Đạo Giáo
Đây là lần đầu tiên các bài viết về Đạo giáo của học giả Trần Trọng Kim được tập hợp và xuất bản thành sách, mặc dù đã xuất hiện trên Nam Phong tạp chí năm 1923, đăng bốn kỳ không liên tục. Nay chúng tôi tập hợp và in thành sách vì nhận thấy giá trị của các bài khảo cứu này.
Sách viết về Đạo giáo, nếu tính luôn cả những bản dịch Đạo đức kinh là sách triết lý cơ bản của nó, thì trong vòng 60-70 năm nay đã có khá nhiều, của một số tác giả như Ngô Tất Tố, Nghiêm Toản, Nguyễn Duy Cần, Nguyễn Hiến Lê…, nhưng phần nhiều chỉ tập trung cho phần triết lý cơ bản theo học thuyết Lão Tử, về vũ trụ quan và nhân sinh quan, liên quan những lý lẽ cao sâu của đạo và đời, như về bản chất-sự cấu tạo-luật tuần hoàn của vũ trụ, về chủ nghĩa vô vi, và từ đó xác định lối sống, phép xử thế, phép dưỡng sinh… cho phù hợp.
Cuốn Đạo giáo (Đạo Lão Tử) của Trần Trọng Kim trái lại có đặc điểm khác hơn hẳn. Đó là tính bao quát toàn diện của nó, mặc dù chỉ trong một khuôn khổ tương đối giới hạn, vì tác giả không chỉ trình bày một cách gọn gàng dễ hiểu học thuyết cao siêu của Lão Tử chứa đựng trong khoảng 5.000 chữ của bộ Đạo đức kinh (nội dung của phần I), mà còn tóm thuật được tư tưởng của các nhà thừa kế xuất sắc tiêu biểu nhất của phái Đạo gia như Liệt Tử, Trang Tử (nội dung của phần II)…, và đặc biệt hơn cả là còn cho biết tương đối đầy đủ những biến thể suy đồi của Đạo giáo đời sau dưới hình thức đạo thần tiên/tu tiên chủ yếu nhắm vào mục đích trường sinh bất lão của giới đạo sĩ từ thời Tần Hán trở đi (nội dung của phần III và IV), kể cả những ảnh hưởng xấu của nó đến đời sống thực tế của dân gian người Việt chúng ta.
Đạo giáo của Trần Trọng Kim, mặc dù đã được viết ra từ gần một thế kỷ, đến nay vẫn chưa mất tính thời sự của nó, và việc xuất bản sách lần này chắc chắn sẽ mang lại nhiều tác dụng bổ ích, đặc biệt trong điều kiện các hiện tượng đồng bóng, cầu cúng, mê tín dị đoan… tại nước ta đang có chiều hướng ngày một gia tăng.
Đây là tài liệu hữu ích để tìm hiểu về Đạo giáo, vốn từ lâu được coi như một trong ba yếu tố (tam giáo: Nho, Phật, Đạo) quan trọng góp phần hình thành nên diện mạo của nền văn hóa Việt.
Với lần xuất bản này, cuốn sách đã được biên tập công phu kỹ lưỡng, bằng cách thêm vào những đoạn chú thích từ ngữ ở cuối trang, giúp các bạn trẻ chưa quen với một số từ ngữ cũ có thể vượt qua trở ngại để đọc hiểu dễ dàng.
+ĐÁNH GIÁ/NHẬN XÉT CHUYÊN GIA:
“Có thể nói, với phong cách viết gọn gàng dễ hiểu, bằng lời văn đặc trưng ôn hòa, bình đạm mà sáng sủa, kết hợp trình bày sự kiện với diễn giảng và bình luận, với một nền tảng kiến thức sâu rộng bao quát đông tây kim cổ, Trần Trọng Kim qua cuốn Đạo giáo này đã cung cấp cho chúng ta một bản lược đồ khá tuyệt hảo và lý thú về Đạo giáo và lịch sử Đạo giáo Trung Quốc, bao gồm cả những khía cạnh tích cực và tiêu cực của nó tác động lên đời sống thực tế của một số dân tộc ở Viễn Đông.”
– Trần Văn Chánh
+TRÍCH ĐOẠN HAY:
“Đạo giáo vốn có cái ảnh hưởng rất to trong cõi Viễn Đông này. Từ những cái tư tưởng cao kỳ rộng rãi, cho đến những điều tín ngưỡng thô thiển, và các mối mê tín rất đê hạ ở chỗ dân gian, đều là phần nhiều ở trong Đạo giáo mà sinh ra. Một cái đạo mà lúc mới khởi phát ra thì thật là cao, mà rồi càng ngày càng sà thấp xuống, đến nỗi biến đổi ra những sự tin tưởng rất kỳ quặc, như là phái thần tiên chỉ chủ lấy sự trường sinh bất lão. Sự ấy dẫu không bao giờ thấy thành công hiệu, nhưng mà thiên hạ cứ sùng bái rồi mê đắm vào những cái thuật huyền ảo của những bọn đạo sĩ giả dối, cốt để đánh lừa người ta mà làm cái mối lợi riêng cho mình. Tự vua quan cho chí dân sự không mấy người là không mắc lừa, mà vẫn cứ tin dùng. Đạo ấy lại liên hợp với những cái học thuật mập mờ viển vông như cái học âm dương ngũ hành để gây nên những điều mê tín thật là hại cho sự mở mang.”
“Phải làm thế nào mà bỏ bớt được sự tin bậy tin nhảm và lại giữ được những điều hay của mình, để gây nên một mối học thuật có ích lợi cho sự tư tưởng, sự tín ngưỡng và sự tiến hóa của người mình? Cái vấn đề ấy nay còn bỏ trống, để dành cho những học giả mai sau này, ai là người lưu tâm đến cái vận mệnh tương lai của chủng loại mình thì phải cố sức mà giải quyết cho ra vậy.”
– Trần Trọng Kim