Giới thiệu bộ sách Thiên đường không tuổi gồm: Anh Chi yêu dấu (Đinh Tiến Luyện), Tình yêu có màu gì (Từ Kế Tường), Cạn chén tình (Mường Mán), Ở một nơi ai cũng quen nhau (Hoàng Ngọc Tuấn), Đâu phải cái gì cũng mong manh (Đoàn Thạch Biền), Tuổi ngọc ngày chưa xưa (Nguyễn Thị Minh Ngọc).
Trước năm 1975 sách báo dành cho lứa tuổi học trò chỉ đếm trên đầu ngón tay. Về báo có: Thiếu nhi, Ngàn thông, Tuổi ngọc. Do nhu cầu của thị trường không chỉ đòi hỏi về báo, nên song song với việc ra báo những người thực hiện tờNgàn thông đã chủ trương mở thêm tủ sách Tuổi hoa gồm ba loại: Hoa xanh, Hoa tím vàHoa đỏ.Những người làm tờ báo Tuổi ngọc chủ trương ra tủ sách Tuổi ngọc. Nhà xuất bản Đời Mới có tủ sách Trăm hoa dành cho lứa tuổi mới lớn, và tủ sách Tay ngà dành cho lứa tuổi thiếu nhi.
Sách báo dành cho lứa tuổi học trò ngày đó in với số lượng lớn, bán rất chạy tạo thành một dòng văn học riêng, quy tụ rất nhiều nhà văn tham gia viết sách, cộng tác với các tờ báo, và tủ sách dành cho lứa tuổi học trò. Bên cạnh những nhà văn tên tuổi khác, viết không chuyên cho lứa tuổi học trò, lúc đó đã hình thành một số nhà văn trẻ viết chuyên cho lứa tuổi này như: Từ Kế Tường, Mường Mán, Hoàng Ngọc Tuấn, Đinh Tiến Luyện, Đoàn Thạch Biền, Nguyễn Thị Minh Ngọc. Họ là sáu cái tên có mặt thường xuyên trên tờ tuần báo Tuổi ngọc và là tác giả của những đầu sách dành cho lứa tuổi học trò tạo thành hiện tượng của dòng văn học “tươi xanh”, được gọi bằng một cái tên quen thuộc là “Tuổi của những tháng năm đẹp nhất đời người”.
Sau năm 1975, trừ Đinh Tiến Luyện định cư nước ngoài, Hoàng Ngọc Tuấn mất, còn lại bốn nhà văn: Từ Kế Tường, Mường Mán, Đoàn Thạch Biền, Nguyễn Thị Minh Ngọc đều hoạt động trên lĩnh vực báo chí, xuất bản, phim ảnh, sân khấu... tiếp tục có những tác phẩm dành cho lứa tuổi học trò.
Tủ sách “Thiên đườngkhông tuổi”do Nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh ấn hành đã tạo cơ hội cho các cây bút Tuổi ngọc ngày xưa cùng hội ngộ bên nhau. Tủ sách tập hợp tác phẩm chọn lọc của sáu nhà văn: Anh Chi yêu dấu (Đinh Tiến Luyện), Tình yêu có màu gì (Từ Kế Tường), Cạn chén tình (Mường Mán), Ở một nơi ai cũng quen nhau (Hoàng Ngọc Tuấn), Đâu phải cái gì cũng mong manh (Đoàn Thạch Biền), Tuổi ngọc ngày chưa xưa (Nguyễn Thị Minh Ngọc).
Vì sao là “Thiên đường không tuổi”? Bởi lẽ đời người chỉ có một, nhưng trải qua nhiều giai đoạn, tuổi nhỏ, mới lớn, trưởng thành, ra đời, trung niên và chạm ngưỡng tuổi già sống với hoài niệm. Ai cũng sẽ có lúc náo nức để trở về với những tháng năm đẹp nhất đời người, đó là vùng trời kỷ niệm, là “Thiên đường không tuổi”.
Chủ đề tình yêu là chủ đề muôn thuở cho cả đời người, cho nhiều lứa tuổi và nhiều thế hệ, đặc biệt là lứa tuổi mới lớn và đang trưởng thành. Sáu nhà văn chuyên viết cho lứa tuổi vừa tuyệt đẹp, vừa không kém phần rắc rối, phức tạp này với mỗi người mỗi vẻ, mỗi giọng văn riêng đã định hình thương hiệu, sẽ đề cập, giải quyết câu chuyện tình yêu muôn thuở cho nhiều lứa tuổi, nhiều thế hệ từ ngày xưa, vẫn chưa xưa và hôm nay ra sao?
Bài toán quá khó, lời giải đáp không hề đơn giản. Và chỉ có một cách trả lời: Hãy đọc kỹ sáu tác phẩm của sáu tác giả, đích thực là sáu câu chuyện tình và câu trả lời thường ở trang cuối cùng.
TỪ KẾ TƯỜNG
Đâu phải cái gì cũng mong manh
Thư gửi bạn đọc
Bạn thân mến,
Từ năm 1974 đến năm 2016, tôi đã được các Nhà xuất bản in 8 tập truyện ngắn: Ví dụ ta yêu nhau, Bất ngờ phía trái tim, Phượng yêu, Đừng đốt cháy bông hồng, Tôi thương mà em đâu có hay, Tôi hay mà em đâu có thương, Mây bay trong đầu, Chao. Vì lười biếng, mỗi khi sách được các Nhà xuất bản tái bản, tôi đều ghi “Tái bản có bổ sung”, có nghĩa là “bổ sung” thêm vài truyện mới viết, thay vì in hẳn một tập truyện ngắn mới viết.
Nhân dịp Nhà xuất bản Văn hóa – Văn nghệ có nhã ý tái bản một tập truyện của tôi, cùng với các bạn viết “một thời Tuổi Ngọc”, tôi nghĩ mình không thể lười biếng đưa nguyên một tập truyện đã in, mà phải siêng năng đọc lại 8 tập truyện đã in, để chọn lựa 17 truyện in thành tập Đâu phải cái gì cũng mong manh.
Tại sao chỉ chọn 17 truyện? Tôi xin phép dài dòng thưa rằng: Khởi đầu ước mơ văn chương của tôi là viết kịch. Kịch viết ra không ai diễn, báo cũng không đăng kịch, tôi bắt buộc phải chuyển qua viết truyện để kiếm sống. Năm 1973, truyện ngắn đầu tiên của tôi với bút danh Nguyễn Thanh Trịnh được chọn đăng báo Tuổi Ngọc – báo của tuổi ô mai. Bây giờ gọi là tuổi mới lớn hay tuổi teen.
Tôi bị ám ảnh câu tục ngữ “Con gái mười bảy bẻ gãy sừng trâu”, nên các nhân vật nữ của tôi thường ở vào lứa tuổi khỏe mạnh một cách khó hiểu đó. Trong khi tôi mười bảy chỉ đủ sức bẻ gãy một cây tăm, chia cho nàng một nửa để nàng tự xỉa răng (vì tôi không có can đảm xỉa răng cọp… con). Tôi ước mơ (tôi luôn luôn sống với ước mơ có lẽ vì “ngấm” ca khúc I have a dream của ABBA): Tập truyện này cũng như cô gái mười bảy tuổi, khỏe mạnh một cách khó hiểu để “bẻ gãy” được khóa túi tiền mua sách của bạn. 17 truyện trong tập cũng sẽ giúp bạn đi du lịch 17 tỉnh, thành của đất nước và thưởng thức những món ăn đặc sản của mỗi nơi. Bạn sẽ được no mắt và no bụng nếu bạn giàu trí tưởng tượng.
Để “làm mới” những truyện cũ (như phim remake), dưới mỗi truyện tôi viết thêm phần Tái bút (P/S).Không phải tôi muốn kéo dài truyện ngắn đã viết, mà tôi chỉ muốn bạn hiểu thêm chuyện bên lề khi tôi viết truyện đó. Biết đâu chuyện bên lề lại thú vị hơn chính truyện! Sau cùng, bạn không cần phải mua 8 tập truyện đã in của tôi tốn nhiều tiền, bạn chỉ mua một cuốnĐâu phải cái gì cũng mong manh, đọc xong bạn sẽ biết hết những gì tôi đã viết. Bạn sẽ tiết kiệm được một khoản tiền để uống cà phê hay mua hoa tặng người yêu. Mặc dù sự tiết kiệm của bạn đã làm tôi rất đau lòng, nhưng tôi sẽ bắt chước nhà thơ da màu người Mỹ Langston Hughes: “Lạy Chúa!
Để ngăn mình khỏi khóc, con há miệng cười!”
Xin cảm ơn Nhà xuất bản Văn hóa – Văn nghệ và tất cả bạn đọc.
Sài Gòn, tháng 9/2018
ĐOÀN THẠCH BIỀN
Trích Trái tim bằng gỗ thông
Vì có cuộc họp quan trọng với các hãng nước mắm ở Phan Thiết, tôi phải theo ông Giám đốc đi làm biên bản mất ba ngày. Buổi tối về đến nhà, bác lao công trao cho tôi hai lá thư.
Một lá thư cho biết, tôi đã được nhận làm thư ký cho một hãng buôn ở Sài Gòn, nếu muốn làm tôi phải về Sài Gòn nhận việc gấp. Tôi phân vân không biết quyết định thế nào. Ở Phan Rí được sáu tháng, tôi đã mến người dân ở đây. Họ rất chân thật và sẵn lòng giúp đỡ người lạ. Mảnh đất này tuy nhỏ bé, nhưng rất hậu đãi những người phương xa đến lập nghiệp. Nắng ở đây có làm da tôi đen sậm, nhưng không khí trong lành của vùng biển đã giúp tôi khỏe mạnh hơn xưa. Tôi cũng bắt đầu ghiền mùi nước mắm, một mùi hương khó quên như hương tóc người tình đã xa, nhưng tôi vẫn nhớ rõ ràng vào những đêm mưa. Ở Sài Gòn dĩ nhiên vui vẻ hơn, bạn bè đông hơn và có nhiều cơ hội tiến thân hơn, nhưng tôi chưa muốn xa cô bé. Tình yêu tôi đã bắt hụt nhiều lần vì với cao quá, lần này nó đang nằm trong tầm tay tôi, không lẽ tôi lại bỏ mất dịp may này?
Lá thư thứ hai của cô bé gửi đến sáng nay. Em cho biết trường em đã nghỉ hè, gia đình em mới mở một đại lý bán nước mắm ở Đà Lạt, em sẽ theo má lên trên đó buôn bán và xin chuyển lên học ở trường trung học Bùi Thị Xuân. Em đã đến tìm tôi hai lần, nhưng không gặp và sáng mai em phải đi sớm một mình, vì má em đã đi trước.
Em viết: “Thôi ông khỏi tiễn đưa làm gì cho mất công. Thiên hạ biết cười chết. Em muốn chúng ta chia tay âm thầm. Nếu gặp ông ở bến xe, em sẽ không viết thư cho ông nữa và khi nào có dịp về Phan Rí thăm ba, em cũng không thèm ghé thăm ông”.
Tờ mờ sáng hôm sau, tôi đã có mặt tại bến xe. Trời hơi lạnh vì đêm qua mưa suốt đêm, tôi co ro đứng núp trong bóng tối một hiên nhà mong nhìn thấy cô bé một lần nữa, trước khi chia tay. Khoảng 5 giờ, tôi thấy em một mình mang xách tay đi ra từ một con hẻm nhỏ. Em đến mua vé ở quầy bán vé rồi bước lên xe ngồi ở một ghế gần cửa. Thây kệ thiên hạ cười, thây kệ những lời em dặn trong thư, tôi chạy vội đến gặp em. Cô bé nói:
- Ông không nghe lời em hả. Được rồi, em sẽ làm đúng theo những gì em đã viết trong thư.
Tôi đưa mắt nhìn em chẳng biết nói gì. Tôi luôn luôn chẳng biết nói gì vào những dịp chia tay. Mãi đến khi xe rồ máy chạy, tôi không ngăn được đưa tay nắm chặt bàn tay nhỏ bé của em bỏ ra ngoài cửa xe. Cô bé nói như sắp khóc:
- Ông là một con mọt…
Chúa ơi! Một người bảnh bao như tôi lại có hình dáng như con mọt sao? Cô bé bị loạn thị chăng?
- Ông là một con mọt kinh khủng, đã ăn ruỗng trái tim bằng gỗ thông của em!
(Phan Rí, 1973)