“Những ngọn nến cháy tàn” là một tiểu thuyết dày độ 200 trang. Cốt truyện giản dị, bó gọn trong ký ức của một ông tướng già (Henrik) qua một đêm chuyện trò với người bạn cũ (Konrád), người bạn thân thiết tưởng như liền ruột liền gan từ thời thơ ấu, thời tráng niên, cũng là người từng toan tính thủ tiêu ông trong một cảnh dàn dựng như một tai nạn, từng quyến rũ vợ ông và, trong một hoàn cảnh kỳ lạ, đã chạy trốn một cách hèn nhát đến một miền đất xa xôi. Sau hơn bốn thập kỷ, Konrád trở về. Cái đêm ấy rất có thể là lần cuối họ ngồi cùng nhau trong một khung cảnh quen thuộc mà chủ nhà đã cố tình sắp xếp, giữ mọi vật ở vị trí y nguyên như cách đó 41 năm. Những đồ vật vô tri nhưng chúng “cùng giữ một kỷ niệm, ý nghĩa của một phút giây” đã trôi qua trong đời hai con người - phút giây có thể coi là nút thắt cao trào của cuộc đời họ, là bước ngoặt khiến mỗi người mỗi ngả và phải âm thầm chịu đựng bi kịch của riêng mình trong suốt 41 năm.
Ký ức của ông tướng dàn trải trên cả hai trăm trang sách, nhưng có thể chia ra làm hai phần. Phần đầu, như một cuốn phim quay chậm, nhà văn nhẩn nha thuật lại những gì diễn ra trong đời cha mẹ ông, đời ông khi ông còn là một chú bé. Giọng văn của Márai Sándor ở phần này mang chất cổ điển, dùng tả cảnh, tả vật để diễn giải lòng người. Đôi lúc, thủ pháp đặc tả chân dung và đồ vật mang lại hiệu quả tâm lý rất cao, khiến người đọc không thể không cảm thấy thích thú. Đó là cách tác giả tả bà vú già Nini mà “trong xương tủy, trong máu thịt bà mang bí mật của thời gian, của sự sống” với “gương mặt đỏ au và đầy nếp nhăn - chỉ những chất liệu quý hiếm mới lão hóa như thế - những thứ tơ lụa trăm tuổi được dệt bằng sự khéo tay của một gia đình…”. Đó là cách tác giả tả thân mẫu Henrik với đôi mắt buồn “hờ hững nhìn cuộc đời như khinh thị”. Đó cũng là cách tác giả tả cái nắm đấm cửa ra vào “còn cảm thấy trên đó một bàn tay run rẩy, hơi ấm của một thời khắc cũ”, v.v…
Phần thứ hai là những mảnh ký ức hiện ra qua lời độc thoại của ông tướng trong đêm. Hai người bạn đối diện nhau, một người ở vị trí quan tòa, người kia là bị cáo. Một người hầu như im lặng, người kia cứ nói, nói cả đêm, cho đến khi những ngọn nến tàn hết. Ở đây, giọng văn không còn mềm mại như phần một, nhịp văn cũng mang tiết tấu khác. Ông tướng khi thì kết tội, khi thì bào chữa hộ những kẻ đã phản bội ông, khi thì dồn dập đưa ra những nhận xét, những hình dung của mình về tình cảm của hai con người này đối với mình, đối với nhau… Những đoạn độc thoại dài phân tích về tình bạn, tình yêu, về tội ác và trừng phạt… mang đậm tính triết lý rối và phức tạp, thậm chí, độc giả có thể có cảm giác văn phong của Márai lúc ấy đôi chút cẩu thả vì sự hối hả muốn nói đến tận cùng. Dường như nhà văn để cho câu chữ chảy tràn vội vã theo suy tưởng của nhân vật, chảy ào ào không ngăn nổi... Nhưng cũng chính điều này mang lại sự lôi cuốn cho tác phẩm. Ở điểm này, tôi có cảm giác mơ hồ về sự gần gũi của văn phong tác gia người Hung với ngòi bút của văn hào Nga Fyodor Dostoevsky.