Phan Triều Hải – Truyện Ngắn
“Phan Triều Hải – Truyện ngắn” là tập hợp từ 5 tập truyện mỏng đã từng xuất bản, tạo được dấu ấn riêng của nhà văn Phan Triều Hải, gồm: Vào đời (1994), Những linh hồn lạc (1995), Quán bò rừng (1995), Có một người nằm trên mái nhà (1997) và Những con đường không đến Seattle (2005).
Những chàng trai, cô gái trong các truyện ngắn Phan Triều Hải lúc bấy giờ chưa xài điện thoại thông minh và chưa tự bào mòn nội tâm của mình trên các trang mạng xã hội. Họ tự nhiên sống, yêu đương, trắc ẩn, mộng mơ (thậm chí, “hoang đàng”) trong bối cảnh không gian đô thị bắt đầu dồn nén bởi những áp lực nội sinh và từ bên ngoài.
Họ trôi nổi đó, rồi chăm chút suy tư đó.
Mỗi câu chuyện là một mảnh ghép được ráp nối khéo léo, trong một tinh thần ung dung.
Và ung dung, có bề lạnh lẽo, cũng là một đặc thù của văn chương Phan Triều Hải. Tác giả ý thức tiết chế những dấu biểu thị tình thái cảm xúc trong các câu văn. Thường xuyên sử dụng câu ngắn, có sự can thiệp sòng phẳng của lý trí. Kể cả đó là thứ lý trí khi người ta 20 tuổi, dễ nhìn về cuộc đời xung quanh với ít nhiều tâm tình hồ hởi, bộc phát hay cường điệu. Đây là một thứ văn chương mà người viết kiểm soát ngôn ngữ cao độ. Những truyện ngắn được tổ chức trong một cấu trúc chặt, gọn, tự nhiên và thường kết thúc mở. Ở đâu đó, nếu có các đoạn triết lý chủ quan, thì cũng chỉ là những tiểu tiết được đan cài hợp lý, không gây ra cảm giác áp đặt.
Đã có một giai đoạn văn chương có tính chuyển tiếp, ít ra trong tư duy hiện thực, đủ tạo ấn tượng êm đềm ở khoảng hậu Đổi mới. Có thể kể lại những cái tên: Phan Thị Vàng Anh, Phan Triều Hải, Nguyễn Thị Châu Giang, Lưu Sơn Minh, Nguyễn Thị Thu Huệ,… Viết, có lẽ đã thực sự là một nhu cầu bộc bạch đầy trong sáng và tự nhiên của từng tác giả tuổi đôi mươi, ở thời điểm bản lề của những đổi thay bối cảnh, tâm cảnh sống. Tốc độ thay đổi chưa đủ làm chao đảo, khiến họ phải quay quắt âu lo đánh mất những nền tảng quá hệ trọng, nhưng họ cũng không còn được phép chậm rãi hay lệ thuộc vào tư duy cũ để thúc thủ minh họa hay lãng đãng viễn mơ. Trong hiện thực của họ, vẫn còn đó mảnh đất cho cái đẹp, chất thơ trong những băn khoăn về tồn tại vượt thoát trên những lao xao bối cảnh. Với truyện ngắn Phan Triều Hải, vẻ đẹp xa vắng của một cô gái ngắm trăng ở quầy bar, tâm hồn đơn độc nơi người đàn ông chỉ chờ đêm xuống để nằm trên mái nhà theo dõi sự chuyển động lặng yên trong bố cục bầu trời, chuyện về sự thay đổi của những chiếc tô nhựa “trôi nổi” trên mâm cơm một gia đình trẻ, những người làm thơ ở tỉnh lẻ, cái chết của một dân quân ở tuổi hai mươi,… tất cả các chi tiết như vậy được kể nhẹ tênh, nhưng phóng chiếu các thay đổi thói quen, lối sống, tâm hồn ở vào một giai đoạn khá đặc biệt trong lịch sử tinh thần của chúng ta…
Với bạn đọc trẻ hôm nay, thưởng thức lại truyện ngắn Phan Triều Hải cũng là một dịp được trở về với một thế giới vốn dĩ là nó, ngổn ngang không ngừng, suy tư không ngừng – nhưng đừng đánh mất cảm giác sống, đừng làm thất lạc sự tự tại trong cuộc kiếm tìm cái thuần khiết, tươi mới của nội tâm trước cuộc đời.
Đã đủ một khoảng lùi để nhìn lại những đóng góp tiêu biểu của văn chương đương đại. Từ sự tập hợp này, Phanbook muốn cùng độc giả văn chương đọc lại một cách đủ đầy sáng tác của một trong những nhà văn trẻ từng được độc giả thế hệ mình ái mộ trong thập niên 1990 đến nửa đầu thập niên 2000.
Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!
VỀ TÁC GIẢ:
Phan Triều Hải – nhà văn, dịch giả; đã xuất bản những tác phẩm:
• Đi học (truyện ký, 1999)
• Mỗi người một chỗ ngồi (tập truyện ngắn, 2018)ghjj
• Hội hè miên man (dịch phẩm, hồi ký của Ernest Hemingway, 2008)
NHẬN ĐỊNH:
“Nói về Phan Triều Hải là nói về những dấu hỏi bâng khuâng của một mặt đời còn lênh đênh giữa hư thực.
Yêu chưa phải yêu.
Hờn oán chưa phải hờn oán.
Cái giọng điệu đời riêng ấy cứ lưng chừng, nhợt nhạt một không khí vô sắc mà hơi hám buồn rầu.
Tuy nhiên cái hơi ám buồn rầu kia chỉ trong giây phút ngắn ngủi lại bày biện ra một không gian khác: một thứ dửng dưng hư không lơ lửng trong từng dòng chữ.
Tôi có cảm giác đó là một thứ văn chương hư vô đang manh nha hình thành,
Một thứ hư vô của những cái nhìn bất định về tương lai, về một con đường trước mặt không biết sẽ khép mở như thế nào.
Hải đang sống với thời hiện tại và hình như trong vô thức đã mang chịu một trách nhiệm nói hộ những câu chuyện riêng tư của thế hệ mình.” - TRỊNH CÔNG SƠN (Phan Triều Hải – một cõi thực hư, 1994)