“Ocean. Ocean,
hãy đứng dậy. Phần đẹp nhất của thân thể mày
là ở nơi nó hướng tới. & hãy nhớ,
nỗi cô đơn vẫn là thời gian ta sống
với thế gian.”
Thơ Vuong đánh mạnh vào ta tức khắc, làm tim ta đau nhói, vì cái gì đó mất mát, thiếu thốn, hẫng hụt; rồi ám ảnh ta như một bí ẩn chưa lý giải được.
Vuong có nói mình trèo từ vực sâu của đời sống lên thế giới của Thơ.
Vực sâu ấy là cõi phức cảm của một số phận kỳ lạ.
Số phận một đứa con của chiến tranh. Cuộc chiến mà đứa bé không hề biết nhưng mãi hiện thân trong con người của người mẹ “con lai” và những câu chuyện hằng ngày không thể dứt từ những người đàn bà trong gia đình. Số phận của đứa con mất cha từ tấm bé mà không sao biết lý do. Số phận của một di dân mang nặng quá khứ một đất nước lịch sử mang nhiều vết thương, một văn hóa xa lạ. Số phận của một người trẻ mang giới tính khác thường.
Cho nên thơ Vuong ám ảnh.
Ám ảnh chiến tranh đè nặng nhiều bài thơ và luôn hiện ra giữa những cảnh huống hiện tại.
Ám ảnh đứa con đi tìm cha như trong sử thi Homer.
Ám ảnh bị kỳ thị, bị bỏ rơi… trong tình yêu đồng tính,
Đi vào cơ thể là những vết thương, chúng xuyên thấu, và từ lỗ đạn đi ra (exit wounds) chính là các dòng thơ.
Những dòng thơ như thế là sao có thể ra khỏi lòng ta?
“… Tôi đã không biết cái giá
của việc đi vào một bài ca – là lạc mất
lối về
… khẩu
Colt 45 – im lặng & nặng trịch
như một bàn tay bị cắt ra.”
Trong tiếng Anh, thơ Osean Vuong có lẽ là duy nhất đầm đìa tính Việt. Một tính âm, giàu tình, hiền hòa chịu đựng, một giọng nữ ẩn ngay trong những dòng thơ mạnh mẽ, những ngôn từ hung bạo nhất.
Ocean Vương là nhà thơ, cây bút tiểu luận người Mỹ gốc Việt, vừa đoạt giải Thơ T.S Eliot của Vương quốc Anh năm 2017 cho tập thơ đầu tay Night Sky with Exit Wounds, sau khi nhận nhiều giải thưởng văn chương danh giá khác của Mỹ (giải Pushcart năm 2014, giải Whiting năm 2016, giải Forward năm 2017...). Nhà thơ Bill Herbert - Chủ tịch hội đồng giám khảo giả T.S Eliot nhận định, Night Sky with Exit Wounds là "sự khởi đầu chắc chắn một cách thuyết phục, sự tới đích rõ rệt của một giọng nói quan trọng". “Cách nhìn thế giới của cuốn sách thật đáng kinh ngạc”.
Sinh ra ở một vùng nông thôn ngoại thành Sài Gòn, Ocean Vuong đến Mỹ năm lên hai, được mẹ, bà ngoại và dì ruột nuôi dưỡng. Mãi tới năm 11 tuổi anh mới học đọc tiếng Mỹ. Trưởng thành, Vuong là một ngươi đồng tính công khai.
Vuong hiện sống tại bang Massachusetts, là phó giáo sư chương trình Thạc sĩ Sáng tác Thơ Văn của Đại học Massachusetts tại Amherst. Ocean Vuong từng bộc lộ với báo New York Times:
“Cái tên Ocean được mẹ anh đặt lại cho anh khi bà đã ở Mỹ. Một bữa, đang làm việc ở tiệm nail, bà kêu lên nóng quá và muốn được ra bãi biển (beach). Nhưng phát âm tiếng Anh của bà không chuẩn, nghe như ‘bitch’ (con điếm), khiến mọi ngươi cười. Một ngươi khách hỏi: ‘Why not ocean?’ (Sao bà không nói là ‘đại dương’?). Với vốn tiếng Anh ít ỏi, bà ngơ ngác. Khi được giải thích đó là vùng nước mênh mông mà bờ kia là Việt Nam, bà quyết định đặt tên con là Ocean.”
Vuong kể rằng gia đình anh từng sống trong căn hộ một phòng ngủ ở Hartford, bang Connecticut, và đó giống như một ngôi làng toàn phụ nữ Việt Nam là những người nuôi dưỡng anh (năm người bà con, không kể mẹ anh). Vì thế, văn hóa Việt được giữ khá nguyên vẹn với tiếng Việt và các món ăn trong bữa cơm thương ngày.
Chiến tranh Việt Nam cũng là nỗi ám ảnh sâu xa trong ngôi nhà này. “Tôi cảm thấy mình là kẻ nhận thừa kế của chiến tranh. Cuộc sống và thơ của tôi cố gắng điều tra cái giao điểm làm nên nghĩa lý của một ngươi Mỹ sinh ra từ bạo lực, làm nên nghĩa lý từ bạo lực”, anh chia sẻ với báo chí.
Về bút pháp thơ, anh thấy hình như mọi người trong gia đình mình gặp khó khăn về việc đọc tiếng Anh, nhưng anh lại coi việc ấy có tác dụng tích cực cho chuyện làm thơ của mình: “Bởi vì tôi viết rất chậm và nhìn các từ y như các vật thể. Tôi luôn tìm cách tìm từ bên trong từ. Thật tuyệt vơi cho tôi khi thấy được từ laughter (tiếng cười) nằm bên trong từ slaughter (sự tàn sát)”.
MỘT SỐ NHẬN ĐỊNH VỀ TÁC PHẨM
“Có một đợt sóng cảm xúc dữ dội ập vào những bài thơ này khởi nguồn từ sự chân thành và ngay thẳng của Vuong, và từ khả năng nắm bắt ngay những khoảnh khắc chợt lóe, với sự rõ ràng như ảnh chụp và cảm thức về sự phù du của vạn vật trần gian. Dù đang viết về chiến tranh, gia đình hay tính dục, thì thơ Vuong vẫn luôn hàm chứa một linh cảm mất mát…” – The New York Times
“Tập thơ đầu tay cho thấy bậc thầy của nghệ thuật tương phản, sẳn sàng kể những câu chuyện khó nói với lòng can đảm.” – The Guardian