Vì Chơi Là Học - Dành Cho Trẻ 1 - 2 Tuổi
Nhiều bậc cha mẹ cho rằng việc chơi với con là một bản năng, chỉ cần yêu thương con, chơi với con là chuyện đương nhiên, không học cũng biết và cũng giỏi. Liệu điều đó có đúng ?
Ai cũng thích chơi nhưng không phải ai cũng biết cách chơi thật hay, thật “chuẩn và chất”. Việc chơi với trẻ cũng như vậy, nhưng còn có phần thách thức hơn bởi đối với trẻ, chơi không chỉ là chơi, chơi chính là học, và là chương trình học toàn thời gian có tính chất quyết định trong cuộc đời đứa trẻ. Khoảng thời gian chơi đùa cùng cha mẹ góp phần rất lớn đến quá trình hình thành nhận thức, tính cách và kỹ năng của trẻ sau này, mà toàn bộ quá trình này đều được lên ý tưởng và đạo diễn bởi chính cha mẹ trẻ.
Thêm nữa, những ngày tháng đầu đời của trẻ cũng là lúc cả gia đình bắt đầu tìm hiểu nhau và xây dựng mối gắn kết tình cảm. Thông qua các trò chơi, nếu để tâm quan sát và mở lòng đón nhận sự khác biệt của trẻ, cha mẹ có thể khám phá ra nhiều điều để hiểu con mình hơn.
Cuốn thứ hai trong bộ sách Vì Chơi Là Học của tác giả Tadashi Tsujii đã gợi ý cho các bậc cha mẹ có con nhỏ từ 1-2 tuổi cách chơi cùng con và những trò chơi nhẹ nhàng, thú vị nhưng mang tính giáo dục cao để cha mẹ có thể hướng dẫn con tự chơi, tự khám phá và hoàn thiện các kỹ năng.
Khi kết thúc giai đoạn sơ sinh và bước vào giai đoạn tập đi, trẻ có rất nhiều thay đổi trong nhận thức và “ý thức cá nhân”, bởi vậy, cách cha mẹ chơi cùng con và hướng dẫn con chơi cũng cần thay đổi rất nhiều. Vẫn với cách viết nhẹ nhàng, những miêu tả chi tiết kết hợp với hình ảnh minh hoạ sinh động, tác giả đưa ra những “bài tập” chơi phù hợp với từng tháng trong suốt năm tuổi thứ hai của trẻ.
Giai đoạn trẻ được 1 năm 1 tháng tuổi, việc rèn luyện các kỹ năng tương tác xã hội của trẻ nên được chú trọng. Bằng những trò chơi đơn giản như để bé thấy sự thay đổi biểu cảm hoặc bắt chước hành động hay cách trò chuyện của mẹ, bé sẽ học được cách giao tiếp, ứng xử và phát triển nhận thức về các mối quan hệ. Ngoài ra, mẹ có thể hướng dẫn bé chơi cùng những món đồ chơi yêu thích để rèn luyện sự khéo léo và kỹ năng tổ chức.
Giai đoạn trẻ được 1 năm 2 tháng tuổi, việc giáo dục trẻ các quy tắc xã hội và ý thức tự lập được đề cao. Trẻ ở giai đoạn này rất thích thú với việc tập đi, khám phá thế giới và tự làm các công việc cá nhân. Cha mẹ nên tạo cho con một môi trường an toàn, thoải mái và hướng dẫn con tự chơi những trò chơi kích thích trí tò mò và rèn luyện khả năng vận động cũng như sự khéo léo của đôi tay.
Trong cuốn thứ hai của bộ sách, tác giả Tadashi Tsujii vẫn nhấn mạnh vai trò của người cha trong việc chơi đùa cùng con. Nếu ở giai đoạn trẻ sơ sinh, vấn đề giới tính chưa hiện lên rõ nét trong hoạt động giao tiếp giữa bố con, thì ở giai đoạn này, bố sẽ có vai trò lớn hơn trong việc ảnh hưởng đến nhận thức về giới tính của con, và các trò chơi của bố có thể khác biệt đối với bé trai và bé gái hoặc tuỳ thuộc vào cá tính của mỗi trẻ.
Một lần nữa, tác giả Tadashi Tsujii nhắc nhở các bậc cha mẹ rằng học cách chơi đùa cùng con còn cần thiết và quan trọng hơn việc tắm rửa hay những bữa ăn hàng ngày. Một cái cây muốn bền bỉ trước bão tố cần có một bộ rễ vững chắc cắm sâu vào lòng đất. Một đứa trẻ muốn phát triển tốt và vững vàng trước sóng gió cuộc đời cần một nền tảng giáo dục tốt ngay từ những ngày đầu tiên. Và như thế, việc vui chơi không chỉ mang lại niềm vui thích cho trẻ, mà qua đó, trẻ sẽ khám phá ra nhiều điều về thế giới xung quanh, hình thành các kỹ năng, xây dựng tính cách và hoàn thiện nhân cách. Nếu cha mẹ biết cách chơi mà học cùng con, trẻ sẽ có nền tảng tốt để vươn cao và vững vàng trước cuộc đời.
Mục lục:
1 năm 1 tháng tuổi: Không chơi theo ý mẹ đâu!
1 năm 2 tháng tuổi: Thử thách
1 năm 3 tháng tuổi: “Tốt nghiệp” thời kỳ trẻ sơ sinh
1 năm 4 tháng tuổi: Giữ trẻ an toàn
1 năm 5 tháng tuổi: Mâu thuẫn nội tại
1 năm 6 tháng tuổi: Yêu cầu hỗ trợ nuôi dạy trẻ
1 năm 7 tháng tuổi: Đừng đánh con mẹ nhé!
1 năm 8 tháng tuổi: Mạnh dạn nói với con suy nghĩ thật của mẹ
1 năm 9 tháng tuổi: Làm chủ từ ngữ
1 năm 10 tháng tuổi: Nếu không thể giáo dục tính xã hội cho trẻ
1 năm 11 tháng tuổi: Phụ thuộc hay tự lập?
2 tuổi: Lao tâm khổ tứ khi chăm trẻ
Giới thiệu tác giả:
Tadashi Tsujii là người thành lập thư viện đồ chơi đầu tiên của Nhật Bản tại Osaka, đồng thời là giảng viên của trường Đại học Giáo dục Osaka và Đại học nữ sinh, Học viện Kobe. Ông cũng phụ trách thu thập tư liệu và trình bày các chuyên đề về giáo dục trẻ em trên kênh truyền hình NHK. Hiện nay, ông là cố vấn của phòng tư vấn Asahi Baby (Tổ chức phúc lợi xã hội – văn hóa báo Asahi), giám đốc trung tâm Pyramid Method tại Nhật Bản của Tổ chúc Giáo dục Hà Lan Cito, viện trưởng Viện Nghiên cứu trẻ em tổng hợp Tsujii.
Trích đoạn:
Không chơi theo ý mẹ đâu
Nhiều phụ huynh quan niệm chơi với con khi nào mình thích là được. Họ không chú trọng việc chơi cùng con mà không biết rằng thực ra việc đó còn quan trọng hơn là tắm rửa hay chăm chút bữa ăn cho con. Vì vậy, việc cha mẹ tự mình học cách chơi với con là điều vô cùng quan trọng.Trẻ sẽ học được cách giao tiếp và ứng xử khi bắt chước cách trò chuyện, kiểu mỉm cười của mẹ. Những trẻ bắt chước điệu bộ của mẹ khi chơi trò “bay nào, bay nào”, sẽ đưa hai tay lên cao khi lần sau nghe mẹ nói “bay nào, bay nào”. Đó không đơn giản chỉ là “bắt chước”, mà còn là cách trẻ lý giải cảm giác về không gian xung quanh mình. Chính những hành động bắt chước này sẽ giúp trẻ tái hiện lại những trò chơi đã kết thúc và trở thành cơ sở của khả năng ghi nhớ, đồng thời giúp trẻ phát triển nhận thức về mối quan hệ trên, dưới, trái, phải, trước, sau. Những trẻ có cha mẹ biết cách chơi cùng con thường có năng lực hòa đồng với bạn bè cao hơn và có trí nhớ tốt hơn. Bởi qua những trò chơi, trẻ có thể nhận thấy tất cả mọi người và đồ vật (đồ chơi) xung quanh mình không tồn tại riêng lẻ, mà kết nối với nhau theo một cách nào đó, đồng thời có tính bền vững (không tan biến và mất đi). Cũng có ý kiến cho rằng những trẻ chơi chung với cha mẹ nhiều sẽ có tính xã hội cao.
[Rèn luyện thói quen cho trẻ]
Trẻ giai đoạn này hết nghịch bát đũa trong nhà bếp, làm hỏng món đồ chơi yêu thích của anh chị lại trèo lên cầu thang một mình. Nếu cha mẹ thường xuyên cấm cản, nói “Không được” với trẻ thì trí tò mò ham khám phá của trẻ sẽ bị kìm hãm. Vì vậy, thay vì nói không được, bố mẹ nên loại bỏ hết những vật nguy hiểm và những thứ trẻ không được chạm vào trước khi cho trẻ vui chơi.
1. Ú òa!
Có lẽ đứa trẻ nào cũng từng được chơi Ú òa, bởi dường như đây là trò chơi phổ thông của các bà mẹ trên toàn thế giới. Trong quá trình gương mặt mà mình yêu thích vụt biến mất, rồi xuất hiện trở lại, trẻ sẽ nhận thấy sự khác biệt giữa khuôn mặt đầy đủ và khuôn mặt bị che khuất một phần. Có 3 cách để cùng chơi trò này (như hình dưới đây). Hãy khám phá xem con bạn thích cách nào nhất nhé.
2. Ba món đồ chơi
Dần dần trẻ sẽ muốn chơi với nhiều đồ chơi hơn. Khi hai tay trẻ đang cầm hai đồ chơi, mà đưa cho trẻ thêm đồ chơi thứ ba, thì trẻ sẽ có ý sắp xếp hai món đồ chơi đang cầm, chẳng hạn như đưa lên miệng để cắn giữ, rồi cầm lấy món đồ chơi mới. Hành động sắp xếp ba món đồ chơi này chính là khởi đầu của kỹ năng tổ chức.
3. Thả đồ chơi vào trong hộp
Nếu chăm chú quan sát sẽ thấy dường như trẻ hoạt động không ngừng nghỉ, đi là ngã, ngã rồi lại đứng dậy đi tiếp. Việc lặp lại những hành động này giúp trẻ nâng cao khả năng vận động. Với đôi tay cũng vậy, kỹ năng cầm nắm và thả ra sẽ đồng thời được rèn luyện khi trẻ thả món đồ chơi đang cầm ra, rồi nhặt lại. Đó là bí quyết giúp đôi tay trẻ trở nên khéo léo.
4. Cùng trò chuyện qua điện thoại
Đây là thời kỳ quan trọng vì lúc này trẻ bắt đầu tập nói. Bố mẹ nên tạo cơ hội cho trẻ lắng nghe chứ không nên ép trẻ nói chuyện. Khi có điện thoại từ người thân gọi đến, nên để cho trẻ nghe trong một thời gian ngắn, vì âm thanh qua điện thoại có độ vang khác với tiếng nói thường ngày của cha mẹ, nên trẻ sẽ quan tâm và hào hứng lắng nghe.