Tiếng Việt Dành Cho Người Nước Ngoài - Level A
Trong vài thập niên gần đây, do quá trình hội nhập nhanh của Việt Nam với quốc tế, nhiều quốc gia đang có xu hướng mở rộng hợp tác và đầu tư mạnh mẽ vào Việt Nam. Chính vì vậy, số lượng người học tiếng Việt mỗi ngày một nhiều.
Để đáp ứng kịp thời việc dạy tiếng Việt cho người nước ngoài, Viện Ngôn ngữ và Văn hóa Phương Đông kết hợp với Hanoibooks cho xuất bản cuốn Tiếng Việt dành cho người nước ngoài A1 + A2 . Đây là cuốn sách dạy tiếng Việt được biên soạn theo phương pháp mới nhờ áp dụng các lý thuyết hiện đại về ngôn ngữ học và văn hóa học. Sách tổ chức các bài giảng theo hướng giao tiếp kết hợp với các bài giảng về cách thực hành tiếng Việt mang tính thực tiễn cao. Học xong giáo trình này, người học về có thể giao tiếp tiếng Việt tương đối thành thạo trong sinh hoạt hàng ngày và trong công việc hành chính ở cơ quan, doanh nghiệp; bước đầu nắm được được các kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết ở mức thông dụng.
Cấu trúc giáo trình gồm có hai phần chính. Phần 1 dành hướng dẫn cách thực hành phát âm tiếng Việt. Trong đó, các bài giảng tập trung vào luyện tập cách phát âm nguyên âm, phụ âm, thanh điệu và cách ghép phụ âm đầu với nguyên âm chính, ghép nguyên âm chính với phụ âm cuối; và cuối cùng là cách ghép phụ âm đầu, âm chính và âm cuối để tạo thành âm tiết/từ.
Trong lần in thứ hai, để tạo điều kiện thuận lợi cho các cán bộ chưa có nhiều kinh nghiệm giảng dạy, chúng tôi bổ sung thêm mục “Giớí thiệu khái quát về ngữ âm tiếng Việt” nhằm giúp người dạy hình dung lại một cách khái quát và có hệ thống các đặc điểm về cấu âm và cách phát âm tiếng Việt. Mục này cũng là mục cung cấp các tri thức cần thiết để những người Tự học tiêng Việt có thể thực hiện được ước mơ nắm bắt tiếng Việt của mình
Phần 2, là phần dành cho việc thực hành giao tiếp tiếng Việt. Phần này có 21 chương (tạm gọi là “chương”) rèn luyện cách nói, cách đọc, cách viết tiếng Việt bằng việc cung cấp các từ ngữ và các hiện tượng ngữ pháp thường gặp nhất cho người học. Mỗi bài học thường có các nội dung cơ bản: Tập đối thoại, tập đọc, tập nghe, viết, luyện phát âm tiếng Việt, tập sử dụng các từ ngữ, các hiện tượng ngữ pháp thường gặp nhất. Nội dung các bài học có thể thực hiện trên lớp hoặc điền dã (xuống cơ sở thực tế: trường học, chợ quê, siêu thị, văn phòng công ty, đường phố, khu du lịch…) tùy theo cách bố trí của giáo viên. Ngoài nội dung thực hành trên lớp, người học có thể tự ôn luyện kiến thức bằng cách hoàn thành các bài tập về nhà dưới sự hướng dẫn của giáo viên.
Các hoàn cảnh giao tiếp được lựa chọn ưu tiên trong bộ sách này là: hoàn cảnh giao tiếp ở sân bay, khách sạn, nơi ở, nơi học tập, nơi đăng ký tạm trú, bệnh viện, công sở… đó là những nơi mà người nước ngoài mới đến Việt Nam đều gặp các tình huống cần trao đổi và giải quyết công việc. Để giúp người học nhanh chóng nắm được các qui tắc, thói quen giao tiếp của người bản ngữ, giáo trình đã dùng các hình thức như: tập đọc, tập đối thoại, tập nghe và viết theo từng chủ đề. Sau khi đã làm quen với tiếng Việt và tích lũy được một vốn từ nhất định, người học sẽ được luyện tập cả 4 kỹ năng: nói, nghe, đọc và viết. Trong mỗi bài học, các kỹ năng này được củng cố qua cách tích lũy vốn từ vựng, vốn ngữ pháp từ đơn giản đến phức tạp, từ ít đến nhiều.
Cấu trúc các bài học được thể hiện một cách linh hoạt để tránh nhàm chán, nội dung bao giờ cũng có các phần: 1. Hội thoại hoặc bài đọc (có giải thích từ ngữ mới); 2. Giải thích các hiện tượng ngữ pháp trong bài; 3. Luyện tập: Luyện nói, nghe, đọc, viết và cách sử dụng các phương tiện ngữ pháp cụ thể; 4. Luyện phát âm; 5. Bài tập về nhà.
Để giúp cho việc củng cố vững chắc các kiến thức học được trong từng giai đoạn, (tùy theo lượng kiến thức đã cung cấp), chúng tôi biên soạn một bài tổng ôn. Toàn bộ giáo trình có 3 bài tổng ôn tập. Đây là các bài đúc kết lại giá trị cốt lõi toàn bộ kiến thức của trình độ A1 và A2, rất tiện lợi cho người học luyện tập trước khi thi cũng như vận dụng vào hoạt động giao tiếp.
Với mục đích giúp người dạy và người học tránh được sự đơn điệu, các bài rèn luyện về 4 kỹ năng cơ bản được biên soạn theo các chủ đề phong phú, đa dạng như: Thời tiết, phong cảnh, khí hậu, sinh hoạt, du lịch, chữa bệnh, đầu tư, liên kết doanh nghiệp, văn hóa (lễ hội, ẩm thực…). Từ ngữ được sử dụng trong mỗi bài học đều xoay quanh các vấn đề về đất nước, văn hóa và con người Việt Nam. Từ các nội dung của bài học, người học có thể hình dung một cách khái quát về phong cảnh, khí hậu, môi trường, con người Việt Nam… để có thể chủ động, tự tin khi đi du lịch, học tập hoặc hợp tác kinh doanh, đầu tư vào thị trường Việt Nam mà không gặp bỡ ngỡ hay bất kỳ cản trở nào.
Các câu hỏi và hệ thống bài tập trong giáo trình đều được mô hình hóa theo các mẫu và dạng thức. Từ các mẫu và dạng thức này, người dạy có thể sáng tạo thêm các tình huống mới trong hướng dẫn thực hành giao tiếp để mở rộng và phát triển vốn từ cho người học. Nhằm hỗ trợ cho quá trình này, chúng tôi đồng thời cho xuất bản cuốn Tuyển tập các bài nghiên cứu về tiếng Việt thay cho sách bài tập theo cách làm thông thường. Cuốn Tuyển tập này không những cung cấp nguồn ngữ liệu thiết thực cho giảng viên mà còn trang bị cho học viên một số kiến thức cơ bản về tiếng Việt. Nó chính là bộ công cụ giúp người học có bước chuẩn bị sẵn để có thể tiếp tục học lên bậc B (B1,B2) một cách vững vàng.
Phần cuối giáo trình, chúng tôi có mục đối chiếu từ vựng giữa tiếng Việt với tiếng Anh và tiếng Trung. Để tiện cho việc tra cứu, các từ được tách thành ba nhóm cơ bản: Nhóm 1 là nhóm danh từ, nhóm 2 là nhóm động và tính từ, nhóm 3 là các từ loại còn lại. Các từ được sắp xếp theo vần a, b, c và xếp theo thứ tự bài học.