Mọi doanh nghiệp đều cần đổi mới để tồn tại và phát triển, nhưng tỷ lệ đổi mới thất bại lại quá cao. Gần ba trong số bốn sản phẩm hoặc dịch vụ đổi mới bỏ lỡ các mục tiêu doanh thu và lợi nhuận – hoặc thất bại hoàn toàn. Các công ty đều bắt đầu hành trình phát triển sản phẩm kéo dài và tốn kém với hy vọng họ sẽ kiếm được tiền từ những đổi mới đó, mà không biết liệu họ có thành công không.
Giờ đây, đó chỉ là chuyện của quá khứ.
Cuốn sách này cung cấp 9 quy tắc kiếm tiền từ những đổi mới, được xây dựng dựa trên những bài học mà Simon-Kucher & Partners đã chắt lọc được thông qua việc thực hiện hơn 10.000 dự án thay mặt cho các công ty trên khắp thế giới. Lượng kiến thức khổng lồ này cho phép các tác giả xác định những vấn đề và giải pháp về kiếm tiền từ các sản phẩm mới. Ví dụ, trong khi hầu hết chúng ta tin rằng có nhiều lý do khiến sản phẩm mới thất bại, thì Định giá thông minh, chinh phục người dùng cho thấy rằng các thất bại chủ yếu thuộc 4 nhóm sau: Sốc đặc điểm, Khiêm nhường thái quá, Viên ngọc ẩn và xác sống – mỗi loại đều có thể dễ dàng được ngăn chặn.
Các nghiên cứu điển hình cho thấy một số công ty sáng tạo nhất thế giới như Uber, Porsche, LinkedIn, Dräger, Optimizely và Swarovski đã sử dụng các nguyên tắc được nêu trong cuốn sách này để thành công vượt trội ra sao.
Định giá thông minh, chinh phục người dùng trình bày một cách tiếp cận thực tế có thể được áp dụng bởi bất kỳ tổ chức nào, trong bất kỳ ngành nào. Các công ty phải suy nghĩ lại về các hoạt động đổi mới có chi phí hàng tỷ đô-la. Cuốn sách sẽ chỉ cho bạn cách tìm kiếm những gì khách hàng đánh giá cao và mức giá mà họ sẵn sàng chi trả cho sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn, sau đó thiết kế sản phẩm và dịch vụ ấy xoay quanh giá cả.
Bạn chắc chắn sẽ vô cùng ngạc nhiên trước những gì mình nhận được.
Trích đoạn/ Nhận xét:
Lời giới thiệu cho bản tiếng Việt:
Một cuốn sách gối đầu giường cho giới sáng tạo
Phạm Vũ Tùng- Cựu CMO Piaggio Việt Nam-CMO Creative Nature Group.
Thành viên ban cố vấn CLB Marketing và Truyền thông Việt Nam VMCC.
Piaggio Việt Nam được thành lập từ năm 1995, và sau 10 năm nỗ lực của chúng tôi, tới năm 2005, những chiếc xe Vespa nhập khẩu từ Italy đã trở thành một biểu tượng thời trang và được đông đảo giới trẻ chấp nhận.
Năm 2007, Piaggio quyết định xây dựng nhà máy tại Việt Nam để sản xuất Vespa cùng những chiếc xe Piaggio khác để phục vụ thị trường nội địa. Vào thời điểm đó, tất cả chúng tôi đều băn khoăn sẽ chọn chiếc xe nào với thông số kĩ thuật ra sao để sản xuất tại Việt Nam, không biết khách hàng có chấp nhận chiếc xe mới hay không, hay giá cả chiếc xe có phù hợp với thị trường không.
Sau rất nhiều tranh cãi, chúng tôi quyết định triển khai một dự án nghiên cứu thị trường tổng quát ở cả phía Bắc và phía Nam. Dự án này chỉ ra rằng điều quan trọng không phải là chúng tôi muốn giới thiệu chiếc xe nào mà là khách hàng muốn chiếc xe nào và khả năng chi trả của họ ra sao. Nghiên cứu thị trường cũng cho thấy người tiêu dùng muốn một chiếc xe Vespa có yên thấp hơn chiếc xe nhập khẩu, động cơ êm hơn, ít tốn xăng hơn, và đặc biệt chiếc xe phải có chân chống cạnh, bởi chiếc xe nhập khẩu chỉ có chân chống giữa và nếu muốn có chân chống cạnh, bạn phải trả thêm tiền. Chúng tôi từng dự định bán chiếc xe Vespa sản xuất tại Việt Nam với giá khoảng hơn 60 triệu đồng nhưng nhưng nghiên cứu thị trường chỉ ra người tiêu dùng sẵn sàng trả từ 68-74 triệu cho một chiếc Vespa nội địa. Nếu ấn định giá bán ở khoảng hơn 60 triệu đồng, chúng tôi đã không thể tối đa hóa lợi nhuận của công ty so với khả năng chi trả của khách hàng.
Kết quả là chúng tôi tung ra thị trường một chiếc Vespa với yên thấp hơn phiên bản nhập khẩu, chân chống cạnh tiêu chuẩn với giá khởi điểm từ 66 triệu đồng. Do chưa thể thay thế ngay động cơ, chúng tôi đã bắt tay vào nghiên cứu thế hệ động cơ mới chỉ với 3 van, êm hơn, ít tốn xăng hơn. Điều này đã mang lại thắng lợi rực rỡ cho Piaggio trong năm đầu tiên sản xuất tại Việt Nam, tổng cộng đã có tới 72 ngàn chiếc Vespa được sản xuất và bán ra trong năm đó. Chúng tôi đã không phải băn khoăn về việc liệu khách hàng có chấp nhận sản phẩm hay giá thành của nó không.
Từ xưa đến nay, nói đến phát triển sản phẩm mới, có một thông lệ là các đội ngũ nghiên cứu phát triển sản phẩm thường miệt mài theo sát sản phẩm từ công đoạn ý tưởng đến khi hoàn thiện, trong khi đó đội ngũ tài chính và kinh doanh gần như đứng ngoài cuộc. Điều này dẫn tới việc sản phẩm mới tách biệt hoàn toàn với nhu cầu và khả năng chi trả của khách hàng, vì thế công ty cũng không thể tối đa hóa lợi nhuận một cách hợp lý. Thông qua việc triển khai 10 nghìn dự án tư vấn cho những công ty từ khởi nghiệp đến các công ty Fortune 500, Madhavan Ramanujam, chuyên gia huyền thoại về kiếm tiền từ đổi mới đã đúc kết 9 quy tắc kiếm tiền trong cuốn sách Định giá thông minh, chinh phục người dùng mà bạn đang cần trên tay. Một cuốn sách không thể thiếu với những nhà hoạch định và phát triển sản phẩm mới.
Một cuốn sách tưởng như chỉ nói về giá nhưng lại có rất nhiều phần nói về sản phẩm, sự đổi mới và sáng tạo sản phẩm, tưởng như nói rất nhiều về sản phẩm nhưng thực ra lại nói về sự thật ngầm hiểu của khách hàng, những mong muốn thầm kín của khách hàng và việc thỏa mãn các nhu cầu thiết thực của khách hàng.
Đó cũng là sự thực chất giúp sản phẩm, thương hiệu có cơ hội thể hiện sự xuất sắc của họ nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Nhưng tất cả đều phải được bao gói một cách khéo léo trong một mức giá hợp lý mà khách hàng sẵn sàng chi trả.
Cuốn sách này cũng nói về sự phân khúc khách hàng tiềm năng nhưng là phân khúc theo khả năng chi trả - một khái niệm hết sức thực tế. Nó đồng thời cũng đề cập đến nhiều vấn đề về văn hóa công ty, về khả năng sáng tạo, về quản trị và các quy trình.
Ngoài ra, cuốn sách cũng cung cấp các biện pháp cụ thể giúp các tổ chức tìm hiểu và phát hiện chính xác nhu cầu và sự sẵn sàng chi trả của khách hàng thông qua phỏng vấn và nghiên cứu thị trường, các phương pháp nghiên cứu thị trường cụ thể cùng tiêu chí đánh giá. Kèm với đó là việc phân khúc thị trường sao cho hợp lý xuất phát từ nhu cầu của khách hàng và thiện chí chi trả của họ đối với sản phẩm dịch vụ chứ không phải là các phân khúc thị trường thông thường như dựa theo quy mô, nhân khẩu học mức thu nhập, v.v... Điều quan trọng là việc phân khúc thị trường phải được thực hiện ngay trong giai đoạn đầu tiên của việc nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới.
Một điểm rất hay của cuốn sách đó là ở cuối mỗi chương đều có mục Các câu hỏi CEO cần đặt ra, giúp người quản lý của doanh nghiệp có được cái nhìn tổng thể về các vấn đề nêu ra cùng những việc cần phải ghi nhớ tổ chức và thực hiện – những việc đều hết sức hữu dụng trong điều kiện thực tế ở Việt Nam.
Một cuốn sách gần gũi với thực tế thị trường Việt Nam và hữu dụng không chỉ với đội ngũ nghiên cứu, phát triển sản phẩm mà còn cả với các chuyên gia tài chính, cả với các công ty/hãng cung cấp dịch vụ và đặc biệt hữu dụng với các CEO trong việc quản trị sản phẩm, giá cả và quản lý công tác phục vụ khách hàng.
Nhận xét của độc giả uy tín:
“Madhavan Ramanujam được coi là huyền thoại về chiến lược kiếm tiền từ đổi mới hệt như cái cách Bob Marley được coi là ông hoàng của dòng nhạc reggae.” - Bill Gurley, cổ đông của Uber kiêm thành viên hợp danh tại Benmark