'Nguyên lý chọn ngày theo lịch Can chi” đã 7 lần tái bản, đáp ứng được phần nào sự mong đợi của bạn đọc, giúp tránh bớt những sự kiêng kỵ vô lý gây phiền hà cho công việc hàng ngày, còn lưu hành theo thói quen trong trong nhân dân ta.
Nhiều bạn đọc am hiểu về triết học và các khoa dự báo cổ đã viết thư khen ngợi, động viên tác giả, cũng như đã chỉ ra những chỗ viết còn sơ sài chưa được rõ ràng, và cả những sai sót trong ấn loát. Căn cứ vào những ý kiến đóng góp của bạn đọc, lần tái bản này chúng tôi cố gắng sữa chữa, bổ sung những chỗ còn thiếu sót, lược bỏ những chỗ thừa không cần thiết. Tuy nhiên dù có bổ sung bao nhiêu cũng không thể thoả mãn được mọi yêu cầu của bạn đọc. Do phạm vi được đăt ra như đầu đề đã nêu, cuốn sách không thể viết quá dài vượt ra ngoài khuôn khổ những điều phổ thông thích hợp với mọi người. Tác giả chỉ cố gắng thêm vào những tóm tắt cần thiết kèm những mô hình và các bảng thống kê cụ thể để bạn đọc dễ sử dụng hơn và tra cứu khi cần.
Kho tàng trí thức cổ của tiền nhân để lại rất lớn, nhiều người trong chúng ta ngày nay không đọc được sách cổ viết bằng chữ Hán Nôm, do đó bị cắt rời khỏi nền học vấn truyền thống. Hơn nữa, trên nửa thế kỷ qua, trước sức lôi cuốn của học thuyết Marx-Lenin, ở nước ta rất ít người để tâm tìm hiểu sâu về những tư tưởng cũ. Tuy nhiên, dù muốn hay không, chúng ta cũng đã được sinh ra và lớn lên trong nền văn hoá bị lãng quên đó. Một nền văn hoá có bề dày gần năm ngàn năm lịch sử, đã để lại dấu ấn sâu đậm trong ngàn vạn kiến trúc, từ ngôi nhà ở nơi thôn xóm đến cung điện, lăng tẩm, đền miếu, chùa chiền khắp mọi miền đất nước. Nền văn hoá đó còn ghi dấu ấn cả trong nếp sống, cách suy nghĩ đến phong tục, tập quán suốt trong nam ngoài bắc; để lại cả hàng vạn làng nghề mà ngày nay ta đang phải ra sức phục hồi, để cố gắng có một nét riêng độc đáo trong xu hướng hội nhập toàn cầu hoá hiện nay.
Cho tất cả những tinh hoa của nền học vấn cũ là “mê tín” rồi dùng quyền hạn tạm thời đang có để loại bỏ, để cấm đoán, chỉ là thái độ của kẻ kém trí tuệ. Đánh mất những cái đó cũng là đánh mất chính mình, chính bản sắc của dân tộc mình. Cần phải đánh giá lại, những gì là tinh hoa để kế thừa, những gì là sai lầm, mê tín cần loại bỏ. Điều khó khăn lớn nhất cho mọi người là: phương pháp tư duy của các học giả Á Đông xưa là lối “tư duy thuần lý” cổ - rất phù hợp với “tư duy trừu tượng của toán học, cũng là những quy luật khách quan của tạo hoá - nhưng đều không được chứng minh cụ thể bằng các phương pháp theo “khoa học thực nghiệm” ngày nay. Vì vậy mà chúng rất dễ lẫn lộn với những nhận thức theo kiểu mê tín dị đoan của con người.
Ngày nay đang có một phong trào “tuyên truyền cho những điều mê tín núp dưới các danh nghĩa khoa học” và các danh từ còn chưa được định nghĩa rõ ràng như “thần giao cách cảm”, “ngoại cảm”... thực chất là “phủ nhận con đường của trí tuệ” vốn đã và sẽ là con đường của tạo hoá ban cho khối óc con người để có thể tìm về nguồn cội và gốc rễ mọi vấn đề, kể cả vấn đề “tâm linh” còn đầy bí hiểm. Đó là một điều cảnh báo đối với những bạn đang ham mê nghiên cứu những tư tưởng của nền văn hoá cổ cần phải hết sức chú ý.