Được viết với cái tên “ The first time manager in Asia” , nhưng cuốn sách không chỉ dành cho những ai lần đầu tiên làm sếp, mà bằng những trải nghiệm 30 năm với vai trò lãnh đạo doanh nghiệp và là nhà tư vấn lãnh đạo doanh nghiệp, BH Tan đã chia sẻ những kinh nghiệm, những bài học thú vị với bất kỳ ai khi được xếp vào hàng ngũ lãnh đạo dù bạn mới vừa được tiến cử, đề bạt hay khi bạn đã có nhiều năm “chinh chiến” với vai trò là người quản lý điều hành một doanh nghiệp hay một tổ chức trong nước hay quốc tế.
Trở thành một nhà quản trị có nghĩa là bạn không chỉ làm tốt nhiệm vụ chuyên môn thường ngày của cá nhân mà còn phải gánh vác thêm trọng trách khác với qui mô rộng hơn , sứ mệnh nặng nề hơn cùng những quan hệ gắn kết phức tạp và tế nhị với các cá nhân, nhóm , tập thể có liên quan trong cùng một tổ chức, một doanh nghiệp. Với những người lần đầu tiên khi tiếp nhận một vị trí mới, một chức vụ mới với trọng trách cao hơn, sai lầm mà họ thường mắc phải là sự chưa chuẩn bị tâm thế và kỹ năng để làm sếp mà thường lúng túng , thiếu tự tin , hành động và ứng phó không đúng cách , nhiều sai phạm, nhầm lẫn bởi cùng lúc họ phải diễn hai vai hoặc đội hai chiếc mũ của người làm chuyên môn và nhà quản lý. Những câu chuyện thực tế được dẫn giải như là những bài học suy ngẫm và đào sâu từ những trải nghiệm đầy tính bi hài được lồng ghép trong các luận giải , đúc kết các vấn đề đáng lưu tâmvề những kỹ năng của nhà quản trị, như câu chuyện thất bại của Janet khi phải ra đi sau sáu tháng làm giám đốc marketing , hoặc như câu chuyện thành công của Jason với vai trò giám đốc bộ phận hay câu chuyện về tầm quan trọng của năng lực cảm xúc và một kết thúc buồn cho Jang khi bỏ lỡ cơ hội được tiếp nhận vào một vị trí tốt…
Tất cả được tác giả chia sẻ trong quá trình tiếp xúc, trao đổi, tư vấn các nhà quản lý vừa bước ra từ vai trò của một nhân viên giỏi chuyên môn. “ Trong bất kỳ tổ chức nào, con người luôn có xu hướng phấn đấu để trở nên kém năng lực “ Laurence Peter, nhà tâm lý giáo dục Canada đã từng phát biểu như vậy. Vậy thì làm thế nào để một người lần đầu tiên làm sếp hayngười chuẩn bị có bước thăng tiến cao hơn nữa trong vai trò nhà quản lý một tổ chức, một doanh nghiệp có thể tự tin vào chính năng lực của mình ? Với mong muốn cung cấp chiếc la bàn, định hướng cho các nhà quản lý trong hành trình lãnh đạo của mình, tác giả đã trình bày 26 chương ngắn gọn, xúc tích, hệ thống , cung cấp những quan điểm, lý thuyết, những kỹ năng quản trị thực hành cùng các tiểu xảo giúp các nhà quản trị có thể tự quản lý mình, quản trị tốt các thành viên trong nhóm, quản trị nhóm, quản lý các mối quan hệ quan trọng và hoàn thiện mình để trở thành một nhà quản trị giỏi và đầy tiềm năng.
Đã có nhiều cuốn sách dạy về học làm lãnh đạo, kỹ năng quản trị ,nhưng đây là một cuốn sách được viết bởi một học giả, nhà tư vấn lãnh đạo Singapore và vì thế bên cạnh những lý thuyết và kỹ năng khoa học quản trị phương Tây , BH Tan đã kết hợp những quan điểm,lý thuyết, ứng xử phương Đông, hơn thế tác giả còn khuôn định trong phạm vi địa lý ở các quốc gia Châu Á, nơi mà những quan niệm, những khác biệt văn hóa cùng những ứng xử có nguy cơ trở thành lực cản sự hòa hợp , thích nghi và cùng phát triển trong một thế giới phẳng nếu thiếu hiểu biết. Do vậy mà LÀM SẾP trở nên khác biệt và thật sự hữu ích với bất cứ ai đã, đang và sẽ phấn đấu và hoàn thiện để trở thành một nhà quản trị giỏi , tài ba.
KHI BẠN TRỞ THÀNH NHÀ QUẢN TRỊ
Tại sao lại có một cuốn sách về những người lần đầu làm Sếp? Chẳng phải việc học cách quản lý con người đến với bạn một cách tự nhiên khi bạn tiến bộ trên các nấc thang sự nghiệp sao? Và, nói thật, nếu nhìn những nhà quản trị xung quanh bạn, không phải tất cả họ đều làm việc theo kiểu thử và sai (trial and error) sao?
Trong lời giới thiệu này, tôi muốn nêu lên tất cả những suy nghĩ đó, cũng như một số suy nghĩ khác có thể xuất hiện trong đầu bạn khi bạn bắt đầu bước vào làm quản trị.
Trước hết, tôi xin bắt đầu bằng một vài dòng kể về hành trình doanh nghiệp của tôi, và việc tôi trở thành tác giả của cuốn sách này như thế nào. Tôi bắt đầu làm việc ở các công ty hơn 30 năm trước, dấn thân vào một sự nghiệp được chia làm hai phần: đầu tiên là một lãnh đạo doanh nghiệp và sau đó là một nhà tư vấn lãnh đạo doanh nghiệp.
Trong suốt hơn 20 đầu, tôi làm việc trong nhiều tổ chức đa quốc gia của Mỹ và châu Âu. Tôi nhớ rằng mình bắt đầu làm quản lý khi tôi 26 tuổi. Trong những năm sau đó, tôi làm việc ở nhiều ngành khác nhau như cơ khí, marketing, kinh doanh và quản trị tổng hợp. Vị trí cuối cùng mà tôi làm là giám đốc cấp cao khu vực châu Á – Thái Bình Dương của một tập đoàn công nghệ cao của Mỹ. Sau đó, tôi quyết định đã đến lúc tôi tự khám phá và làm một công việc mà tôi luôn luôn khao khát, đam mê: phát triển con người. Đó là khởi đầu của sự nghiệp thứ hai của tôi, và tôi đã làm việc này suốt 12 năm qua. Với vai trò này, tôi đã làm việc với rất nhiều nhà quản trị có triển vọng cao, với độ tuổi từ khoảng hơn 20 đến những người hơn 50 tuổi già dặn và có kinh nghiệm chiến đấu, giúp họ làm mỗi một việc: tăng cường thành công và hiệu quả làm lãnh đạo trong các doanh nghiệp.
Nói thật, khi làm việc với mọi người, tôi thấy vui vẻ và hài lòng hơn khi quản lý kinh doanh. Và đây là điều mà tôi sẽ nói kỹ hơn vào phần sau của cuốn sách này.
Vậy tại sao bạn lại phải phí thời gian đọc một cuốn sách viết về người lần đầu làm sếp? Để trả lời câu hỏi này, xin hãy ngồi lại và tưởng tượng bạn đang bắt đầu dấn thân vào một dự án hết sức quan trọng đối với công ty của bạn. Bạn là lãnh đạo của một nhóm chuyên gia, trong đó rất nhiều người bạn chỉ mới gặp lần đầu. Cảm giác của bạn lúc đó sẽ như thế nào?
Bạn có thể sẽ cảm thấy một sự háo hức rộn ràng chạy dọc xương sống bạn. Đồng thời, bạn cũng cảm thấy một chút bất ổn và bấp bênh. Đây là một số câu hỏi tiêu biểu mà bạn tự đặt ra cho mình:
Người ta kỳ vọng mình sẽ làm gì nhỉ? Thế nào thì được coi là thành công? Những thách thức mà mình sẽ gặp phải là gì? Làm thế nào để xử lý chúng? Mình có cần phải có thêm một số kỹ năng ...