Thứ văn xuôi chậm rãi, khung cảnh tĩnh lặng, cùng linh cảm sầu muộn về điều gì đó đáng sợ sắp xảy ra trong đời sống con người, đã làm nên vẻ đẹp của Nhật ký mang thai, tác phẩm bản lề giành giải thưởng Adutagawa trong sự nghiệp của Yoko Ogawa. Như một ảo giác đang dần khoác lấy hình hài, những truyện ngắn của Ogawa là nơi khoái cảm của việc đọc không dừng lại ở ý nghĩa, mà là sự đắm chìm trong bầu không khí đã được dựng nên, vừa khiêm nhường, vừa ám ảnh, ngột ngạt. Cảm giác lên ngôi và ngôn từ lùi lại. Con người còn lại một mình với nỗi bất an sâu xa. Ra khỏi trang sách mà không thể ngừng tự hỏi đâu là vấn nạn của những nhân vật đó. Câu chuyện về một cô gái cho chị gái ăn mứt bưởi có chất bảo quản trong khi mang thai, hay người thầy giáo hiền lành không thể dò nỗi tâm can, hay người đàn ông với ký ức bể bơi, nhà ăn, đều là những ấn tượng khó phai như thế. “… Đêm mưa hôm ấy, chị đột nhiên thèm ăn một thứ hết sức oái oăm: kem quả sơn trà. Ngoài sân mưa tuôn xối xả, trắng xoá cả một vùng. Sắp đến nửa đêm, mọi người đều đã thay sang quần áo ngủ. Lấy đâu ra hàng quán mở cửa vào giờ này, mà tôi còn chẳng biết có cái thứ kem ấy ở trên đời không nữa. - Em muốn ăn kem sơn trà. Màu vàng ươm của kem xếp lớp lên nhau như những mảnh pha lê và cái âm thanh lạo xạo của nó mới ngon lành làm sao. Chị nói. - Đang đêm thế này thì chịu thôi. Để ngày mai anh tìm mua cho em. Anh rể dịu dàng thoái thác. - Không được. Phải là bây giờ cơ. Trong đầu em chỉ có quả sơn trà thôi. Nó làm em thèm đến tức thở, không sao ngủ được. Chị tôi một mực yêu cầu, xem ra không gì lay chuyển nổi. Tôi ngán ngẩm để mặc hai người, ngồi phịch xuống ghế sofa. - Không phải sơn trà cũng được mà. Kem cam hay kem chanh may ra có bán ngoài cửa hàng tiện lợi. Nói rồi anh rể cầm lấy chìa khoá xe. - Trời đang mưa, anh định đi ra ngoài thật à? Tôi chán chường cất tiếng. - Không phải sơn trà thì vô nghĩa. Tôi thèm cái vỏ giòn tan, đầy lông tơ vàng rộm và cái mùi thơm thoang thoảng ấy. Không phải là tôi thèm, là là cái thai trong tôi thèm. Cái thai các người hiểu chưa! Nên tôi chẳng thể làm gì với nó được. Bỏ ngoài tai lời nói, chị tiếp tục đòi hỏi phi lý của mình. Chị phát âm từ cái thai đầy vẻ sợ hãi, như khi nhắc đến tên của một loài sâu róm dị dạng...” (Trích đoạn Nhật ký mang thai) - “Yoko Ogawa là một nhà văn có thể diễn tả một ách uyển chuyển và sắc sảo những nét tâm lý khó nắm bắt nhất của con người” – Kenzaburo Oe - “Sự hư cấu của Yoko Ogawa tựa như một liều thuốc gây ảo giác nhẹ. Rất lâu sau khi đọc, câu chuyện vẫn sẽ còn đọng lại, làm thay đổi quang cảnh trước mắt bạn, khiến sự điềm nhiên của bạn lung lay, gieo vào đầu óc bạn sự nghi hoặc đối với ngay cả những người bạn thường hay gặp. Tài năng của bà vừa hé lộ vừa lưu giữ sự bí ẩn về bản chất con người” – Kathryn Harrison, tác giả của The Kiss - “Giống như tiểu thuyết gia Nhật Bản Kenzaburo Oe, những mẩu đối thoại rời rạc của Yoko Ogawa đã chạm tới niềm bắt an sâu thẳm nhất trong tiềm thức cùng với sự tỉnh tại tuyệt đối” – the Pedestal Magazine.