"Chuyện Thực Tập" là cuốn nhật ký thực tập của cô sinh viên năm hai tại một công ty dược phẩm. Câu chuyện được Đặng Huỳnh Mai Anh kể với giọng văn hóm hỉnh, mộc mạc kèm những nét vẽ minh họa ngộ nghĩnh, đậm chất Mai Anh thời còn là cô sinh viên năm hai tại Đại học Ngoại Thương.
Cuốn nhật ký ghi lại những câu chuyện dung dị, với rất nhiều tình tiết "dở khóc dở cười" nơi công sở, những khó khăn mà tác giả đã gặp phải và cách cô tự tìm ra phương hướng trong quãng thời gian ngắn ngủi là thực tập sinh. Tất cả những điều này, nếu Mai Anh không viết ra thì sẽ chẳng có ai hướng dẫn, đào tạo hay có mặt trong bất cứ một giáo trình nào trên giảng đường Đại học.
Thông qua Chuyện Thực Tập, những quan sát, bài học và kiến thức mà Mai Anh chia sẻ sẽ giúp các bạn đang và sẽ đi thực tập sẽ có thêm nhiều kinh nghiệm quý báu, có một cái nhìn thực tế hơn về việc đi thực tập tại một công ty. Bạn đọc đã đi qua quãng đời thú vị này cũng sẽ bắt gặp lại hình ảnh của chính mình, trong những ngày đầu chập chững từ nhà trường đến công ty qua hình ảnh của cô thực tập sinh Mai Anh.
Lời tác giả
Tôi ít khi nào chịu được cảm giác đọc lại những gì mình viết. Tất cả những cuốn sách tôi từng viết, lần cuối cùng tôi đọc là khi duyệt bản thảo. Chắc chắn không phải vì chán do phải sửa lỗi chính tả nhiều quá, cũng chẳng vì một nỗi sợ đặc biệt nào, chỉ là, dù không muốn nhưng cứ nửa năm tôi lại sống một cuộc đời mới. Điều này khiến tôi tự thấy chóng mặt trước những đổi thay trong câu chuyện mình đã kể.
Tôi viết Chuyện thực tập khi học năm hai đại học, xuất bản vào năm ba, tiền kiếm được đã giúp tôi đóng lệ phí đi thi IELTS vào năm tư. Ngày ấy, ngoài việc lưu lại cho chính mình, tôi còn có mong muốn thầm kín rằng: Cuốn sách không chỉ dành cho các bạn trẻ chuẩn bị thực tập (non nớt và sợ sệt như tôi thời điểm đó), mà còn cho những người đã qua giai đoạn thực tập rất nhiều năm. Tôi mong họ vẫn thấy thích khi nó gợi nhắc họ về những ký ức công sở đầu tiên, về những giá trị chân chất, giản đơn từng gắn liền với họ. Dù sau bao năm đó, hẳn có vài điều ít nhiều phai nhạt.
Tám năm trôi qua, tôi đã có những thực tập sinh của mình, trở thành đối tượng mà tôi của năm 20 - khi viết cuốn sách này, muốn thuyết phục. Trước ngày tái bản, tôi đã làm một chuyện hiếm khi làm, đọc lại những gì mình viết, đọc lại Chuyện thực tập.
Đọc lại Chuyện thực tập, cho phép tôi nhìn vào chính tôi - một thực tập sinh loanh quanh giữa những dãy bàn làm việc, loay hoay bên chiếc máy photocopy - nguyên vẹn như là cái “tôi” đó đã dừng lại mãi ở năm 20, sống mãi bằng sự ngây ngô đó trong từng dòng nhật ký. Có lẽ nhờ vậy mà cái “tôi” của bây giờ bao dung hơn trước những vụng về, thiếu sót, và trìu mến hơn trước sự hồn nhiên. Tôi sẽ đánh giá cao một bạn thực tập sinh hết mình học hỏi, để tâm tới công việc, và muốn vươn đến những chuẩn mực cao hơn.
Đọc lại Chuyện thực tập, tôi cũng gặp lại một người viết trẻ, non xanh và hồn nhiên. Giờ đã viết nhiều hơn và trải nghiệm nhiều hơn, nhìn vào cái “tôi” người kể chuyện chập chững ấy, tôi thấy xúc động và cảm thông.
Có người băn khoăn Chuyện thực tập có nên tái bản? Nó có còn hợp với thời đại này không khi sau tám năm, các bạn trẻ đã nhạy bén hơn, được trang bị kỹ lưỡng hơn? Với tôi, Chuyện thực tập chưa bao giờ là cuốn sách hướng dẫn kỹ năng, hay hướng nghiệp vào đời. Nó cũng không chia sẻ bí quyết đi thực tập. Chuyện thực tập kể một câu chuyện, của một người trẻ. Tình tiết và bối cảnh ngày ấy chỉ giúp khắc họa những giá trị tôi tin tưởng, những giá trị không lỗi thời. Ngay cả khi đã sống một cuộc đời khác, đã đọc lại cuốn sách đó bằng sự khắt khe của chính người viết ra nó, may thay, tôi vẫn yêu mến nó. Mong bạn cũng vậy.
Thông tin tác giả
Đặng Huỳnh Mai Anh, 1992 - Đại sứ môi trường toàn cầu năm 2012. Đại diện của Việt Nam tham gia Hội nghị thượng đỉnh thanh niên thế giới tại Anh.
Giám đốc Give2give - Dự án đào tạo tiếng Anh cho các tình nguyện viên công tác xã hội do Chính phủ Mỹ cấp vốn.
Một trong những bạn trẻ Việt Nam đầu tiền tham gia chương trình Sáng kiến Thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á - Young Southeast Asian Leaders Initiative (YSEALI) do chính phủ Mỹ tài trợ - hoạt động thường niên được Tổng thống Barack Obama khởi xướng.
Tốt nghiệp thủ khoa cả hai chương trình đào tạo Thạc sĩ: Chương trình Chính sách kinh tế tại Trường ĐH Westminster, London (Học bổng toàn phần của nhà trường) và chương trình Kinh tế học tại Toulouse School of Economics (Học bổng Eiffel của chính phủ Pháp).
Sau khi kết thúc chương trình thực tập, Đặng Huỳnh Mai Anh hoàn thành việc học tại Đại học Ngoại thương rồi tốt nghiệp thủ khoa cả hai chương trình đào tạo Thạc sĩ là Chương trình Chính sách kinh tế tại Trường ĐH Westminster, London (Học bổng toàn phần của nhà trường) và chương trình Kinh tế học tại Toulouse School of Economics (Học bổng Eiffel của chính phủ Pháp).
Công việc hiện tại: Nhà khoa học dữ liệu (Data Scientist).