TẠI SAO IM LẶNG KHÔNG LÀM TA VÔ CAN?
Mỗi ngày, chúng ta đều được cung cấp thông tin về các hành vi xấu diễn ra trong xã hội: từ quấy rối tình dục đến nhũng chính trị, từ những vụ việc gây hấn đến bắt nạt học đường... Thật dễ dàng để đổ lỗi cho những kẻ xấu thực hiện các hành động xấu xa đó. Chúng ta tin rằng những việc làm sai trái đó cần bị lên án và loại trừ, nhưng thực tế có mấy ai chịu đứng lên hành động để hiện thực hóa điều đó?
Im lặng không làm ta vô can dựa trên những nghiên cứu mới nhất trong tâm lý học và khoa học thần kinh của tác giả Catherine Sanderson để tìm hiểu một câu hỏi nhức nhối: Tại sao rất nhiều người trong chúng ta không can thiệp khi cần thiết - và điều gì sẽ khiến chúng ta hành động? Mục đích của Catherine Sanderson khi viết cuốn sách này là để giúp mọi người hiểu về các yếu tố tâm lý làm nền tảng cho xu hướng im lặng rất tự nhiên của con người khi đối mặt với hành vi xấu và cho thấy sự im lặng có vai trò quan trọng như thế nào trong việc cho phép hành vi xấu tiếp diễn
Trong nửa đầu cuốn sách, tác giả sẽ mô tả các yếu tố tình huống và yếu tố tâm lý nhất định có thể khiến người tốt tham gia vào hành vi xấu (Chương 1), hoặc thường xuyên hơn là giữ im lặng khi đối mặt với hành vi xấu của người khác (Chương 2 đến Chương 5). Phần tiếp theo sẽ trình bày mức độ tác động của những yếu tố này trong việc ngăn chặn hành động trong những tình huống thực tế, bao gồm bắt nạt ở trường trung học (Chương 6), hành vi tình dục sai trái ở trường đại học (Chương 7), và hành vi phi đạo đức tại nơi làm việc (Chương 8). Cuối cùng, Catherine Sanderson sẽ xem xét những cách thức được một số người áp dụng để tự vệ trước người khác và xem chúng ta có thể học hỏi được gì từ họ (Chương 9). Trong chương cuối, độc giả sẽ được giới thiệu các chiến lược mà tất cả chúng ta có thể sử dụng – bất kể tính cách của mỗi người – nhằm tăng khả năng lên tiếng và hành động khi cần.
Hy vọng rằng, qua việc nhìn sâu vào những nguồn cơn và đưa ra các phương cách thiết thực để chống lại áp lực khi đối diện với hành vi xấu trong cuộc sống, độc giả có thể chống lại bản năng im lặng để lên tiếng và hành động đúng đắn ngay cả khi cảm thấy thật khó khăn. Như Albert Einstein từng nói: “Thế giới này là một môi trường sống nguy hiểm, không phải bởi những kẻ ác mà bởi những người khoanh tay làm ngơ trước cái ác”.
Đoạn trích hay trong IM LẶNG KHÔNG LÀM TA VÔ CAN:
Có lẽ, quan trọng hơn cả là chúng ta lo sợ những hậu quả xảy đến với mình, với công việc và các mối quan hệ xã hội khi đứng lên hành động, nhất là khi việc đó đòi hỏi ta phải chống lại các thành viên trong nhóm xã hội của mình. Nhưng bạn có thể cân bằng những tác động này nếu biết mình cần làm gì. Bởi lẽ như Martin Luther King Jr. đã nói: “Lịch sử sẽ ghi lại rằng bi kịch lớn nhất của giai đoạn chuyển tiếp này không phải là tiếng gào thét chói tai của những kẻ xấu, mà là sự im lặng đến kinh hoàng của những người tốt”.
---
Về cơ bản, khi danh tính của chúng ta được hiển thị rõ ràng với các thành viên khác trong nhóm, chúng ta không muốn bản thân trông như kẻ chẳng ra gì nếu không có phản ứng trước người đang gặp nạn. Chính yếu tố tâm lý này, thứ thường ngăn cản chúng ta hành động trong trường hợp khẩn cấp – không muốn trông như kẻ ngốc khi làm hết mọi việc trong một dự án tập thể hoặc cho quá nhiều tiền boa để bù lại cho người khác – lại có thể khiến chúng ta chủ động giúp đỡ hơn nếu chúng ta tin rằng việc không hành động sẽ khiến hình ảnh của mình trở nên xấu đi.
---
Chúng ta có động lực tích cực học hỏi và tuân theo các tiêu chuẩn của nhóm và có xu hướng lo sợ hậu quả của việc lên tiếng trước hành vi xấu, nhất là khi hành vi đó được duy trì bởi các thành viên trong nhóm xã hội của mình. Điều này khiến chúng ta không thể lên tiếng trong mọi tình huống – khi một bạn học đánh giá cơ thể nữ sinh, khi một người họ hàng sử dụng lời lẽ kỳ thị người đồng tính, hoặc khi một đồng nghiệp buông lời xúc phạm người khác tại một cuộc họp; đồng thời cũng giúp giải thích cho việc các thành viên của các nhóm tôn giáo hoặc chính trị chấp nhận những hành vi mà nhiều người bên ngoài cảm thấy không thể dung thứ được.