Cơ sở lý luận của nhân tướng học Trung Quốc có nguồn gốc từ triết lý “hữu chư nội tất hình ư ngoại” (có bên trong ắt biểu hiện ra bên ngoài) của Đông y. Sự khỏe mạnh hay suy yếu của các cơ quan nội tạng được phản ánh qua làn da, nét mặt, giọng nói… Thầy thuốc giỏi phải bắt đúng bệnh thông qua những biểu hiện bên ngoài. Tiến xa hơn một bước, nhân tướng học cho phép chúng ta phán đoán tính cách, năng lực trí tuệ và cuộc sống của một người qua việc quan sát các đặc điểm bên ngoài của người đó. Tuy nhiên, trong suốt một thời gian dài, nó bị các thuật sĩ thổi phồng, xuyên tạc. Điều này dẫn đến cách nhìn sai lệch, méo mó về nhân tướng học, khiến người đời không thấy được tính khoa học nghiêm túc của nó.
Triết học duy vật biện chứng đã chỉ ra rằng không có hình thức nào lại không chứa đựng nội dung. Thật vậy, mỗi dấu vết, mỗi đặc điểm trên cơ thể con người đều chứa đựng một thông tin nào đó. Việc “đọc” được những thông tin này sẽ giúp chúng ta phát triển theo hướng tích cực cũng như thực hiện những mục tiêu cao đẹp của đời mình.
Con người là mấu chốt của mọi vấn đề. Con người đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc quyết định sự thành công hay thất bại của một doanh nghiệp. Nhà lãnh đạo không thể quán xuyến toàn bộ công việc, họ cần sự hỗ trợ của những người cộng sự và sự hợp tác của đội ngũ nhân viên. Do đó, tuyển chọn nhân sự thật sự là việc “chọn mặt gửi vàng” theo cách nói của dân gian, nghĩa là các doanh nghiệp phải tuyển chọn được những người đáng tin cậy, có năng lực chuyên môn phù hợp với yêu cầu công việc để trao gửi niềm tin, trao gửi trọng trách – những điều vô cùng quý giá. Nhưng làm thế nào để biết được tính cách, khả năng của một người qua các đặc điểm bên ngoài của người đó? Làm thế nào để xác định họ có phải là người phù hợp hay không? Khi nhà tuyển dụng chỉ gặp ứng viên trong một vài buổi phỏng vấn thì rõ ràng, việc đưa ra những đánh giá và quyết định đúng đắn không phải là chuyện đơn giản.
Thuật nhìn người của tác giả Bạch Sơn là quyển sách thật sự cần thiết đối với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cũng như những người làm công tác tuyển dụng nhân sự. Tác giả đã trình bày hết sức ngắn gọn và dễ hiểu những kiến thức về nhân tướng học vốn rất uyên thâm và phức tạp. Cuốn sách đề cập đến việc quan sát diện mạo, thần thái, khí sắc, hành vi, cử chỉ, việc xem xét lời nói, sở thích, thói quen… để đoán biết tính cách, năng lực, phẩm chất đạo đức của một người; trên cơ sở đó, nhà tuyển dụng sẽ quyết định có tuyển chọn họ hay không và nếu có thì xác định họ phù hợp với loại công việc nào. Với vô số ví dụ minh họa, trong đó có không ít ví dụ rất sâu sắc, tác giả đã chỉ ra sự tương ứng giữa đặc điểm bên ngoài và bản tính của con người (sự tương ứng này không giản đơn, máy móc mà là sự bổ sung cho nhau). Nhân vô thập toàn, vì vậy trong việc tuyển dụng nhân sự, điều quan trọng là phải tìm ra ưu khuyết điểm của mỗi người, từ đó đặt họ vào đúng vị trí để họ có thể phát huy ưu điểm đến mức tối đa và hạn chế khuyết điểm đến mức thấp nhất. Chọn đúng người, dùng đúng người là vấn đề mang tính sống còn đối với sự phát triển bền vững của một doanh nghiệp trong bối cảnh toàn cầu hóa. Sự cường thịnh của nhiều quốc gia trong những thập niên qua đã khẳng định một điều: những lợi thế về điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý đã lùi xuống hàng thứ yếu, con người mới là yếu tố quan trọng và có tính quyết định. Do đó, doanh nghiệp nào xem trọng yếu tố con người, chọn được người phù hợp và dùng đúng người đúng việc thì doanh nghiệp đó sẽ thành công.
Trong cuộc sống hàng ngày, khi mà cái tốt và cái xấu, cái thiện và cái ác không phải lúc nào cũng dễ dàng phân biệt rạch ròi thì không chỉ là tài liệu cần thiết cho các nhà lãnh đạo và người tuyển dụng nhân sự mà còn là quyển sách hữu ích đối với mọi độc giả. Ngoài cách quan sát và đánh giá con người, bạn đọc sẽ tìm thấy trong sách nhiều điều lý thú.
Nhà xuất bản Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh
Công ty trách nhiệm hữu hạn Nhân Trí Việt