nguyễn Bảo Trung đã chứng kiến ranh giới sinh tử của nhiều bệnh nhân và lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của họ để nhận ra cuộc đời này đa phần chúng ta đã sống quá hời hợt. Sao ta không sống chậm lại, đón sóng gió với tâm thế hứng khởi, an nhiên hơn?
Cuốn sách Vô Thường là tuyển tập những câu chuyện khác nhau của những bệnh nhân sắp bước chân vào cánh cửa của thần chết. Mỗi người lại có những tiếc nuối riêng, cách đối diện với bệnh tật của họ và những người thân yêu trong gia đình. Mỗi câu chuyện được tác giả kể nhẹ nhàng, dung dị, rất đời thường nhưng lại ẩn chứa ý nghĩa sâu sắc và những nhắn gửi đầy tâm tư của tác giả tới người đọc.
Những câu chuyện trong sách đã chạm đến trái tim của người đọc, khiến họ nhận ra rằng hạnh phúc là những điều thật bình dị, cuộc đời rất ngắn ngủi nên hãy bao dung, sống chan hòa và vui vẻ. Còn được sống, có người thân yêu khỏe mạnh bên cạnh là còn có cơ hội hạnh phúc và là một điều may mắn.Khi hiểu được tất cả mọi thứ trên đời này đều là vô thường, con người sẽ tự động tránh xa những thú vui tạm bợ, tránh được “Tham - Sân- Si, Mạn, Nghi” để tìm thấy giá trị chân thật, hạnh phúc đơn giản từ những điều bé nhỏ xung quanh mình.
Một ví dụ cực kỳ sâu sắc mà bác sĩ Nguyễn Bảo Trung chỉ ra là trường hợp con cái - những người đang bị cuốn theo vòng quay cuộc sống, khi mà cơm áo gạo tiền đã chiếm phần lớn mối quan tâm của họ để rồi đến lúc bác sĩ hỏi cha mẹ bị bệnh gì, đã điều trị ở đâu thì chỉ có thể trả lời một cách mơ mơ hồ hồ. Để rồi ân hận trong muộn màng khi cha mẹ nhận “án tử” trong tay thì họ mới khóc lóc nhận ra rằng cha mẹ chỉ có một, sinh mạng chỉ có một. Đọc xong câu chuyện này, những ai xa quê hương sẽ chỉ muốn xách balo lên và trở về nhà, để “Cảm ơn cha mẹ đã là cha mẹ của con” rồi ăn cùng những đấng sinh thành bữa cơm đoàn tụ. Bởi cuộc đời vô thường lắm, chẳng ai biết trước chữ ngờ.
“Khi sinh ra, tay tôi nắm chặt. Khi chết đi tay tôi buông thõng. Từ nắm chặt đến buông thõng, một hành trình dài đầy nụ cười hạnh phúc và nước mắt đau thương.”
Nếu đời người là vô thường, sự sống có giới hạn thì phải chăng con người ta nên sống có ý nghĩa một chút. Bạn muốn làm điều gì? Bạn có biết mình đang muốn gì hay không? Nếu cuộc đời cứ thế trôi qua vô nghĩa, liệu điều gì khiến ta ân hận về sau nay? Chúng ta có hối tiếc về những việc chưa làm khi về già không?
Cuốn sách như một tấm gương, để khi soi vào đó người ta bất giác phải giật mình vì suốt thời gian qua mình đã “sống nông” như thế nào, vô tâm vô tình ra làm sao với người thân, bạn bè và ngay cả với chính bản thân mình. Sách mỏng và chuyện cũng ngắn, nhưng sự rung động mạnh mẽ cuốn sách mang lại cho người đọc chắc chắn sẽ không dễ dàng tan biến đi khi trang sách cuối cùng khép lại.
--------------------
Thông tin tác giả: Nguyễn Bảo Trung
Bác sỹ Nguyễn Bảo Trung đang công tác tại bệnh viện ở TP.HCM, anh sinh năm 1980. Anh đã xuất bản nhiều tựa sách được nhiều bạn trẻ đón nhận nồng nhiệt bởi sự nhẹ nhàng trong văn phong cùng kinh nghiệm thực tập nhận diện sự thật để khỏe hơn, an nhiên hơn giữa cuộc sống đời thường.
Sách tiêu biểu đã in:
Vô thường (2016)
Thương (2019)
Yên (2020)
Sông (2021)
Tổ chim sẻ nâu (2022).