Gây cảm giác “sến” quá mức ngay ở tên sách. Hài hay là nghiêm chỉnh đây, với lời đề từ: “Tập sách này hân hạnh được công ty chất tẩy rửa TASAVEYE tài trợ”?! Sốc từ cái ảnh tác giả đến giọng điệu “không giống ai”… Lê Anh Hoài và cuốn sách thứ tư đã xuất hiện như thế. Không cầu kỳ thủ pháp, không gắng gượng tuyên ngôn, không chau chuốt ngôn từ… Mười chín truyện ngắn (trong đó có 7 truyện rất ngắn) là mười chín lát cắt như được chuyển thẳng từ đời sống vào trang viết, tự nhiên và sống động. Lê Anh Hoài có một loạt truyện đẩy thủ pháp “nhân hóa” mạnh đến mức như “vật hóa”. Vật thể xúc cảm, suy nghĩ, hành xử như con người, thậm chí như một siêu người, khó phân biệt đâu là người đâu là vật, đến mức như người được “vật hóa” (lại nhớ đến ý niệm “vật hoá” chính mình của anh trong tác phẩm “Tôi là cột điện” (performance art, Hà Nội 6/2008). Khi con người mang hình dáng, công dụng, tính chất... thậm chí linh hồn của đồ vật sẽ ứng xử và được/ bị ứng xử đúng theo kiếp đồ vật. Bên trong hình thức mới, con người được soi chiếu, đánh giá và tự bộc lộ phần bản chất luôn bị che phủ kỹ càng trong tầng tầng lớp lớp vỏ bọc. Với Cuộc đời khốn nạn của một bản thảo, Trái tim trong W.C, Trinh nữ ma – nơ – canh... Lê Anh Hoài đã chọn cho mình góc khuất tưởng như kín đáo, riêng tư nhất để quan sát, lắng nghe, chiêm nghiệm mọi trạng thái hỉ - nộ - ái - ố - ai - lạc - dục của kẻ làm người. Không ít điều trong đó khiến người ta bật cười mà vẫn cứ phải lắc đầu chua chát bằng chính những trải nghiệm/ bài học của bản thân mình. Cách sử dụng font chữ vi tính như một thủ pháp của Lê Anh Hoài cũng khá điêu luyện. Trong truyện Nối vòng tay lớn có những đoạn mới xem qua ngỡ như một đống lỗi kỹ thuật đáng tiếc, nhưng hoá ra đó là một kiểu mô tả mới, đặt nó trong tổng thể tác phẩm mới thấy hết chủ ý của tác giả. Đôi khi gặp những không gian không thể chọn được bất kỳ một từ tượng thanh nào để diễn tả tiếng nói, giọng cười, lời chúc tụng hay cả những câu văng tục… mà chỉ còn cách thả vào đó một mớ ký tự, ký hiệu hỗn độn để biểu đạt. Đó chính là âm thanh cuộc sống. Một hình thức cách tân văn bản văn học mang dấu ấn thời đại kỹ thuật số, tạo ra hiệu ứng nghệ thuật rất riêng biệt. Giễu nhại (giọng điệu xuyên suốt cuốn sách, cũng là giọng văn đặc trưng Lê Anh Hoài), nhưng không hề bông phèng dễ dãi. Hài hước hóa những tình huống (làm ra vẻ) nghiêm túc để diễn đạt một hàm ý sâu hơn lớp vỏ ngôn từ. Huy chương, Bộ râu như là những thước phim truyền hình thực tế mà tiêu chí “thật nhất có thể” được đặt lên hàng đầu. Để rồi khi kết thúc khiến người đọc hoài nghi: Sao lại có những điều đáng buồn (cười) như thế, trong cuộc sống này? Băn khoăn về cái-sự-đời, về cõi-con-người, không phải với cái kiểu ưu thời mẫn thế thường thấy ở nhiều người viết trang nghiêm khác, Tẩy sạch vết yêu như những loạt đạn bắn thẳng vào những điều phi lý mà bấy nay sự lì nhẵn cảm xúc khi (chấp nhận) tồn tại cạnh nhau đã khiến người đời coi như hiển nhiên: “cuộc sống là thế”. Tự tin viết. Bình thản đón nhận nhiều chiều phản hồi. Ngay sau đó lại nhanh chóng tập trung vào những điều gây hứng thú mới mẻ hơn. Nhưng không tách rời hay cố tìm cách đứng cao hơn cuộc sống mà luôn nhập cuộc, dám xả thân sống, hết mình yêu, công phu chơi và say mê thể nghiệm. Cái ấn tượng mỗi lần xuất hiện (nhất là bằng văn chương) lại như một người khác với Lê Anh Hoài đã rất quen thuộc trong mắt nhiều người. Và lần này là bằng một cuốn sách lạ. Cổ thụ Phan Long