Con người càng đau khổ thì càng khát khao hạnh phúc. Hạnh phúc là những cảm nhận huyền diệu từ phía bên kia của khổ đau. Hạnh phúc cũng là cảm nhận chân thật và sâu sắc của tâm hồn trước gánh nặng cuộc đời.
Nhà triết học hiện đại Osho, thiền sư Osho, đạo sư Osho, luận sư Osho, nhà sáng tạo Osho, hay đơn giản là… Osho, đã không ngừng nói cho người nghe cùng thời và người đọc của mọi thời về bản chất của niềm vui sống.
Suốt 35 năm, tư tưởng của ông bay khắp mọi nơi trên thế giới bằng con đường truyền bá của những môn đệ thầm lặng, bất chấp những đánh giá khắt khe và đầy “hoang mang” về tinh thần triết học mãnh liệt của ông.
Tác phẩm Hạnh phúc tại tâm (JOY: The Happiness That Comes from Within) mà bạn đang cầm trên tay cũng là một trong số những tâm tình thánh thiện đó. Osho từng nói sứ mạng của ông là tạo điều kiện cho việc ra đời một thế giới của những con người ưu tú. Ông thường mô tả loài người mới này với tên gọi “Zorba-Phật” – những con người có thể vui sống giữa trần gian mà vẫn an tịnh khoan hòa như Đức Phật vĩ đại.
Sợi chỉ đỏ xuyên suốt tác phẩm của Osho là cái nhìn chứa đựng sự thông thái vĩnh hằng của phương Đông kết hợp với những tiềm năng vô tận từ khoa học công nghệ phương Tây. Những mẩu chuyện hài hước, những ngụ ngôn triết học, những tâm sự đầy trải nghiệm cá nhân, những đúc kết hiền minh… về hạnh phúc chân thật là tất cả những gì mà Osho dành cho người lắng nghe ông. Toàn bộ các chương mục trong cuốn sách này tập trung vào bản chất của đời sống và khả năng hạnh phúc của con người.
Hạnh phúc là trở về với chính mình. Mệnh đề ngắn gọn này có vẻ chỉ đơn giản trong cấu trúc ngữ pháp hoặc chuỗi âm tiết; nó thực sự là một mệnh đề khắc nghiệt nhất trong hành trình sống của mỗi chúng ta. Cuộc trở về này, theo Osho, là sự hồi sinh phần trong trẻo và tự nhiên nhất của năng lượng, là khả năng nhận biết và yêu mến Sự thật. Trong lập luận của Osho, tôn giáo cũng không đủ chỗ cho mệnh đề ấy được sinh sôi. Là một giáo sư triết học, một đạo sư có khuynh hướng dẫn dắt tâm linh, Osho đã tổng hợp và đưa vào những bài thuyết giảng của mình ánh sáng của nhiều tôn giáo như Phật giáo, Thiên Chúa giáo, Jain giáo, Ấn Độ giáo,...
Ông cũng không ngần ngại nói đến nỗi ám ảnh tối tăm của niềm tin không tự chủ của nhiều tín đồ khi trở thành kẻ cuồng tín. Tràn ngập trong mỗi lời nói của Osho là bóng dáng và chiều sâu của các bộ Kinh Phật, Kinh Thánh và suối nguồn tâm linh Ấn Độ. Mẫu hình Zorba - Phật mà Osho đề xướng có thể xem như một “phát kiến” mãnh liệt về nhân cách con người – một kiểu nhân cách hội tụ gần hết phẩm chất của các… giáo chủ như Đức Thích Ca, Đức Chúa Jesus, những hiền nhân phóng khoáng và những tâm hồn thành thật, tự do trước mọi ràng buộc nhàm chán và nhẫn tâm của xã hội. Nhưng cơ chế để tạo thành nhân cách Zorba ấy, theo Osho, lại không phải là con đường “dạy dỗ” đầy áp đặt cùng với những kiến thức luôn có nguy cơ bóp méo khả năng sống tự do bình thản của con người. Trái lại, càng buông xả, càng hồn nhiên, con người càng có điều kiện trở lại chính mình và sống hòa bình với thế giới, yên ổn hài hòa trong nội tâm.
Hạnh phúc trong tập sách này không được định nghĩa, không có lý thuyết. Mỗi câu chuyện Osho kể với chúng ta đều giống như một thứ nước cất được tinh lọc từ một tâm hồn rất đỗi hiền minh, giàu yêu thương và trắc ẩn. Osho đã lên tiếng từ rất sâu trong tâm hồn chúng ta, rằng niềm vui sống sẽ hóa giải tất cả chứ không phải con người phải làm tất cả để có được niềm vui. Khước từ đau khổ cũng không phải là con đường của niềm vui sống. Chịu đựng nó và khóc than cho nó càng không giúp ta có được một tình yêu hài hòa với cuộc đời. Osho khuyến khích chúng ta chăm sóc nỗi đau khổ của bản thân, đối diện với nỗi đau ấy và vượt qua nó.
Thông tin về tác giả:
Tên thật là Chandra Mohan Jain, sinh ngày 11/12/1931, tại bang Madhya Pradesh, Ấn Độ
1951: Học Đại học Hatkirini và sau đó là Đại học Jain tại Jabalpur
21-13-1953: Chứng ngộ
1955: Tốt nghiệp khoa Triết, Đại học Jain và lấy bằng M.A Triết tại Đại học Sagar năm 1957
1958: Giảng dạy triết học tại Đại học Jabalpur và thực hiện những cuộc thuyết giảng trong cộng đồng
1962: Thành lập những trung tâm Thiền đầu tiên ở vùng quê nơi ông sinh sống và nổi tiếng như một người khơi dậy phong trào thiền học “đánh thức sự sống” (Jivan Jagruti Adolan)
1966: Ngừng giảng dạy đại học, dành toàn bộ thời gian cho việc thuyết giảng tâm linh. Lúc này, người ta biết đến ông với tên gọi mới: Acharya Rajneesh
1970: Giới thiệu phương pháp Thiền Năng động, hay còn gọi là Thiền Động, Thiền tích cực (Active Meditation). Chuyển đến Mumbai tháng 12/1970 - 1974: Chuyển từ Mumbai đến Pune, thành lập Trung tâm tu học rộng 24.000 m2 với khoảng 50.000 người theo học
1980: Bị một tín đồ Ấn Độ giáo đâm bị thương. Vết thương không nặng, nhưng sức khỏe ông bị suy giảm
1981: Đến Mỹ chữa bệnh, thành lập một làng tu học rộng 260 km2 tại bang Oregon. Vào thời kỳ cao điểm, có khoảng 200.000 hội viên và 600 trung tâm tu học theo tinh thần của Osho trên toàn thế giới.
1987: Bị trục xuất khỏi Mỹ
1989: Chính thức lấy tên Osho
1990: Mất ngày 19/01/1990 tại thành phố Pune, Ấn Độ.