Đi Qua Vừng Mặt Trời
“Đi qua Vừng mặt trời” là tác phẩm viết về đề tài chiến tranh tái hiện trận chiến đấu tại một cứ điểm phòng ngự của quân đội Sài gòn trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Một nhóm chiến sĩ đặc công trên đường vào địa điểm tập kết để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ một cây cầu cho quân giải phóng tiến vào Sài Gòn đã bị địch phục kích, bị thương vong, chỉ còn một chiến sĩ và cô gái giao liên tiếp tục thực hiện nhiệm vụ. Lại bị đích phục kích, Văn - người chiến sĩ đặc công bị thương, một mình trên con thuyền lênh đênh trong rừng ngập mặn. Còn Chi, cô giao liên bị địch bắt đem về giam trong đồn đầu cầu. Họ làm thế nào để vượt qua được hoàn cảnh hiểm nghèo chiến thắng bệnh tật, chiến thắng đòn tra khảo của kẻ địch để tồn tại, để sống và để có cơ hội thực hiện nhiệm vụ? Đó là nội dung chính, là điều mà tác giả muốn kể với chúng ta trong cuốn tiểu thuyết “Đi qua vừng mặt trời”.
Bước vào chiến trận, hành trang của Văn là bài thơ Lá Diêu Bông để trong túi áo ngực và một nỗi trăn trở mong hết chiến tranh về gặp lại cô giáo để xin lỗi cô vì những hành động dại khờ của mình. Hành trang ấy của người chiến sĩ thật giản dị, mộc mạc, đơn sơ nhưng đầy tính nhân văn, cao quý. Còn Chi, cô học sinh Sài Gòn ra chiến khu tham gia cách mạng. Gặp Văn nơi chiến trận, hai người đem lòng yêu nhau. Mối tình của họ phát triển qua từng trang tiểu thuyết và là sợi dây xuyên suốt tác phẩm. Họ hứa với nhau phải sống để rồi hết chiến tranh còn về quê Văn đi tìm chiếc lá Diêu Bông...
Những trăn trở ấy đã tạo nên khát vọng sống của người chiến sĩ. Phải sống để còn trở về tri ấn người thày của mình. Phải sống để còn cùng người yêu đi tìm chiếc lá Diêu Bông trên những đồi cây búp xúp vùng Kinh Bắc. Khát vọng sống đã khiến Văn từng giờ từng phút chiến đấu với bệnh tật, với đói khát. Anh ăn cá sống và tìm mọi cách để sinh tồn. Còn Chi, tình yêu đối với Văn ngày càng lớn dần. Càng gian khổ càng nung nấu ý chí và quyết tâm của cô. Hình bóng chiếc Lá Diêu Bông không rời khỏi tâm trí của cô. Quấn quýt trong tình yêu của hai người, chiếc Lá Diêu Bông là một biểu tượng đẹp của tình yêu đầy chất trữ tình của tác phẩm.
Trong tác phẩm, tác giả còn kể cho chúng ta nhiều câu chuyện lạ và thú vị. Như truyền thuyết vị thần rừng ngập mặn mà thực ra là tác giả phác họa chân dung những người đi khai phá vùng đất phương Nam. Để có được nơi định cư, làm ăn sinh sống có khi phải trả giá bằng mạng sống... Ta còn có thể bắt gặp nhiều huyền thoại mang hơi hướng “liêu trai chí dị” trong tác phẩm. Tỉ như cơn gió cuốn bay bài thơ trong rừng ngập mặn; Cơn gió cuốn bay các bức tranh Lá Diêu Bông đưa đường cho Chi tìm ra Văn nơi bùn lầy. Rồi cơn mưa bất chợt của Sài Gòn đã gột sạch bùn đất trên mặt Văn khiến anh tỉnh lại sau trận chiến... Các chi tiết ấy hấp dẫn chúng ta bởi sự kì bí nhưng tất cả đều phục vụ cho sự phát triển của câu chuyện. Đồng thời chúng tạo nên cảm giác như vận nước đã mở ra đem đến sự sum họp cho dân tộc.
Góp phần vào chiến thắng còn có những người dân cơ sở của cách mạng như ông Tám, bà Ba. Còn có ông cháu đi lấy mật ong trong rừng ngập mặn. Còn có con Luốc, chú cho yêu quý của mọi người...
Bên cạnh đó tác phẩm còn phản ánh các mối quan hệ xã hội phức tạp của cuộc chiến. Có khi những người thân trong gia đình lại ở hai phía đối lập nhau. Cái chết của viên trung úy Thanh, của viên thiếu úy Đồn trưởng Đây được tác giả xây dựng như là một tất yếu của lịch sử, báo hiệu sự sụp đổ của chế độ Sài Gòn vào năm 1975.
Cái kết của cuốn tiểu thuyết này là cảnh Văn đưa Chi ra cánh đồng có những vạt hoa cải vàng vạch từng bụi cây, khóm lá tìm kiếm chiếc Lá Diêu Bông... Phải, con người ta sau những vật lộn, tranh đấu thì rồi cuối cùng cũng tìm về cội nguồn của mình, tìm về quê hương bản quán để được sống trong lòng dân tộc. Đó chính là thông điệp mà tác giả muốn gửi tới bạn đọc.
Với một giọng văn khúc chiết, mạch lạc, các hình tượng nghệ thuật được xây dựng công phu, góc cạnh, cuốn sách có giá trị nghệ thuật cao sẽ làm phong phú thêm tủ sách của các bạn./.