Không Nổi Tiếng Cũng Đâu Có Sao!
Hạnh phúc cũng chỉ xoàng như thế: Được sống một cuộc đời bình thường nhưng đầy phẩm giá
Học phải chọn ngành và trường “danh giá”. Đi làm cũng phải chọn chỗ “danh giá”. Cuộc đời sẽ vô nghĩa nếu không làm được những điều phi thường. Đó là những tham vọng có thể bắt gặp ở bất kỳ người trẻ nào hiện nay; nhưng đằng sau đó cũng là những hoang mang của họ trước lựa chọn cuộc đời: Mình là ai, mình muốn gì, và mình đang ở đâu trong cuộc đời này?
Hào quang nổi tiếng, danh giá không chỉ là nỗi thôi thúc, ám ảnh của người dân xứ mình. Tháng 9.2017, trong loạt bài xã luận (Op-Ed) của báo The New York Times dành cho giới trẻ nhân mùa khai trường, nhà báo An Điền bắt gặp và đọc ngấu nghiến một bài viết mà chính là nguồn cơn cảm hứng để anh cho ra đời cuốn sách này. Ngay cả cái tựa “Không nổi tiếng cũng đâu có sao!” cũng là mượn ý từ tiêu đề bài viết: “You’ll Never Be Famous — And That’s O.K.” Tác giả bài viết, bà Emily Esfahani Smith - một chuyên gia tâm lý có tiếng - chỉ ra rằng rất nhiều sinh viên Mỹ ngày nay cũng luôn đau đáu muốn thay đổi thế giới. Giới trẻ ở Mỹ cũng nghĩ rằng một cuộc đời có ý nghĩa là một cuộc đời đòi hỏi phải làm được những điều phi thường hoặc danh giá, tỉ như: trở thành người nổi tiếng trên Instagram; lập một công ty danh tiếng rền vang; hoặc chấm dứt một cuộc khủng hoảng nhân đạo.
Bà Smith thừa nhận, có khát khao, có lý tưởng là một phần tất yếu của tuổi trẻ. Thế nhưng, mạng xã hội đã làm nhiều người đánh đồng mục đích và ý nghĩa của cuộc sống với hào quang danh vọng; những cuộc đời kiệt xuất phi thường bỗng hoá thành chuẩn mực trên Internet. Với kinh nghiệm nghiên cứu thực tiễn của mình, bà Smith đã đưa ra những đúc kết hoàn toàn ngược lại. Cuộc sống có ý nghĩa nhất, không phải là cuộc đời kiệt xuất phi thường; đó là những cuộc đời bình thường được nhưng đầy tư cách và phẩm giá. Một cuộc đời có ý nghĩa sẽ cho phép bản thân được kết nối, đóng góp cho cộng đồng với bất kỳ hình thức nào, dù nhỏ nhoi đến đâu. Và chính những điều tưởng chừng là giản đơn đó, chứ không phải hào quang danh vọng, sẽ đem lại ý nghĩa thực sự cho cuộc đời của mỗi người. Tác giả nhắn nhủ với sinh viên: Các bạn không cần phải cứu rỗi thế giới; hãy cứ sống một cuộc đời cho phép mỗi người đạt được mọi ước mơ hoài bão trong tầm với, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Đó sẽ là một cuộc đời viên mãn.
Những thông điệp giản đơn nhưng hết sức đẹp đẽ đó đã thôi thúc nhà báo An Điền cần phải chia sẻ chúng đến nhiều người trẻ Việt Nam hơn. Thế nhưng, trong thời đại mạng xã hội, một bài viết được chia sẻ rồi cũng sẽ trôi tuột đi rất nhanh như ngón tay con người lướt Facebook mà thôi. Cách để những thông điệp đó ở lại với người đọc lâu hơn một chút là phải hệ thống, gói ghém chúng lại trong một cuốn sách nho nhỏ. Từ sự động viên và “thúc đẩy” của BBT Anbooks, cuốn sách này đã được ra đời trong khoảng thời gian rất ngắn – 15 ngày – từ một tác giả hơn 10 năm nay “kiếm sống” bằng công việc làm báo tiếng Anh. Như An Điền chia sẻ, anh chỉ nghĩ đơn giản là mình ra một cuốn sách không khệnh khạng bảo ban dạy dỗ gì ai; chỉ ghi chép lại những gì chính anh đã trải qua cộng thêm một chút quan sát bằng con mắt nhà báo, cộng thêm một chút tìm tòi nghiên cứu để chứng minh những lý luận trong đó có cơ sở, thì chắc cũng ổn.
Được chia làm 3 chương với 15 câu chuyện, nội dung của cuốn sách không đi ngoài chủ đề chính: Ừ, không nổi tiếng cũng đâu có sao! Bởi mỗi người, mỗi chúng ta đã, đang và đều có thể sống một cuộc đời bình thường chứ đâu phải tầm thường, hay một cuộc đời giản đơn nhưng đầy phẩm giá. Với giọng văn dí dỏm và có phần “tưng tửng”, cuốn sách hứa hẹn sẽ làm người đọc cười tủm tỉm cùng những thông điệp sẽ thấm sâu mà nhẹ nhàng, giản đơn. Những người làm cuốn sách không có tham vọng gì lớn lao, chỉ mong nó giống như một quán cà phê nhỏ nép mình trong một con hẻm cụt, để người đọc có thể lánh vào nghỉ ngơi một chút, chờ cho đường sá bớt nhốn nháo kẹt xe rồi lại về nhà.
Về tác giả:
Lương Nguyễn An Điền là một nhà báo từng làm việc tại ấn bản tiếng Anh của các báo Thanh Niên, VnExpress từ năm 2007. Năm 2014, anh nhận học bổng Fulbright của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ để theo học Thạc sỹ báo chí tại Columbia Journalism School (New York). Tháng 5.2016, một ngày sau khi tốt nghiệp tại Columbia, anh nhận được giải thưởng của Hiệp hội Báo chí Nước ngoài (Foreign Press Association) tại New York, vinh danh các nhà báo trẻ vì những thành tựu cho đến nay và vai trò đóng góp trong tương lai.
Với bút danh Dien Luong, anh đã có các bài viết được đăng trên The New York Times, The Washington Post, The Guardian, The HuffPost, Al Jazeera, The Diplomat.
Hiện nay anh đang công tác tại báo Zing.vn và giảng dạy tại Đại học RMIT.
Trích đoạn hay trong sách:
“Nếu người ta hay ví cuộc đời là một sân khấu lớn mà trong đó mỗi người có những vai diễn khác nhau, tôi thực sự tin rằng không hề có vai lớn hay vai nhỏ, vai chính hay vai phụ. Có những vai diễn mới thoáng nhìn tưởng là rất “nhỏ”, rất “phụ” thôi, nhưng lại làm người xem nhớ nhiều hơn, lâu hơn những cái tên nổi tiếng. Sẽ thật may mắn nếu trong đời mỗi chúng ta được một lần chiêm ngưỡng những vai diễn khiêm cung nhưng lấp lánh đó…”
Trích Biết mình muốn gì thay vì mơ trở thành ai | Chương 1 Không nổi tiếng cũng đâu có sao!
“Một người biết đích thực giá trị của giản đơn chắc chắn phải kinh qua mọi quá trình “phức tạp” gian khổ. Một nhà báo giỏi nghề chắc chắn bài viết phải rất trong sáng rõ ràng và coi những con chữ, câu văn cầu kỳ phức tạp nhưng rỗng tuếch là kẻ thù. Một người đủ tinh tế và trải đời thì sẽ thật sự tin là được sống một cuộc đời bình thường đã là hạnh phúc. Bình thường chứ không phải bất thường. Bình thường cũng đâu phải tầm thường.”
Trích Cuộc đời chóng vánh | Chương 2 Không nổi tiếng cũng đâu có sao!
“Nghệ sỹ Thành Hội luôn ám ảnh với bổn phận phải làm nghề thật tử tế, tức là cẩn thận từ những việc nhỏ nhất. Ngay từ lúc còn học trường Nghệ thuật Sân khấu, anh đã bị ám ảnh bởi câu chuyện về sự tử tế trong nghề của một nghệ sỹ lồng tiếng động không tên tuổi: Nôm na là khi trong phim có cảnh rót rượu, ở bên ngoài người nghệ sỹ này cũng phải rót cái gì có tiếng nước để trùng khớp với tiếng động trong phân cảnh. Thế nhưng, khi tới phân cảnh đó, người nghệ sỹ này lại bỏ đi đâu rất lâu. Khi ông quay lại, mọi người trong đoàn phim rất bực mình, hỏi đi đâu lâu vậy. Ông trả lời: “Tao đi mua rượu về để rót lồng tiếng chứ đi đâu”. Mọi người mới la lên: “Chi cho mắc công vậy ông già, ông rót tiếng nước thì nó cũng vậy thôi”. Ông trả lời: “Tụi mày tầm bậy, nói vậy là không biết gì. Rượu nó có cái hồn của rượu, nên cách rót phải khác. Rót nước là trật liền”. Câu chuyện chỉ vỏn vẹn có vậy, nhưng ý nghĩa thì nặng chình chịch. Anh Thành Hội kết luận: “Vì câu chuyện đó mà tôi luôn buộc mình khi làm nghề phải cực kỳ tử tế”.
Trước khi trở thành một cái tên được nhiều bậc phụ huynh của độc giả trẻ cỡ tôi trở xuống biết tới, anh Thành Hội có ngót nghét 10 năm làm diễn viên quần chúng; nhiều tuồng kịch chỉ đóng những vai ra “dạ” một cái là bế mạc luôn. Trong suốt 10 năm đó, vì bao la thời gian rảnh nên ngày nào anh cũng đọc thật nhiều tác phẩm văn học. Đọc để dung nạp, và đọc là để hình dung nếu mình là nhân vật đó thì sẽ thể hiện như thế nào. Nằm võng cũng hình dung, chạy xe đạp cũng hình dung, và chắc còn hình dung vào nhiều lúc khác mà anh không tiện kể.
Nếu thời đó có Facebook và nếu anh Thành Hội chỉ lên đó càm ràm cả ngày là tại sao mình tài thế này mà sao cuộc đời không trọng dụng thì chắc sự nghiệp của anh cũng bế mạc sớm. Cuộc đời đã công bằng khi công nhận những nỗ lực miệt mài của anh. Nhưng đối với tôi, sự nổi tiếng hiện nay chỉ là tấm bằng chính thức cuộc đời trao cho anh. Còn sự công nhận, anh đã có ngay từ lúc nằm võng, đạp xe ấp ủ và nuôi dưỡng những vai diễn cho đời mình. Vì ngay lúc đó, anh đã là một nghệ sỹ tử tế.
Trích Tử tế với đam mê | Chương 3 Không nổi tiếng cũng đâu có sao!
“Càng sống lâu (dù vẫn còn rất trẻ) tôi càng nhận ra sự phù phiếm, vô ích của việc cậy nhờ vào cái mác “danh giá” nơi mình làm, chỗ mình học để coi đó là thương hiệu bảo chứng cho mọi hành vi, lời nói. Đâu phải cứ học cái trường danh giá đó thì nói gì cũng đúng, làm gì cũng giỏi. Đâu phải cứ làm công ty nổi tiếng đó thì sẽ mặc nhiên được đặc quyền đặc lợi hơn phần còn lại của xã hội. Tôi tiếp tục nghĩ đơn giản thế này: Ngoài chuyện tối thiểu là phải chứng minh bằng hành động chứ không phải cái mác hàng hiệu, khi đã bước ra khỏi cái mái nhà của nơi mình học, chỗ mình làm thì mỗi người đều phải được áp dụng một tiêu chí đánh giá ngang nhau về thái độ, hành vi cư xử ngoài xã hội. Học Ivy League, làm công ty ngon mà ra ngoài không xếp hàng, thúc cùi chỏ vô bụng bà bầu để được tính tiền trước ở siêu thị, thang máy chưa mở cửa mà đã nhảy phóc vô hay mở cửa xe hơi quăng ly Starbucks kèm ống hút xuống mặt đường…thì sẽ rất xứng đáng được nghe “anh/chị rất tốt nhưng chúng tôi rất tiếc” ở mọi lĩnh vực. Đó là chưa kể, nó sẽ còn ảnh hưởng ngược lại cái mác hàng hiệu mà mình đang ra rả lợi dụng. Phải biết tội nghiệp nó chứ.”
Trích Ảo tưởng sức mạnh | Chương 3 Không nổi tiếng cũng đâu có sao!