Nhận Diện 5 Tổn Thương
GIỚI THIỆU SÁCH:
Cuốn sách mô tả những quan sát của tác giả trong hình thể, ngôn ngữ và lời nói của những người đang tái diễn tổn thương (với tổn thương nhục nhã, bị bỏ rơi, bị phủ nhận, bị phản bội, bị đối xử bất công). Nhờ những miêu tả trực giác này của tác giả mà chúng ta có thể phán đoán được một người đang bị ảnh hưởng nhiều bởi chấn thương cảm xúc nào, và việc tự đánh đồng chấn thương cảm xúc đầu đời ấy đã tác động lên cuộc đời họ, cách họ sinh hoạt, nói năng, cách họ đưa ra các lựa chọn của đời mình, và rồi được biểu hiện qua cơ thể ra sao. Qua những tổn thương đó, chúng ta thấy được mối quan hệ giữa mặt nạ vô thức ta mang trong quá trình đối phó với những tổn thương và biểu hiện của chúng trên cơ thể ta. Thông qua cuốn sách, chúng ta dần thấu hiểu tâm thức của con người và có thể rút ra được bài học cho chính mình trên hành trình “thành nhân” (theo cách nói của Carl Rogers) hay “thành toàn tự ngã” (theo cách nói của Carl Jung) của mỗi chúng ta.
TÁC GIẢ:
Lise Bourbeau là tác giả nổi tiếng toàn cầu, bà đã viết 20 cuốn sách, trong đó có nhiều đầu sách best-seller về chủ đề lắng nghe cơ thể và nhận diện những tổn thương bên trong. Sách của bà được dịch ra gần 20 ngôn ngữ trên thế giới. Từ khi thành lập trường phái nghiên cứu của mình vào năm 1982, những tư tưởng của bà đã giúp đỡ rất nhiều người cải thiện chất lượng cuộc sống và tạo ra những thay đổi bền vững hàng ngày. Lắng nghe cơ thể bạn, trường phái phát triển bản thân có sức ảnh hưởng lớn nhất ở Quebec, đã được truyền bá trong các buổi hội thảo trên hơn 20 quốc gia và trong 10 thứ ngôn ngữ. Bộ sách “Nhận diện 5 tổn thương” và “Chữa lành 5 tổn thương” là hai trong số rất nhiều đầu sách best-seller của bà.
TRÍCH ĐOẠN SÁCH HAY:
Khi một đứa trẻ được sinh ra, tự trong sâu thẳm nó đã biết lý do vì sao nó đầu thai. Đó chính là được làm chính mình trong khi sống qua rất nhiều trải nghiệm. Vả lại, linh hồn nó đã chọn gia đình và hoàn cảnh sống để sinh ra cùng với một mục tiêu rất cụ thể. Tất cả chúng ta đều có một nhiệm vụ giống nhau khi đến với Trái đất này: trải nghiệm cuộc sống cho đến khi nào chúng ta chấp nhận nó và trong quá trình đó yêu thương lấy mình.
Chừng nào chúng ta còn chưa chấp nhận một trải nghiệm nào đó, tức là vẫn còn phán xét nó, vẫn còn dằn vặt vì nó, sợ hãi, tiếc nuối nó, hay mọi dạng không chấp nhận khác, chừng đó con người ta còn không ngừng thu hút vào mình những hoàn cảnh, sự kiện và con người đẩy ta quay trở lại với trải nghiệm đó một lần nữa. Một số người, không chỉ gặp cùng một trải nghiệm nhiều lần trong đời, mà còn phải đầu thai một hay nhiều lần nữa thì mới có thể hoàn toàn chấp nhận nó.
Chấp nhận một trải nghiệm nào đó không có nghĩa là chúng ta mong muốn có nó hay đồng tình với nó, mà đúng hơn là cho phép ta cảm thụ và học hỏi từ những gì ta đã trải qua. Đặc biệt chúng ta phải học cách nhận ra cái gì là có ích cho mình, cái gì là không. Cách duy nhất để nhận ra điều đó là trở nên ý thức về hậu quả của mỗi trải nghiệm. Tất cả những gì mà ta đã lựa chọn hoặc không lựa chọn, tất cả những gì mà ta đã làm hoặc không làm, tất cả những gì mà ta đã nói hoặc không nói và thậm chí tất cả những gì ta đã nghĩ và không nghĩ, đã cảm và không cảm đều để lại hậu quả.
...
Trước khi đi vào miêu tả các giai đoạn chữa lành cho mỗi loại tổn thương và mặt nạ ngụy trang, tôi xin được chia sẻ với các bạn những quan sát liên quan tới cung cách đi đứng, nằm ngồi, nhảy múa... của những người thuộc từng loại tổn thương. Điều này sẽ làm rõ sự khác nhau về hành vi của các mặt nạ.
Tùy theo mặt nạ mà cách nói chuyện và giọng nói của người ta sẽ khác:
- Người chạy trốn có giọng yếu và mảnh.
- Người phụ thuộc dùng giọng trẻ con, cũng như giọng than vãn.
- Người khoái khổ thường thêm vào nhiều cảm xúc để có vẻ là người có quan tâm.
- Người cứng nhắc nói năng khô khốc như máy và bị tiết chế.
- Người kiểm soát có giọng nói mạnh mẽ, vang xa.
Dưới đây là cách khiêu vũ, nhảy múa của từng kiểu người:
- Người chạy trốn đặc biệt không thích nhảy nhót. Khi phải nhảy, anh ta đung đưa một ít và theo kiểu lẩn lướt đi để không bị nhận ra. Anh ta kiểu như muốn nói: Đừng nhìn tôi nhiều quá.
- Người phụ thuộc thích những điệu nhảy có va chạm đối phương vì chúng cho anh ta cơ hội được gắn chặt với đối phương. Thỉnh thoảng, anh ta dường như lả lướt, sát rạt với bạn nhảy, kiểu như muốn nói: Hãy xem bạn tôi yêu tôi chưa này.
- Người khoái khổ rất thích nhảy và tận dụng cơ hội nhảy nhót để thể hiện sự gợi cảm của mình. Anh ta nhảy để cảm thấy vui vẻ. Ở anh ta tỏa ra kiểu: Nhìn xem tôi có thể gợi cảm đến mức nào này.
- Người kiểm soát chiếm rất nhiều diện tích. Anh ta thích nhảy và nhảy để quyến rũ. Nhất là trong trường hợp được người khác quan sát. Cái cách anh ta nhảy như muốn nói: Hãy nhìn tôi đây này.
- Người cứng nhắc nhảy rất giỏi và theo nhịp điệu mặc dù đôi chân có cứng nhắc. Anh ta hết sức cẩn trọng để không nhảy sai. Anh ta là người thường xuyên đi học