Trong hoạt động báo giới, từng cộng tác cho nhiều tờ báo và tạp chí trong nhiều năm qua, Trương Văn Khoa viết rất đều tay với các chủ đề thời sự, văn hóa, kinh tế, ngân hàng, du lịch,…Người ta gọi anh là “nhà báo nghiệp dư” bởi đây là cây bút “cứng cựa” trong lĩnh vực phân tích kinh tế, đặc biệt chủ đề về ngân hàng, bất động sản và du lịch. Mỗi bài báo, anh thường “đào sâu” các vấn đề nóng bỏng với ngôn từ đầy thuyết phục. Bởi thế, khi đọc các bài viết của anh, bạn đọc luôn cảm nhận được sự sắc sảo, mới lạ và chuyên nghiệp. Nhưng có lẽ, đối với Trương Văn Khoa, âm nhạc là lĩnh vực anh say đắm và tâm huyết nhất. Trước đây, năm 2013, cùng đề tài này, anh đã cho ra mắt tập sách Người tình trong những ca khúc, được đông đảo bạn đọc trong, ngoài nước hân hoan đón nhận và ngưỡng mộ bởi sự nghiên cứu sâu sắc, lối viết súc tích, hấp dẫn, lôi cuốn. Lần này, Những bóng hồng trong âm nhạc vẫn là câu chuyện tiếp nối hành trình tìm kiếm, khám phá nét đẹp của các bóng hồng cho dù thoáng qua hay rung cảm bất chợt trong những cuộc tình đầy day dứt, nguồn cảm hứng sáng tạo cho nhiều nhạc sĩ tài hoa trong nền tân nhạc Việt Nam.
Những tác giả được chọn thuộc về dòng nhạc trữ tình như Phạm Duy, Đoàn Chuẩn, Trịnh Công Sơn, Phạm Đình Chương, Lê Trọng Nguyễn, Từ Công Phụng, Quốc Dũng, Trần Quang Lộc, Vũ Đức Sao Biển, Lê Uyên Phương, Vũ Thành An, Nguyễn Vũ… và những thi sĩ nổi tiếng như Du Tử Lê, Phạm Thiên Thư, Nguyên Sa với nhiều bài thơ được phổ nhạc trong mối lương duyên, giao cảm giữa thơ và nhạc. Mỗi bài viết, sau những dẫn nhập khái quát về tiểu sử, quá trình sáng tác, phong cách, giai điệu và những đóng góp của họ vào nền âm nhạc dân tộc, Trương Văn Khoa tập trung vào những câu chuyện tình thơ mộng của “những bóng hồng” hư ảo, mê hoặc, tạo cảm hứng nồng nàn, da diết nhiều khi âm ỉ trong đớn đau cùng những hạnh phúc đeo đẳng suốt một cuộc đời, để từ đó, nhạc sĩ khai sinh ra những tình ca sống mãi với thời gian.
Với Ph.Th, chuyện tình của Trịnh Công Sơn mong manh, xa vắng, tinh khôi đến ngỡ ngàng cùng những ca khúc Nhìn những mùa thu đi, Gọi tên bốn mùa và Nắng thủy tinh. Ngô Vũ Bích Diễm, mối tình đơn phương đầy đớn đau để lại một Diễm Xưa bất hủ trong gia tài âm nhạc Trịnh. Với Dao Ánh, đằng đẵng Hai mươi năm xin trả nợ dài, để rồi Ru em từng ngón xuân nồng với hơn 300 bức thư tình bởi “những hạnh phúc mình không bao giờ đến gần được”. Với Bích Khê, một Biển nhớ Quy Nhơn đầy kỷ niệm, xao động, miên man dưới ngôi trường sư phạm trong những chiều lộng gió, chỉ còn lại những giai điệu cùng tiếng rì rào của cơn sóng đêm vọng về từ muôn thuở. Với Trần Vân Anh, một á hậu đẹp hút hồn, để lại Tôi ơi đừng tuyệt vọng, một ca khúc như một sự thức tỉnh, vang vọng từ đáy vực thương đau. Với niềm ngưỡng vọng nhạc sĩ tài hoa, Trương Văn Khoa đã dành một “thời lượng” tới năm bài viết chi tiết về mối tình thơ mộng của Trịnh Công Sơn trong những bản tình ca để đời của ông. Đã có quá nhiều người viết về Trịnh Công Sơn, nhưng với Những bóng hồng trong âm nhạc, tác giả đã biết chọn riêng cho mình một góc nhìn gần gũi hơn, xót xa hơn trong thế giới nhạc Trịnh.
Và Phạm Duy, một cuộc đời đầy giai thoại gắn liền với những bóng hồng trong sự nghiệp sáng tác của ông. Nghìn trùng xa cách là một bài viết hay, lôi cuốn bạn đọc ngay từ trang đầu tiên về cuộc tình giữa nhạc sĩ với Alice, một cô gái mang hai dòng máu Pháp – Việt. Cho dù chênh lệch tuổi tác khá nhiều, cuộc tình thuần khiết không dục vọng (platonic love) của Phạm Duy đã đưa ca khúc bay lên đỉnh cao cùng nỗi đau thương “nghìn trùng xa cách, người đã đi rồi”. Với cách viết lôi cuốn, hấp dẫn cùng những tình tiết có được từ nữ sĩ Huyền Chi, bài viết Huyền Chi với ca khúc thuyền viễn xứ một lần nữa khiến bạn đọc miên man, trôi về miền thương nhớ cùng sóng nước Đà Giang với một cô gái mới 18 tuổi, đã có một bài thơ đầy cảm xúc, lãng đãng như sương khói.
Có một điều rất lạ, dường như trùng hợp ngẫu nhiên, những ca khúc nổi tiếng, được công chúng ưa thích nhất, đều gắn liền những mối tình nào đó của nhạc sĩ. Với Đoàn Chuẩn, ông hoàng của những ca khúc về mùa thu Hà Nội cùng những giai điệu quyến rũ, say đắm của tình ái. Gần như ca khúc nào của ông đều được mọi người yêu mến như Thu quyến rũ, Tà áo xanh, Gửi gió cho mây ngàn bay, Lá đổ muôn chiều,… Thế nhưng, Gửi người em gái mới là ca khúc đầy xúc cảm khi Thanh Hằng, người tình của Đoàn Chuẩn, di cư vào Nam như muốn chạy trốn một cuộc tình ngang trái, nghiệt ngã trong vô vọng. Phạm Đình Chương cũng thế, Nửa hồn thương đau, một ca khúc để đời gắn liền một bi kịch gia đình cùng người vợ Khánh Ngọc, ca sĩ nổi danh một thời tại Sài Gòn. Những người yêu nhạc thường nhắc đến Lê Trọng Nguyễn khi Nắng chiều vang lên gần 70 năm nay nhưng họ có thể chưa biết đến mối tình thời trai trẻ của ông với một cô gái ở Hội An. Thu, hát cho người, một nhạc phẩm đặc sắc của Vũ Đức Sao Biển cũng được Trương Văn Khoa kể lại trong hoài niệm, trong nỗi nhớ về những tháng ngày xưa cũ... Có hay không mối tình “hư ảo” ngày ấy nhưng mỗi khi hát lại ca khúc này, người Quảng Nam cứ nhắc đến người đẹp Thu (sau này là chủ quán “Café Thu”) ở thị trấn Hà Lam nhỏ bé ? Sự xuất hiện đôi tình nhân lãng mạn Phương và Lê Uyên một thời đã khiến đời sống âm nhạc những năm đầu thập kỷ 70 xôn xao với những giai điệu được Phương sáng tác dành riêng cho Lê Uyên, người tình và cũng người vợ yêu quý sau này.
Vì những lý do tế nhị, không tiện nhắc đến một cách cụ thể nhưng đôi khi, thấp thoáng đâu đó, trong tập sách này, hình ảnh của những “người tình không chân dung”, bóng hồng tạo nên giai điệu âm nhạc sang trọng và quý phái qua các bài viết Từ Công Phụng - Miên man tình ca, Tình khúc không tên đã trở lại, Tình ca Ngô Thụy Miên, Kể chuyện tình bằng lời ca dao,…. Có thể đó là Hoàng Thị Ngọ của nhà thơ - Tu sĩ Phạm Thiên Thư trong ca khúc nổi tiếng Ngày xưa Hoàng thị của Phạm Duy, đó cũng có thể là một giai nhân Huyền Châu trong tuyệt phẩm Trên ngọn tình sầu của Từ Công Phụng, phổ từ bài thơ 67, Khúc thêm cho Huyền Châu của thi sĩ Du Tử Lê.
Cần ghi nhận ở tác giả Những bóng hồng trong âm nhạc một thái độ làm việc cần mẫn và nghiêm túc. Có những người tình tạo nên cảm hứng cho các nhạc sĩ nhưng người viết không thể khắc họa vì một lẽ nào đó cũng như sự cần thiết về tính minh bạch của câu chuyện âm nhạc hoặc những đồn đoán về cuộc đời nhạc sĩ trôi qua hàng thập kỷ. Anh cẩn trọng nắm bắt những ngóc ngách của tư liệu, lặn lội tìm nhân chứng, người cùng thời kể cả nhân vật có liên quan đến tình khúc. Điển hình như nữ sĩ Huyền Chi, tác giả bài thơ Thuyền viễn xứ, được Phạm Duy phổ nhạc, hiện ẩn cư tại TP HCM với những thông tin hữu ích cách đây gần một thế kỷ.
Về tổ chức bản thảo, bố cục của tập sách thống nhất, nội dung phân bố chặt chẽ theo trình tự tác giả, tác phẩm và quá trình sáng tác trong từng bài viết, giúp bạn đọc cảm nhận sâu sắc hơn giai điệu, ca từ của mỗi ca khúc, đồng thời tiếp cận được những tư liệu tổng hợp khả tín về các nhạc sĩ xuất hiện trong cuốn sách, đôi khi một số bạn đọc trước đây chưa có cơ hội được cung cấp một cách đầy đủ.
Khi những trang sách Những bóng hồng trong âm nhạc khép lại, chắc hẳn bạn đọc chia sẻ với tác giả rằng, đối với các nhạc sĩ, nếu không có những bóng hồng cùng những cuộc tình say đắm, nền tân nhạc Việt Nam sẽ vắng bóng những tác phẩm âm nhạc trữ tình tuyệt vời đến như thế.