Khi bắt đầu mở một công ty hay một start-up, có thể nói một trong những vấn đề quan trọng nhất là vấn đề về nguồn vốn!
Vậy làm thế nào để có tiền? Sử dụng dòng tiền đó như thế nào để “tiền đẻ ra tiền”? Phân phối chúng cho những mục đích nào? Cách nào để quản lý dòng tiền trong doanh nghiệp hoạt động hiệu quả? Đó chính là những vấn đề mà một người làm trong lĩnh vực tài chính doanh nghiệp sẽ phải giải quyết.
Các quyết định tài chính tốt sẽ làm tăng giá trị cho công ty và cổ đông của nó và quyết định tài chính tồi sẽ phá hủy giá trị. Chìa khóa để nắm được toàn bộ kiến thức về tài chính doanh nghiệp hay làm thế nào để giá trị doanh nghiệp được gia tăng chính là dòng tiền (cash flows). Để tăng giá trị doanh nghiệp các công ty phải tạo ra nhiều tiền mặt hơn số tiền mà họ sử dụng.
SG Trading xin giới thiệu quyển sách Tài Chính Doanh Nghiệp được biên dịch từ quyển sách "Corporate Finance" tái bản lần thứ 10 được tổ chức McGraw-Hill Education một trong ba nhà xuất bản lớn nhất Hoa Kì về các ấn phẩm kinh tế phát hành. Sách được in màu đính kèm bản phụ lục hơn 600 thuật ngữ tài chính tiếng anh. Chắc chắn đây là sự lựa chọn tuyệt vời cho các chủ doanh nghiệp, các bạn đang trẻ, startup, nghiên cứu, học tập lĩnh vực này.
GIỚI THIỆU TÁC GIẢ QUYỂN SÁCH TÀI CHÍNH DOANH NGHIỆP
Stephen Ross là Giáo sư Tài chính của trường đại học Yale và đại học MIT danh tiếng, ông từng là chủ tịch của hiệp hội tài chính Hoa Kì. Được nhận giải thưởng của ngân hàng Deutsche vì những đóng góp về lĩnh vực kinh tế tài chính với hơn 100 bài báo công trình khoa học về lĩnh vực tài chính hiện đại.
Randolph Westerfield là Giáo sư Tài chính và từng là trưởng khoa Tài chính của đại học Nam California. Ông tham gia tư vấn và trở thành thành viên hội đồng quản trị các công ty tài chính, quỹ đầu tư lớn ở Hoa Kì như William Lyon Homes, Nicholas-Applegate Fund, Oaktree Finance.
Jeffrey F. Jaffe là Giáo sư Tài chính. MBA đại học Chicago, ông cũng tham gia tư vấn cho nhiều định chế tài chính lớn ở Hoa Kì cùng nhiều công trình nghiên cứu cho lĩnh vực tài chính hiện đại.
Chúng ta thường xuyên thấy các tin tức kinh tế hàng ngày về các thương vụ mua bán, hợp nhất và sáp nhập doanh nghiệp (Mergers and Acquisitions), giá cả và thay đổi mức xếp hạng tín nhiệm đối với các loại trái phiếu dưới mức đầu tư, các doanh nghiệp thực hiện tái cấu trúc tài chính, huy động vốn thông qua chào bán cổ phần ra công chúng lần đầu (IPO), các vụ phá sản và sự cập nhập liên tục các công cụ phái sinh (Derivaties). Ngoài ra, ngày nay khi thẩm định các dự án đầu tư, để đảm bảo kết quả thẩm định là chính xác và đúng, các nhà quản trị tài chính phải biết tính đến các quyền chọn thực (real options). Và khi doanh nghiệp huy động vốn để tài trợ dự án đầu tư mới thì ngoài những kênh tài trợ truyền thống, thì những thay đổi mới trong vốn cổ phần tư nhân (private equity), vốn mạo hiểm (venture capital), các khoản vay thế chấp bằng bất động sản dưới chuẩn (subprime mortgages), các khoản cứu trợ (bailouts) và các khoảng các tín dụng của nền kinh tế (credit spreads) là những kiến thức mà các bạn sẽ được giới thiệu trong quyển sách Tài Chính Doanh Nghiệp.
ỨNG DỤNG TÀI CHÍNH DOANH NGHIỆP
Hệ thống tài chính trong doanh nghiệp được ví như hệ thống tuần hoàn máu trong cơ thể nuôi tất cả các bộ phận và toàn thể. Tài chính có thể nằm dưới dạng tiền, vật tư, nguyên liệu, tài sản phát sinh lúc hình thành nguồn vốn hoặc trong quá trình hoạt động như các khoản phải thu, phải trả.
1. BÀI TOÁN TÀI CHÍNH: THU - CHI > 0
Tất cả bài toán tài chính đều quy về các dạng: doanh thu - chi phí, nguồn thu - vốn đầu tư, lợi nhuận = doanh thu - chi phí, thu nhập ròng = thực thu - thực chi...
Các khoản chi phân bổ cho các lĩnh vực là (1) nhân lực, công nghệ, tổ chức, quy trình; và (2) khách hàng (và đối tác), tài chính.
Trong khi đó, các khoản thu lại chỉ đến từ khách hàng và lĩnh vực tài chính mà thôi.
Khi tái cấu trúc tài chính doanh nghiệp, ta đừng bỏ sót khoản mục chi hoặc thu nào và mức độ ưu tiên giải quyết để tăng thu, giảm chi đến hết mức nhằm tối đa hóa lợi nhuận doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp Việt Nam thường gặp phải bốn vấn đề khi giải bài toán tài chính. Đó là:
• Quản lý nguồn thu, nguồn chi căn cứ trên ước lượng, dự đoán, thiếu phân tích nên không thấy hết nguồn thu, không cắt giảm được chi phí.
• Kiểm soát công nợ chưa thường xuyên, chặt chẽ, chưa có chính sách xử lý nợ rốt ráo dễ dẫn đến thiếu tiền.
• Kiểm soát không chặt chẽ vật tư hàng hóa, xuất nhập tồn kho, trên đường đi, hàng gửi làm lãng phí vốn.
• Không có kế hoạch tài chính, thậm chí không kiểm soát được dòng tiền, kế hoạch thu trả nợ.
2. NGUYÊN TẮC THU CHI
Nguyên tắc thu chi cần đảm bảo vấn đề:
• Có kế hoạch (nhất là kế hoạch dòng tiền)
• Cân đối thu chi
• Chi đầu tư và ROI (thu lại vốn đầu tư)
“Tăng thu, giảm chi” nghe có vẻ đơn giản nhưng không có chi (đầu tư) làm sao có nguồn thu? Cần tách bạch giữa đầu tư (thu chi của dự án đầu tư) và các khoản chi cho hoạt động sản xuất kinh doanh thường xuyên của doanh nghiệp mới đánh giá được hiệu quả đầu tư cũng như lợi nhuận của doanh nghiệp. Nhiều khi mù quáng cắt hết khoản đầu tư cho phát triển, chỉ nhằm vào những hoạt động đẻ ra tiền ngay với lý do giảm chi để cắt lỗ mà không đánh giá kỹ kết quả đầu tư sẽ dẫn đến việc doanh nghiệp không còn sản phẩm sáng tạo, hoặc không có sản phẩm mới có tính cạnh tranh. Một nguyên tắc cố thủ khác: “Có thu mới có chi - liệu cơm gắp mắm” với lý do an toàn tài chính nhưng lúc muốn phát triển cũng dẫn đến bài toán cân đối đầu tư như trên.
3. KẾ HOẠCH TÀI CHÍNH
Lập kế hoạch tài chính là dùng một số giả định như dự báo doanh thu, chi phí... và các báo cáo tài chính (dòng tiền, bảng cân đối, thu nhập...) vài năm trước đó để đưa ra các báo cáo tài chính trong tương lai nhằm vào các mục tiêu và ưu tiên của doanh nghiệp. Nhưng tình hình thực tế thay đổi rất nhanh nên để có phản ứng linh hoạt hơn ta có thể lập mô hình tài chính.
Mô hình tài chính (financial modell) là mô hình cho thấy tình trạng tài chính thực tế của doanh nghiệp. Nó bao gồm quá khứ, hiện tại và dự đoán nhiều năm liên tục cho các bản báo cáo tài chính (dòng tiền, bảng cân đối, thu nhập...). Quá trình lập mô hình tài chính như sau:
• Báo cáo tài chính của công ty trong quá khứ (start-up không có).
• Các giả định bao gồm ý định của nhà đầu tư, thông tin về thị trường, tình hình cạnh tranh, các báo cáo về ngành kinh doanh, lợi thế cạnh tranh, mô hình kinh doanh, từ đó đưa ra hết các giả định về thu và chi (giá thành, giá bán...).
• Lập báo cáo dự đoán “kết quả hoạt động kinh doanh, bảng cân đối kế toán và báo cáo lưu chuyển tiền tệ”.
• Định giá doanh nghiệp bằng phương pháp chiết khấu dòng tiền.
• Định giá doanh nghiệp bằng phương pháp so sánh (lựa chọn các doanh nghiệp niêm yết hoạt động trong cùng ngành nghề để so sánh với doanh nghiệp cần định giá, thu thập và điều chỉnh các dữ liệu và chỉ số tài chính trước khi áp dụng định giá bằng phương pháp số nhân).
• Tổng hợp và liên kết hai phương pháp định giá để ra giá trị cuối cùng của doanh nghiệp, thể hiện bằng đồ thị định giá.