Thời Nắng Xanh Và Những Bài Thơ Khác
Khi bạn bè cùng thời với Trương Nam Hương còn loay hoay tìm cách để định danh cho ngòi bút, thì anh đã định hình trong bạn đọc như một nhà thơ với câu chữ tài hoa. Nhiều thế hệ sinh viên từng lê la quán cóc trước cổng trường đại học như tôi, vẫn đọc với nhau những câu thơ của Trương Nam Hương: Cà phê khoáy mãi chưa tan nhớ/ Muỗng gõ thành ly đã đắng môi…
Thơ Trương Nam Hương những năm tháng ấy là thơ của “Khúc hát người xa xứ”, của “Cỏ tuổi hai mươi”… của thời tuổi trẻ với trời xanh, cỏ biếc, nắng hồng trên đôi má người yêu. Tâm trạng tha hương, sống một nơi nhưng cảm giác thuộc về lại ở một nơi khác luôn thường trực trong thơ Trương Nam Hương từ những năm tháng ấy đến tận bây giờ.
Những ngày cuối năm, lại vang lên câu thơ của Trương Nam Hương, như một câu cửa miệng trong lòng người tha hương: Tết nhất rồi hãi lắm cảnh tàu xe… Cảm giác nôn nao muốn về quê của một năm xa nhà đã được nhiều người tìm thấy trong thơ Trương Nam Hương ở rất nhiều thi tập của anh. Và tập thơ mới nhất Thời nắng xanh và những bài thơ khác vừa được NXB Hội Nhà văn cấp phép ấn hành của Trương Nam Hương cũng cho người đọc sự đồng cảm như thế về nơi chốn ta thuộc về.
…Đời người phận tép thân tôm/ Tha hương vì chuyện áo cơm mệt nhoài/ Chao ôi ngày ngắn đêm dài/ Tấm chăn không đủ ấm ngoài cô đơn… (Tha hương). Nỗi tha hương ấy vừa có tính địa lý nhớ về một địa danh cụ thể, vừa có tính thời gian với những kỷ niệm vẫn đong đầy, vừa có những khuôn mặt thương yêu nay đã không còn nữa.
Bài Câu thơ ngày về là một ví dụ:
Ước mang một chút nắng về
Thường khi cứ tết là quê mưa dầm
Mệt nhoài cơm áo quanh năm
Hiếm hoi có một đêm nằm với quê
Gối đầu sóng nước ta nghe
Sông côi cút tiếng hò khuya buồn buồn
Mẹ theo hương khói lên nguồn
Sau ta thăm thẳm cánh buồm lẻ loi
Ruổi rong khắp bốn phương trời
Câu thơ hành khất theo người hành hương
Ta gom nhặt giữa đời thường
Nỗi đau của mẹ, nỗi buồn của cha
Ngày về sau tháng năm xa
Trắng bàn tay, trắng dần qua mái đầu
Có gì để tặng quê đâu
Đời thơ bèo bọt dăm câu bọt bèo
Cũ mèm vần điệu khi gieo
Thể như mẹ gánh đói nghèo kinh niên
Một thời mũi đạn làn tên
Mấy thời giông bão tràn lên đất này
Thức cùng quê một đêm nay
Rồi mai lại tính từng ngày cách xa
Bao giờ cơm áo buông tha
Câu thơ thay được đời ta. Bao giờ…
Hay như bài Thời nắng xanh được dùng đặt tên cho tập thơ này, cũng là một vùng ký ức của tâm trạng tha hương dành cho nơi thuộc về: Nắng trong mắt những ngày thơ bé/ Cũng xanh mơn như thể lá trầu/ Bà bổ cau thành tám chiếc thuyền cau/ Chở sớm chiều tóm tém/ Hoàng hôn đọng trên môi bà quạch thẫm/ Nắng xiên khoai qua vách liếp không cài…
Nhà thơ Trương Nam Hương từng tự họa: Trong tôi có chút sâu đằm/ Của Kinh Bắc với thâm trầm cố đô, đó là hai địa danh quê cha quê mẹ của anh. Dù cả thời thanh xuân đến nay, Trương Nam Hương sống và viết tại Sài Gòn nhưng trong sâu thẳm anh luôn nhớ những nơi tâm hồn mình thuộc về. Đó cũng là sự khác biệt của tạo hóa khi tạo ra động vật, những loài di chuyển được trên mặt đất này, có tri giác đều tìm được đường về cố hương; huống chi chúng ta là con người.
Cuối năm ngồi đọc Thời nắng xanh… của nhà thơ Trương Nam Hương, khi ngoài đường nhộn nhịp người về quê, bất giác những bài thơ tài hoa khác của anh trôi vụt qua chỉ còn đọng lại trong tôi những bài viết về quê hương. Đọc thơ, suy ra cũng là nối liền sợi dây tâm trạng của người đọc và tác giả vậy.