Con trẻ phải đối mặt với rất nhiều sự việc khi tới trường. Thực tế, cha mẹ nào cũng đã từng trải qua nhưng những ký ức về thời thơ ấu đã phai đi qua năm tháng. Cha mẹ sẽ được nhìn lại những khó khăn của con trẻ qua cả lăng kính của con, của giáo viên và chính bản thân để hiểu thêm về cuộc sống ở trường học, nơi con trẻ bắt đầu những bước đầu đời. Nói là khó khăn hay gian khổ thì hơi quá nhưng xã hội càng phát triển, trẻ em càng phải đối mặt với nhiều sự phức tạp và tổn thương. Từ những câu chuyện, lời khuyên và ví dụ thực tế, cha mẹ có thể dìu dắt và dạy dỗ con, cùng con trải qua thời thơ ấu hạnh phúc. Thêm vào đó, cha mẹ có thể hiểu về cuộc sống riêng và ở trường của giáo viên. Cha mẹ sẽ có cách tiếp cận ứng xử phù hợp với giáo viên trong nhiều tình huống để giúp nhà trường cũng như gia đình đạt hiệu quả cao nhất trong việc nuôi dạy trẻ thành công.
Một số đoạn trích hay trong sách:
Đường đời của mỗi người đều không thể một mạch thuận buồm xuôi gió, sẽ có lúc gặp trắc trở, cũng khó tránh khỏi ấm ức hoặc tổn thương. Chính những tôi luyện nhỏ bé này khiến con trẻ dần dần khôn lớn, trưởng thành. Vì vậy, khi con bị hiểu nhầm, vu oan, gặp chuyện bất công, hãy nói với con rằng: chúng ta không thể khống chế cảnh ngộ, nhưng chúng ta có thể khống chế tâm thái của mình. Chúng ta không thể thay đổi người khác, nhưng chúng ta có thể thay đổi bản thân mình. Chúng ta không thể thay đổi sự việc đã xảy ra, nhưng chúng ta có thể học cách xem nhẹ mọi chuyện, mỉm cười bỏ qua… Đôi khi, cách hành xử “vu oan” hoặc “bất công” của giáo viên quả thực khiến trẻ ấm ức khó chịu, nhưng xét theo một góc độ khác, cũng là một bài học tâm lý đặc biệt dành cho trẻ. Kỳ thực, chỉ cần cha mẹ thật sự buông bỏ mọi lo lắng, phiền muộn trong lòng, thử thoải mái đối diện với cuộc sống, thoải mái đối diện với việc giáo dục của con, bạn sẽ phát hiện ra không có quá nhiều “phiền não” cần người khác giúp đỡ như vậy. Muốn nhẹ nhàng thoải mái làm cha mẹ, trước tiên bạn cần ý thức được rằng trên thế gian này không có cha mẹ hoàn mỹ, vì vậy đừng yêu cầu con cái của mình phải hoàn mỹ, càng không nên đòi hỏi quá cao rằng mỗi giáo viên của con đều phải hoàn mỹ. Đối với bản thân, đối với con, đối với giáo viên, đối với nhà trường, “đủ tốt” chính là trông mong hợp lý nhất. Khi bạn buông bỏ chấp niệm “hoàn mỹ”, rất nhiều vấn đề liên quan tới con, liên quan tới giáo dục đều có thể dễ dàng giải quyết.
Về tác giả:
Tiêu Tuyết Lệ là Chuyên gia giáo dục, nhà văn thiếu nhi, nhà xuất bản. Cô là giáo viên dạy tiểu học, tiên phong trẻ xuất sắc giành "Giải vàng lớp quan sát trường Tiểu học Quốc gia". Hiện nay, cô tập trung vào nghiên cứu giáo dục gia đình và khuyến khích đọc sách cho trẻ em. Cô được ca ngợi như “Người mang tâm tư”. Bộ truyện "Để trẻ hạnh phúc đến trường" đã giành giải "Gia sư xuất sắc nhất" và là cuốn sách bán chạy nhất về lĩnh vực này năm 2013. Ngoài ra, Tiêu Tuyết Lệ đã xuất bản một số tựa sách nổi tiếng như:
* Giọt lệ bay (được giới thiệu là 100 cuốn sách phải đọc cho học sinh cấp 2).
* Tác phẩm "Trả lại tôi tự do" giành "Giải thưởng xuất sắc về thể loại phim thanh xuân" của báo Văn nghệ thiếu niên.
* Tác phẩm "Sóng gió thiệp mừng" được bình chọn là tác phẩm xuất sắc nhân dịp kỷ niệm 20 năm ngày thành lập giải thưởng "Story King".