Thế Giới Phẳng Mùa Covid
Tôi có cảm giác như nhà văn Thu Trân đã phiêu, rất phiêu với “Thế giới phẳng mùa covid”, đó là những cú đằng vân phóng khoáng khi các nhân vật không ngồi yên và suy tư. Họ là những con thoi trong thế giới kết nối hàng ngày mà họ đã sống, đang sống và đã chết trên bề phẳng ấy. Những dòng sự kiện và thông tin không tránh được của một nhà báo Thu Trân mẫn cảm với sự kiện nóng rẫy thường trực là coronavirus; khi nhà văn Thu Trân dừng lại với tâm tư và tình tiết của các nhân vật thì câu chữ báo chí như lớp vỏ, như xống áo; để rồi chúng ta sẽ nhìn thấy niềm đau, nỗi cô đơn, trái tim và những cảm xúc trắc ẩn lớn lao bên trong mỗi con người không cần màu da không cần quốc tịch nữa, họ đã làm ta không thể không đau thắt cùng và rơi nước mắt theo.
Đọc “Thế giới phẳng mùa covid”, tôi yêu Nghiễm Hoàng kiên cường, thấu đáo, trọn vẹn. Tôi thích những giây phút gái trai đôi lứa kỳ lạ của nàng với hồn ma Khẩu trang màu xanh - Ngũ Long cao cả. Tôi nhớ rất nhiều đến Bạch Tùng và Jack, một đôi thiên thần từ trang sách là là bay khiến ta phải mỉm cười và thốt lên: “Bình an nhé Bạch Tùng, Jack đã ở đây, với chúng ta, những người Việt mà Jack đã biết đã yêu và đã có như số phận”.
Tiểu thuyết chắc chắn là thể loại thách thức nhất của văn xuôi vì nó cần dụng công nhiều nhất. Chiến tranh dù có thế nào rồi chúng thảy đều qua đi, để những tác phẩm viết về nó ra đời và còn lại. Với đại dịch này, chúng ta không thấy nó dễ dàng kết thúc và cho dù, nó sẽ kết thúc thì người ta vẫn muốn xem lại nó đã diễn ra và bi kịch của nó đã như thế nào đối với con người, từng con người và từng cộng đồng mà từ đó suy ra sự tàn phá qui mô của nó.
Hãy đi cùng Nghiễm Hoàng và Bạch Tùng, hai người phụ nữ Việt Nam vô tình gắn bó với hai quốc gia là Trung Hoa và Mỹ. Đọc đi, dám chắc các bạn sẽ như tôi, thương một bóng ma, yêu một mối tình và khâm phục những ngày, những tháng, những con người đã hành động vì nhau cho mọi thứ được ổn thỏa. Dần dà, cái gì mất đành đã mất và cái gì còn, rốt cùng, rốt cùng, rồi sẽ còn nguyên những cái tưởng như đã mất.
Nhà văn Dạ Ngân
Dù được triển khai trên nền nhiều sự việc mang chất phóng sự, Thế giới phẳng mùa covid của nhà văn Thu Trân vẫn mang đầy đủ giá trị của một tiểu thuyết. Covid-19 rõ ràng là một thảm họa. Trong thảm họa từ trên trời rớt xuống ấy; loài người đã phải vùng vẫy, chòi đạp, chèn ép, lấn lướt nhau mà tồn tại. Và mỗi người sẽ tự phơi bày, tự bóc tách, tự khẳng định những gì bấy lâu nay được ngụy trang chỉ mình mình biết. Đọc từng trang, từng trang trong Thế giới phẳng mùa covid như thấy giữa biển đời nhốn nháo ấy- tác giả đưa tay nắm dắt những con người hiền lành, trung thực, đơn côi, yếu ớt và tìm mọi cách che chở, cưu mang họ; giúp họ tách bạch khỏi đám dị nhân xảo trá, ích kỷ, cơ hội lềnh phềnh nổi lên giữa ngập ngụa hôi thối, đổ nát. Cũng có cảm giác tác giả gắng gỏi mỉm cười qua những dòng nước mắt đắng cay để gạn lấy những gì thuộc về phẩm cách làm người, thuộc về vẻ đẹp tinh thần và giá trị nhân văn cao cả khi loài người đang bị cuốn vào lưỡi hái của thần chết. Sài Gòn covid cao điểm vào các tháng 6-7-8-9/2021 cũng không loại trừ những thảng thốt và cảm xúc đa chiều như vậy!
Xin bạn đọc hãy cùng tôi lắng lòng và sẻ chia với những lời tâm huyết ở cuối sách mà nhà văn Thu Trân đã được tạm coi là “thắng covid trận đầu”: “Dịch covid hoành hành như một khúc quanh quánh đặc của nhân loại. Nó giống trò chơi mạo hiểm đáng giá, đưa người ta xuống tận hố sâu vực thẳm của cuộc đời, cho nghiền ngẫm đã đời bao hỷ nộ ái ố; rồi bất chợt người điều khiển rút dây, đưa người chơi lên thăm thẳm mấy tầng trời- để biết được đâu là những giá trị, đâu là yêu thương, đâu là oán ghét, đâu là hận thù…”.
TÔ HOÀNG
(Nhà lý luận, phê bình)