Tả Tướng Quốc Trần Nguyên Hãn - bậc khai quốc công thần với số phận oan khuất
Tả Tướng Quốc Trần Nguyên Hãn là một tôn thất nhà Trần lập nhiều chiến công hiển hách trong khởi nghĩa Lam Sơn đánh đuổi giặc Minh. Trần Nguyên Hãn trở thành khai quốc công thần triều Lê sơ nhưng cuối đời lại phải chọn cái chết bi phẫn. Cuộc đời của vị danh tướng tài hoa vắt qua ba triều đại có đủ vị đắng cay ngọt bùi. Từ những ngày còn chí trai lập công danh cho đến khi rơi vào vòng xoáy quyền lực và cuối cùng vị quốc mà vong thân. Số phận oan khuất của Trần Nguyên Hãn trở thành nỗi buồn của lịch sử và dưới dòng sông Lô xanh thẳm vẫn còn loang lệ máu của bậc anh hùng.
Sinh ra trong thời nhà Trần suy vi, lớn lên trong cảnh nước mất nhà tan, Trần Nguyên Hãn ra sức văn ôn võ luyện, nghiền ngẫm binh thư để chờ ngày đánh đuổi giặc Minh, lập được công danh xứng với tên họ mình mang. Vì lý tưởng "đền nợ nước, trả thù nhà”, Trần Nguyên Hãn quyết chí tìm về Lam Sơn phò tá Lê Lợi, chính thức rũ bỏ uy danh của một tôn thất hoàng tộc để về dưới trướng một dòng họ khác. Là võ tướng có tài năng quân sự xuất chúng, trong suốt 10 năm khởi nghĩa, Trần Nguyên Hãn trực tiếp chỉ huy nhiều trận đánh quan trọng. Đặc biệt, chiến thắng Chi Lăng - Xương Giang lừng lẫy đã đẩy giặc Minh ra khỏi bờ cõi Đại Việt, hoàn thành đại nghiệp cứu nước cứu dân và ghi tên Trần Nguyên Hãn vào hàng danh tướng trong lịch sử chống ngoại xâm. Với tài năng đức độ và công lao hiển hách, Trần Nguyên Hãn được vua Lê Thái Tổ phong làm Tả Tướng Quốc.
Tiếc thay, dù đã trả xong nợ núi sông nhưng vị võ tướng họ Trần lại không trả hết được nợ anh hùng phải gánh. Triều đình bắt đầu xuất hiện những tranh giành quyền lực, mưu hại lẫn nhau giữa các thế lực thời hậu chiến. Với xuất thân tôn thất triều đại cũ, lại có tài năng hơn người và chiến công vang dội, Trần Nguyên Hãn không thể giữ mình bình an giữa vòng xoáy quyền lực. Trước những lời tố cáo gièm pha của các thế lực ganh ghét, Trần Nguyên Hãn bị vua Lê Thái Tổ quy kết âm mưu phản nghịch. Nhận ra số phận của mình không thể nào thoát khỏi cái chết, Trần Nguyên Hãn thà rằng chọn cách chết vinh để tỏ rõ tấm lòng trung trinh của mình. Trên đường áp giải về kinh thành, Trần Nguyên Hãn đã tự trầm mình xuống dòng sông Lô với lời ai oán thấu đến trời xanh: “Tôi với Hoàng thượng cùng mưu cứu nước cứu dân, nay nghiệp lớn đã thành, Hoàng thượng nghe lời gièm mà hại tôi. Hoàng thiên biết xin soi xét cho!”
Trần Nguyên Hãn bị bức tử mà chết? Ai là người chịu trách nhiệm cho cái chết oan khuất của vị khai quốc công thần bậc nhất? Là do số phận Trần Nguyên Hãn quá bạc hay do sự đa nghi hiếu sát của đấng quân vương? Đã gần 600 năm trôi qua, án xưa vẫn còn đang bỏ ngỏ. Cuộc đời của Trần Nguyên Hãn như gói trọn vận mệnh của triều Trần suy tàn, chẳng khác gì một ngọn đèn hết dầu sắp tắt chợt lóe lên một ánh hồi quang rồi chìm vào bóng đêm. Thế nhưng, công lao cứu quốc và tấm lòng vì dân của Trần Nguyên Hãn mãi mãi chói sáng trong trang sử nước Việt như lời khẳng định đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Trần Nguyên Hãn không chỉ là một vị tướng kiệt xuất trong chiến thắng chống quân Minh xâm lược ở thế kỷ XV mà ông còn là một anh hùng dân tộc”.
Tiểu thuyết lịch sử “Trần Nguyên Hãn” của tác giả Trần Thanh Cảnh sẽ mang đến cái nhìn rõ ràng đầy đủ về cuộc đời bi hùng của vị Tả Tướng Quốc có một không hai trong lịch sử. Tác phẩm gồm 39 chương, ứng với 39 năm tại thế của Trần Nguyên Hãn như một cách để ghi nhớ công danh sự nghiệp của bậc anh hùng cứu nước giúp dân nhưng kết thúc cuộc đời đầy bi phẫn. Đồng thời, tác phẩm cũng vén màn bức tranh thời cuộc với những âm mưu quyền lực, thủ đoạn chính trị được ví như “mũi dao hiểm độc giấu trong tay áo” của các phe phái tranh giành ngôi cao bổng hậu lúc bấy giờ.