Lời nói đầu
Nhớ người “Biết ái tình ở dòng sông Hương”
Nhạc sĩ Phạm Duy (1921-2013) một người gốc Hà Nội, được mệnh danh là ca sĩ chuyên nghiệp đầu tiên của Việt Nam, cây đại thụ của nền nhạc mới Việt Nam, người hát rong xuyên thế kỷ.v.v. Cuộc đời sáng tác và hát rong của Phạm Duy lưu dấu trên khắp nước Việt Nam, và trải qua nhiều quốc gia Á, Âu, Mỹ, Úc, nhưng ông bảo “cái dạ dày của tôi để ở Sài Gòn, cái đầu của tôi luôn nhớ về Hà Nội và trái tim của tôi để ở Huế” – nơi ông đã Biết ái tình ở dòng sông Hương (Tình ca).
Từ lúc chín mười tuổi ông đã được bà Ấm Chung – một phụ nữ Huế làm gia sư dạy đàn cho hai người chị của ông, đã dạy cho ông biết nhiều bài ca Huế. Năm 1944, theo Gánh hát Charlot Miều vào Huế ông lại được nghe ông Ngũ Đại (tức Hoàng tử Nguyễn Phúc Vĩnh Trân con vua Thành Thái), nhạc sĩ Vĩnh Phan và các cô Minh Mẫn, Bích Liễu. v.v. đàn ca Huế giúp ông phát hiện được âm giai ngũ cung lơ lớ của ca nhạc truyền thống Huế. Sau đó ông đã đến Huế nhiều lần và đã để lại cho kho tàng Tân nhạc Việt Nam nhiều nhạc phẩm viết từ Huế và viết về Huế. Khối tình Trương Chi (1946), Bao giờ anh lấy được đồn Tây, Bà mẹ Gio Linh, Về miền Trung (1948), Dạ Lai Hương (1953), Tôi còn yêu tôi cứ yêu (1965).v.v. Ông đã vận dụng âm giai ngũ cung lơ lớ của ca nhạc truyền thống Huế vào nhiều đoản khúc trong trường ca Con đường cái quan, trường ca Mẹ Việt Nam. Nổi tiếng nhất là đoản khúc Nước non ngàn dặm ra đi. Trong sự nghiệp phổ thơ của ông, ông đã phổ nhiều thơ của các nhà thơ Huế, nổi tiếng nhất là thơ của Lưu Trong Lư (Vần thơ sầu rụng, Hoa rụng ven sông, Thú đau thương, Tiếng thu), thơ Hàn Mặc Tử (Đây thôn Vỹ Dạ), thơ Minh Đức Hoài Trinh (Kiếp nào có yêu nhau, Đừng để em một mình), thời đấu tranh vận động hòa bình những năm 1964 đến 1966 tại miền Nam Việt Nam ông phổ thơ của Thiền sư Thích Nhất Hạnh (bài Hòa bình Phạm Duy đổi lại Tôi ước mơ – Tâm ca số 1), Tâm Hằng Nguyễn Đắc Xuân (Để lại cho em (Tâm ca số 5), Nhân danh (Tâm phẫn ca số 1), Chuyện hai người lính), thơ của Thái Luân (Bi hài kịch).v.v.
Trong cuộc đời đi hát rong gần 60 năm (1944-2012), ông đã đến Huế nhiều lần, gặp nhiều nhân vật văn hóa lịch sử Huế (nhà thơ Lưu Trọng Lư, nhà văn Hải Triều, nhà thơ Tố Hữu), ông phải lòng nhiều người đẹp, sáng tác nhiều tác phẩm và biểu diễn nhiều chương trình quan trọng. Và, thật bất ngờ, những hoạt động âm nhạc trên sân khấu cuối đời ông lại đều diễn ra ở Huế mà tiêu biểu nhất là các chương trình Giới thiệu trường ca Hàn Mặc Tử tại Nhạc viện Huế (5-2012), Tôi yêu tiếng nước tôi tại Đại học Huế (16-9-2012). Rồi, không rõ đã có một sự sắp xếp vô hình nào đó, dù cách xa nhau trên một ngàn cây số thế mà suốt thời gian từ trung tuần tháng 11-2012 đến 27-1-2013, nhạc sĩ Phạm Duy vô ra bệnh viện ba bốn lần đều có tôi và nhiều người Huế khác (như Mộc Lan Scavi) thường đến bên ông. Nhờ thế tôi đã được nghe nhiều di ngôn liên quan đến nhiều góc khuất của đời ông và chứng kiến những giây phút cuối cùng trước khi ông giải nghiệp vào lúc 2h30 ngày 27-1-2013 tại Bệnh viện 115 TP.HCM. Rồi dù không tính trước tôi lại được hân hạnh tham gia cùng với gia đình và bạn bè tổ chức tang lễ cho ông. Người chủ lễ tang là Thiền sư Phước Trí – chùa Vạn Phước. Lễ tang được tổ chức theo nghi lễ Phật giáo, trang nghiêm nhưng không kém phần ấm cúng thân tình. Trong hàng trăm tổ chức, cơ quan, cá nhân yêu nhạc Phạm Duy trong nước và trên thế giới không đến điếu tang được đã gởi vòng hoa đến viếng ông. Tôi chú ý thấy một trong những vòng hoa gởi sớm nhất có vòng hoa của bác sĩ Võ Khắc Chắt gởi từ Huế, vòng hoa của TS Thái Kim Lan & Nhóm Nữ sinh Đồng Khánh Huế, vòng hoa của Hội Nhạc sĩ Thừa Thiên Huế, bài viết của Đạo diễn điện ảnh Đặng Nhật Minh – một người Huế ở Hà Nội. Tiếp người đến điếu tang tôi gặp rất nhiều người Huế, bác sĩ Phạm Văn Căn - Đại diện họ Phạm Việt Nam, gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, các nhạc sĩ Nguyễn Phú Yên, nhạc sĩ Bảo Chấn, nhạc sĩ Miên Đức Thắng, nhạc sĩ Tôn Thất Lập, nhà thơ Lưu Trọng Văn, cựu nữ sinh Đồng Khánh Kiều Miên.v.v. Ngày 3-2-2013, người Huế tiếp tục có mặt trong đoàn người đưa tiễn Người tình của xứ Huế về nơi an nghỉ cuối cùng ở Hoa viên Nghĩa trang Bình Dương. Phạm Duy đã đi vào cõi âm. Vào chính thời khắc đó, âm nhạc của ông được hát vang để tiễn ông, đồng thời báo hiệu dòng sông của âm nhạc Phạm Duy vẫn chảy trong huyết quản của người tại thế. Ông nhập vào cõi âm để ông có thể có mặt ở khắp mọi nơi và sống mãi với nước non ngàn dặm này.
Trong không khí thương tiếc ông, ngày 20-2-2013, những người Huế thuộc thế hệ đã được âm nhạc của ông và tiếng hát Thái Thanh nuôi dưỡng tâm hồn, họp mặt ở cái Gác bên dòng Thọ Lộc (Đập Đá) để tưởng nhớ ông bằng chính các bài ca thương nước, thương nòi và thương mình của ông đã để lại. Tại chỗ những người Huế đứng hát tưởng nhớ ông hôm ấy từ năm 2001 cho đến năm 2012 ông đã ghé qua lại nhiều lần, ông đã nói chuyện, đã trả lời báo chí, nghe người Huế hát nhạc Phạm Duy, thưởng thức những món ăn do người phụ nữ Huế nấu và ông đã có những giấc ngủ say lộng gió sông Hương – ngọn gió đã làm dịu mát hồn ông mỗi lần ông cảm thấy nóng đầu. Những người tham dự đêm tưởng nhớ Phạm Duy hôm ấy không còn được nhìn thấy ông bằng mắt, nhưng tất cả những người có mặt đều thấy ông trong tim mình.
Là một người cầm bút xứ Huế, tôi đã nhiều lần viết về những người Hà Nội sáng danh trong lịch sử văn hóa Huế với Cao Bá Quát, Nguyễn Văn Siêu, Nguyễn Trọng Hợp, từ nay tôi rất vui mừng ghi thêm tên nhạc sĩ Phạm Duy.
Kính thưa anh Phạm Duy, em đang ngồi ở Gác Thọ Lộc trên dòng sông Hương – dòng sông mà anh đã “thuyền ngược xuôi” biết bao nhiêu lần, nơi anh đã “biết ái tình”, nơi anh đã khởi thảo trường ca Mẹ Việt Nam để tưởng niệm tạ ơn anh đã dành trái tim tác giả của hàng ngàn ca khúc Việt tuyệt vời cho Huế. Cám ơn anh đã trao truyền và gìn giữ tình yêu đất nước, yêu tiếng nói, yêu đời, yêu người và yêu mình trong tâm hồn em.
Em rất hạnh phúc được sống vào năm anh tròn tuổi bách niên. Nhớ anh, em gom hết tất cả những bài em đã viết về anh mà anh đã đọc trước khi qua đời vào cuốn sách nhỏ Nhạc sĩ Phạm Duy - Biết ái tình ở dòng sông Hương. Cuốn sách này cũng ghi lại những kỷ niệm anh em gặp nhau ở quê nhà. “Lời quê chắp nhặt dông dài”, em mong cùng với những gì anh đã để lại cho em làm một chiếc cầu nối giữa thế hệ của anh và các thế hệ nối tiếp em. Để cùng vui với anh, em mời những người mà anh yêu quý, anh từng giới thiệu với em cùng có mặt trong cuốn sách này như Thiền sư Thích Nhất Hạnh, Trần Văn Khê, Phạm Duy, Eric Henry, Phạm Văn Kỳ Thanh, Đặng Nhật Minh, Dương Trung Quốc, Thái Kim Lan.
Anh là “người tình” của sông Hương. Sông Hương đẹp, không có tuổi cho nên tình yêu của anh với sông Hương cũng không có tuổi. Do đó anh sống mãi với sông Hương “miền thùy dương” muôn thuở.
Huế - Tháng 10 - 2021