Tâm Trí Thẩm Thấu
Maria Montessori là bác sĩ, nhà khoa học, triết gia, nhà nghiên cứu, nhà giáo dục học, nhà sư phạm học đồng thời là nhà hoạt động vô cùng mạnh mẽ và tích cực cho nhân quyền, cho các tổ chức về văn hóa và xã hội và đặc biệt là cho quyền trẻ em trên toàn thế giới. Tuy nhiên, bà được biết đến nhiều nhất trong lĩnh vực giáo dục với phương pháp mang tên bà, phương pháp giáo dục Montessori. Ngoài ra, với tư tưởng sâu sắc, đậm chất nhân văn và mang tính đột phá về Hòa bình cho nhân loại, bà đã ba lần được đề cử giải Nobel Hòa Bình.
Phương pháp Montessori vừa là một phương pháp giáo dục đồng thời là một triết lý sống, đây là phương pháp giáo dục con người đặt trọng tâm vào giai đoạn 6 năm đầu đời, giai đoạn nền tảng của đời người. Đây là một phương pháp dựa trên cơ sở quan sát khoa học và được thử nghiệm và kiểm chứng trên toàn thế giới. Nó độc đáo ở nhiều khía cạnh mà trong đó nổi bật ở triết lý xem giáo dục như là một sự hỗ trợ và bảo vệ cuộc sống, ở sự nhìn nhận vai trò và những năng lực đặc biệt của đứa trẻ như là nhà kiến tạo ra con người và từ đó, giáo dục là sự đáp ứng những nhu cầu tự nhiên tiềm ẩn bên trong mỗi đứa trẻ để giúp đứa trẻ phát huy mọi tiềm năng được ban tặng bởi tự nhiên và tuân theo những quy luật phát triển của Tạo hóa. Bà đã khám phá ra tính hoàn vũ của tất cả trẻ em của loài người, mà ở đó đứa trẻ là người kiến tạo ra nhân cách và mọi năng lực cho con người theo cùng một phương thức, bất kể đứa trẻ ấy thuộc về một quốc gia, dân tộc hay một thời đại nào, do đó phương pháp giáo dục của bà cũng mang tính hoàn vũ và tồn tại duy nhất một phương pháp cho tất cả mọi trẻ em trên toàn thế giới.
Cuốn sách này được viết ra dựa trên những bài giảng của Bác sĩ Maria Montessori tại Ahmedabad, trong Khóa Đào tạo đầu tiên trong thời gian bà bị giữ lại ở Ấn Độ cho đến cuối Chiến tranh Thế giới lần thứ hai. Ở đây bà đã tiết lộ những năng lực tinh thần độc đáo của đứa trẻ, những năng lực đã giúp đứa trẻ kiến tạo và thiết lập một cách vững chắc tất cả những đặc điểm của nhân cách con người chỉ trong một vài năm, không cần đến người thầy nào, không cần đến bất cứ sự hỗ trợ thông thường về mặt giáo dục nào, mà thực tế hầu như đều bị bỏ rơi hoặc thường bị cản trở. Những thành tựu đạt được của một cá thể, yếu ớt về mặt thể chất, dù được sinh ra với những tiềm năng to lớn, nhưng thực tế chưa đạt được bất cứ yếu tố nào trong đời sống tinh thần, một thực thể có thể được gọi là con số không, nhưng chỉ sau sáu năm đã vượt qua tất cả mọi sinh vật khác. Đây thật sự là một trong những điều bí ẩn to lớn nhất của sự sống. Trong cuốn sách này, Bác sĩ Montessori không chỉ làm sáng tỏ những hiểu biết sâu sắc của bà, dựa vào sự quan sát thấu đáo và những nhận định xác đáng về những hiện tượng của giai đoạn sớm nhất nhưng mang tính quyết định nhất của cuộc đời này, mà còn chỉ ra trách nhiệm của người lớn đối với thời kỳ này. Thật sự, bà đã đem đến một ý nghĩa thực tiễn đối với sự cần thiết của khái niệm mà ngày nay được toàn thể nhân loại chấp nhận, đó là “giáo dục từ khi sinh ra đời”. Điều này chỉ có thể được thực hiện khi giáo dục trở thành một “sự trợ giúp cho cuộc sống” và khi giáo dục vượt qua được những giới hạn hạn hẹp của việc giảng dạy và truyền tải trực tiếp những kiến thức hay những lý tưởng từ người này sang người khác. Một trong những nguyên tắc được biết đến nhiều nhất của Phương pháp Montessori là “sự chuẩn bị môi trường”; vào giai đoạn cuộc đời rất lâu trước khi trẻ đủ tuổi đi học, nguyên tắc này sẽ cung cấp một chìa khóa để hiện thực hóa việc giáo dục từ khi sinh ra đời, để đạt được sự nuôi dưỡng thực sự một con người ngay từ chính giai đoạn khởi đầu cuộc sống. Đây là một lời khẩn cầu dựa trên những nền tảng khoa học, nhưng cũng là lời khẩn cầu từ một người đã chứng kiến và đã trợ giúp những tiết lộ của bản chất đứa trẻ trên toàn thế giới, những tiết lộ của những giá trị cao quý về trí tuệ và tinh thần, điều đã tạo ra một sự tương phản đáng kinh ngạc với bức tranh hiện thực của nhân loại, mà ở đó, con người bị bỏ rơi trong giai đoạn kiến tạo, sẽ lớn lên trở thành như một mối đe dọa to lớn nhất cho sự tồn tại của chính mình.
Một cuốn sách không chỉ mang đến sự hiểu biết về đứa trẻ, về tầm quan trọng của giáo dục trong những năm đầu đời mà còn giúp người đọc hiểu về nhân loại, về xã hội loài người từ một góc nhìn đầy nhân văn trong mối tổng hòa của tự nhiên, của vũ trụ.
Nhưng nếu được phép mang một thông điệp duy nhất từ cuốn sách đến với những người làm cha mẹ, và tất cả những người có chung tình yêu với đứa trẻ, thì đó chỉ có thể là: chúng ta hãy cùng nhau tận hưởng tình yêu của chúng ta với đứa trẻ bằng một tình yêu thông thái, để cuộc sống của chúng ta và vạn vật trên thế giới ngày một tươi đẹp và hòa hợp hơn.