Sóng
SÓNG - KHÁT VỌNG TÌNH YÊU VƯỢT QUA NỖI ĐAU XUYÊN THẾ HỆ
Tên tác phẩm (SÓNG) cũng chính là hình tượng chất chứa nhiều sắc thái nội tâm của các nhân vật xuyên suốt cuốn tiểu thuyết này. Đó cũng là câu chuyện tình yêu đầy sóng gió của nữ chính xuất phát từ một nỗi đau trong sâu thẳm nội tâm của những người đi trước - nỗi đau xuyên thế hệ.
Thanh - nhân vật chính trong tác phẩm - đã trải qua thời thơ ấu trong một ngôi nhà nhỏ bên dòng sông mà cô thường xuyên bơi lội từ khi còn rất nhỏ, bất chấp sự ngăn cấm của mẹ. Dòng sông ấy - như cô từng nói khi lớn lên - nhìn thì rất êm đềm tưởng như không có sóng, nhưng lại vô cùng nguy hiểm vì có nhiều vực thẳm và những đợt sóng ngầm dưới đáy sông.
Khi lần đầu tiên gặp Thanh và xem bức tranh của cô vẽ, Kiên đã nhận xét: "sóng của em hơi dữ dội quá, mà màu sóng thì lại thanh bình". Có lẽ, bức tranh của Thanh trong buổi gặp gỡ tình yêu của mình cũng là bức tranh toàn cảnh của cuộc đời cô - dữ dội khốc liệt nhưng vẫn đầy khao khát vươn tới một cuộc sống bình yên và hạnh phúc.
Cuộc đời của Thanh chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi hai người phụ nữ mà những cơn "sóng ngầm" trong họ luôn âm ỉ. Đó là hai con người thuộc hai chiến tuyến, với những thái cực về tính cách, hành vi nhưng cùng chung tình yêu cho một người đàn ông. Họ đều là những phụ nữ giỏi giang, xinh đẹp, đáng kính. Họ có cách yêu khác nhau nhưng đều chịu đau khổ trong tình yêu.
CÁC TUYẾN NHÂN VẬT
Thanh là một nữ họa sĩ có môi trường sống khá đa dạng: quê ở Hà Nội, sinh ra và lớn lên ở Huế, du học ở Pháp, lập nghiệp và xây dựng gia đình ở TP. HCM. Cô thông minh, đa tài và có cá tính mạnh mẽ từ khi còn rất nhỏ, đồng thời cũng là một cô gái có tâm hồn nhạy cảm và sâu sắc, hoàn toàn khác với người anh trai vô tư của cô. Cũng vì sự nhạy cảm đó mà Thanh đã sớm nhận ra nỗi đau của bố mẹ mình dù hai người hoàn toàn không nói ra, và cô cũng dễ tổn thương hơn trước những sóng gió sau này. Tuy vậy, với bản tính là một người mà như Kiên nhận xét: "có trái tim chân thực và tâm hồn trong sáng", "biết yêu và biết sống hết mình cho tình yêu", Thanh đã luôn tìm cách vượt qua "trò đùa nghiệt ngã và quái ác của số phận" để giữ vững tình yêu của mình. Kể cả trong những tháng ngày đau khổ nhất, thì cô vẫn luôn đặt trọn niềm tin ở tình yêu ấy và nuôi dạy con gái theo cái cách để con "có lòng yêu thương dành cho ba nó từ trong tiềm thức". Thanh không phải là con người hoàn hảo, Kiên cũng vậy, nhưng họ lại là những người dành cho nhau và bù đắp những điểm khuyết của nhau. Chính Kiên đã tinh tế nhận ra lòng kiêu hãnh của Thanh "như dòng máu chảy trong huyết quản" của cô và mẹ cô, và đã hướng cô đặt lòng kiêu hãnh dưới tình cảm thực của mình nếu muốn hạnh phúc. Bản thân Kiên là một chàng trai thông minh, quyết đoán, chung tình và thực tế, anh cũng có những phẫn nộ rất đời thường nhưng trên hết anh là một người biết chắt lọc thông tin, biết xét đoán để vượt qua chướng ngại.
Những cơn "sóng ngầm" Tâm và Dung thì sao? Xin để cho độc giả tự nhận xét lấy vì họ là những con người rất nhiều sắc màu. Cả hai đều xinh đẹp, giỏi giang, đều là những người mẹ tốt - nếu không muốn nói là rất tốt. Nếu như Tâm, theo nhận xét của Thanh, đã có một "sự trả thù ngọt ngào nhất và ghê gớm nhất" thì Dung, theo nhận xét của Quang, lại là một phụ nữ mà "dường như cả mặt thiên thần và ác quỷ đều hiển hiện rất sinh động trong mọi ngóc ngách của tâm hồn".
Còn Quang, về cơ bản đó là một người chồng tốt, người cha tốt, nhưng Quang lại có một sai lầm để sau này trong một cuộc trò chuyện với con gái, anh đã phải thú nhận mình đã từng làm một điều "hổ thẹn với lương tâm".
Trong khi đó, ở tuyến nhân vật phụ, Phong và Ngọc - những người bạn thân thiết của Thanh từ thời thơ ấu - lại là mảnh ghép khác trong cuộc đời cô. Có lẽ "định mệnh" của cậu bé Phong đã bắt đầu từ buổi gặp gỡ đầu tiên với cô bé Thanh ở bãi thả diều, khi mà con diều rất đẹp của Phong bị quấn vào con diều của Thanh khiến cậu phải giật xuống và... đứt phựt. Còn Ngọc, một cô bé lớn lên trong hoàn cảnh "không có quyền mơ ước" mà như anh trai cô đã kể câu chuyện của một đêm đông lạnh giá: "Mẹ ngồi đó khóc, còn anh nhìn đống củi cao ngất ngưởng có thể đổ sụp xuống bất cứ lúc nào rồi nhìn mông lung vào góc bếp đằng xa đang leo lét cháy", thực sự đã vượt lên số phận và có sự tác động tích cực đến những quyết định của Thanh và Kiên. Hay Ronald - một giảng viên hội họa người Mỹ yêu Thanh và hiểu Thanh thấu suốt - tuy không đến được với người mình yêu nhưng đối với Thanh anh vẫn luôn là tri kỷ. Còn Vị, anh chàng "cầm tinh con đỉa" luôn khiến Thanh chán nản vì "tròn xoe và trong suốt như một hòn bi ve, có thể để cho người khác búng đi theo ý mình, cũng có thể đặt trong lòng bàn tay mà ngắm nghía hay cầm lên và nhìn xuyên qua đó", là một hình ảnh khá hài hước khác luôn cố chen vào cuộc đời nữ chính mà không quan tâm bên cạnh cô có những ai và bất kể cô có thích hay không.
NHỮNG HÌNH ẢNH ƯỚC LỆ
Ngoài những con sóng - dù là sóng ngầm âm ỉ hay sóng mạnh mẽ tung bọt trắng xóa - chất chứa nhiều sắc thái nội tâm của những người phụ nữ, thì trong tác phẩm có một hình ảnh khác được đề cập khá nhiều lần, đó là cây ngô đồng trong sân nhà Thanh.
Cây ngô đồng ấy không chỉ là kỷ niệm tình yêu của bố mẹ Thanh mà còn của cô nữa. Bố Thanh quê ở Hà Nội, còn mẹ Thanh tuy cũng sinh ra và lớn lên ở Hà Nội nhưng lại là cô gái gốc Huế dòng dõi cung đình. Khi bố mẹ Thanh được đi du học, cưới nhau và trở về, họ đã chọn Huế để sinh sống, và bố Thanh đã đem cây ngô đồng từ nhà bà ngoại Thanh về trồng trong sân nhà vì mẹ cô rất thích loài hoa ấy. Ngô đồng là một loài cây rất quý phái, được cho là chỉ dành riêng cho bậc đế vương, thường trồng ở cung điện và các nhà quyền quý, và chim phượng hoàng chỉ chịu đậu trên cây ngô đồng. Nó cũng như một phần tính cách kiêu hãnh của mẹ Thanh. Kiên đã gặp Thanh lần đầu tiên khi cô đứng vẽ dưới gốc cây ngô đồng ấy. Sau này, cũng nhiều lần quay lại nhưng vẫn chưa bao giờ Kiên đến đúng mùa cây nở hoa. Thanh thì nói rằng cô chỉ thích hoa ngô đồng, không thích lá vì vào mùa lá rụng nó giống như những giọt lệ đang rơi buồn bã, còn Kiên bảo anh thấy lá cũng đẹp vì nó giống như những trái tim biết bay. Trước ngày cưới, Thanh viết cho mẹ một bài thơ không gửi, thực chất là bài thơ dành cho riêng cô, từ hình ảnh "Ngô đồng khóc, lá bay hình giọt lệ" cho đến hình ảnh "Xòe tay hứng những trái tim thành phố" là cả một sự thay đổi về cách nhìn và cách nghĩ. Sau này khi xa Kiên rồi, và chứng kiến cây ngô đồng vẫn sống sau trận lũ thảm kịch, Thanh nhìn lại và "thấy những chiếc lá xoay theo chiều gió như những trái tim biết bay".
Và cuối cùng Kiên cũng thấy được hoa ngô đồng khi trở về gặp Thanh đúng mùa hoa nở.