Khoa Học Kỹ Thuật Và Giáo Dục Trung Quốc
Có thể nói, không có đề tài thảo luận nào dễ gây tranh cãi như Trung Quốc, đặc biệt tại Việt Nam hiện nay. Phải thành thật thú nhận rằng, tôi là người hâm mộ Trung Quốc từ đầu đến chân, nhưng có khi cũng phải rà soát lại sự hâm mộ của mình khi có được thông tin mới. Chẳng ai phủ nhận rằng, Trung Quốc là một đất nước vĩ đại về nhiều mặt. Trên nhiều phương diện như: văn hóa, tổ chức chính trị, quản lý kinh tế, kinh doanh thương mại,... Trung Quốc có thể đóng vai trò làm tấm gương soi cho Việt Nam. Soi để học hỏi những điều tích cực và tránh né những sai lầm mà quốc gia khổng lồ này đã phạm phải (Cách mạng Văn hóa là một ví dụ).
Trên bình diện toàn cầu, việc học hỏi nghiên cứu về quốc gia khổng lồ này lúc nào cũng thu hút được sự quan tâm của giới trí thức và truyền thông. Trong quan hệ quốc tế ngày nay, Trung Quốc nghiễm nhiên đóng vai trò quyết định không thua kém gì so với các siêu cường thế giới khác. Trong bộ sách nổi tiếng Thế giới đi về đâu? (NXB. Thế Giới, Hà Nội, 2010), tác giả Grzegorz W. Kolodko đã dành rất nhiều trang giấy cho vai trò của Trung Quốc trong thế giới đương đại. Ông viết: Trung Quốc đã đi theo con đường của Trung Quốc, là con đường đặc biệt đúng đắn nếu nhìn từ góc độ phát triển (tr.316).
Bộ sách Trung Quốc gồm 12 quyển của Nhà xuất bản Truyền bá Ngũ Châu với nhiều hình ảnh minh họa sinh động, đã cung cấp cho người đọc một bức tranh toàn cảnh về Trung Quốc đương đại sau 30 năm cải cách kinh tế. Tất cả các phương diện của kinh tế, văn hóa, xã hội Trung Quốc đều được đề cập đến một cách ngắn gọn, có sức khái quát cao, dễ cho người đọc nắm bắt được những thông tin cơ bản: chế độ chính trị, kinh tế, lịch sử, văn hóa, xã hội, địa lí, pháp luật, ngoại giao, quốc phòng, dân tộc, tôn giáo, khoa học, kỹ thuật, giáo dục, môi trường. Có thể nói đây là bộ bách khoa toàn thư về Trung Quốc hiện đại. Tôi cảm thấy hơi thất vọng khi thấy thiếu những phần bàn về nghệ thuật, điện ảnh, văn học, triết học, ẩm thực, y học, phong thủy, nhưng có lẽ như vậy lại tốt hơn. Nếu những người chủ biên quá ôm đồm, bộ sách chắc chắn sẽ dầy gấp đôi, dễ làm người đọc khiếp đảm. Vả lại, đã có khá nhiều các bộ toàn thư khác liên quan đến văn học và triết học rồi, sự đóng góp của bộ sách sẽ không có điểm nhấn rõ rệt.
Điểm nhấn của bộ sách này, theo tôi, gồm có hai điểm. Điểm thứ nhất là người đọc. Thông qua cách trình bày, chúng ta dễ dàng nhận ra độc giả mục tiêu của bộ sách này là các độc giả phổ thông, ham hiểu biết, nhưng không phải là những chuyên gia về Trung Quốc học. Phương thức trình bày ngắn gọn, giản dị, kèm theo nhiều hình ảnh minh họa, nội dung chuyên sâu hơn một tờ nhật báo, nhưng không nặng nề phân tích như một cuốn sách chuyên khảo. Các doanh nhân bận rộn, các nhà giáo trung học, các sinh viên thuộc chuyên ngành Đông Phương học, Trung Quốc học, Quan hệ Quốc tế, Kinh tế Chính trị, kể cả giới truyền thông báo chí, đều có thể tìm thấy trong bộ sách này những thông tin hữu ích. Điều đáng khen là văn phong tuyên truyền chính trị của lối viết thập niên 60-70 đã được tinh giảm liều lượng khá nhiều, tránh cho người đọc cảm giác khó chịu không cần thiết.
Điểm nhấn thứ hai là nội dung. Chúng ta thấy khá rõ là nội dung xoay quanh các vấn đề hiện đại và đương đại, nhằm giới thiệu một đất nước Trung Quốc hết sức hoành tráng, đang vươn lên tăng trưởng từng ngày, đạt được hết thành tích này đến thành tích khác trong nhiều lĩnh vực đa dạng, đặc biệt là kinh tế, ngoại giao. Sự thành công đầy ấn tượng về kinh tế của Trung Quốc đã khiến Hồ Cẩm Đào từ bỏ đường lối ngoại giao tương đối dè dặt của Đặng Tiểu Bình và đòi hỏi thế giới phải công nhận vai trò lớn hơn của Trung Quốc trong các quyết định chiến lược toàn cầu. Sự vươn lên của Trung Quốc cũng đồng thời báo hiệu vị trí số hai của Nhật Bản trong nền kinh tế thế giới đã kết thúc và ngay cả vị trí siêu cường số một của Mỹ cũng đã lung lay. Đương nhiên con voi Ấn Độ cũng có khả năng trở thành một địch thủ đáng gờm của con rồng Trung Quốc, nhưng ngà