Chậm Lại 5 Phút Để Quản Trị Hạnh Phúc
Với thế mạnh của tác giả – một nhà báo kỳ cựu – “Chậm lại 5 phút” đã khắc họa một cách hấp dẫn, chân thực và gần gũi chân dung các gia đình đổ vỡ, những ông bố bà mẹ bó tay trước việc dạy con, những phương pháp sống khỏe mạnh, an vui.
Từ rất nhiều câu chuyện có thật mà Bùi Hải tiếp xúc thực tế, tác giả giúp người đọc tự suy ngẫm rút ra bài học và tìm ra các “công thức quan trọng” để quản trị hạnh phúc, quản trị gia đình, nuôi dạy con cái, quản trị sức khỏe.
Một trong những thế mạnh rõ nét của “Chậm lại 5 phút” là những câu chuyện mang đến sự cảnh tỉnh sâu sắc, khiến người đọc giật mình về nhận thức, lối sống của bố mẹ và phương pháp dạy con sai lầm.
Lời tâm sự của một đứa con lớp 4 dưới đây đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về cách thái độ trọng bố khinh mẹ trong gia đình: “Con mong bố luôn mạnh khỏe vì bố là người kiếm tiền nuôi cả gia đình. Thiếu bố, gia đình mình sẽ không có gì ăn, không có tiền đóng học phí. Mẹ không kiếm được tiền, vì thế nếu mẹ có bỏ đi, gia đình mình vẫn sống tốt” (Bùi Hải, “Chậm lại 5 phút”, 2024, NXB Dân Trí, trang 10).
Đọc đoạn đối thoại dưới đây của hai mẹ con, người ta sẽ giật mình nhận ra cách giáo dục áp đặt và lạc hậu không thể giúp con mình thành công:
“- Thưa nhà báo Bùi Hải, em mắng con “Đừng có mà trứng khôn hơn vịt”. Con em nó đáp lại: “Chưa biết ai là trứng, ai là vịt đâu mẹ ạ!”
– Em thử chậm lại một chút đi. Hồi con còn bé thì em là vịt, nó là trứng, điều này không sai. Nhưng bây giờ, em mới là trứng, còn con em là vịt. Vì sao vậy? Về công nghệ thông tin, con em có giỏi hơn em không? Có đúng không! Thế thì nó là vịt, em là trứng. Tiếng Anh nó giỏi hơn em không? Có à, thế thì nó là vịt, em là trứng. Quẳng em ra nước ngoài một mình em có khóc không? Quẳng con em ra nước ngoài thì anh đảm bảo nó sống tốt. Thế thì nó là vịt, em là trứng. Nó biết chơi piano, biết bơi và còn chạy marathon được 21km. Em chẳng biết bơi, biết đàn, biết chạy, thế thì nó là vịt, em là trứng. Nó nói đúng đấy”. (Bùi Hải, “Chậm lại 5 phút”, 2024, NXB Dân Trí, trang 103)
Trong xã hội nhiều áp lực hiện nay, tổ ấm ngày càng mong manh. Những lời cảnh tỉnh sâu sắc về hôn nhân, giúp các cặp vợ chồng tránh được những rạn vỡ không đáng có. Ví dụ, lời cảnh báo dành cho những phụ nữ quá đảm đang, tưởng vô lý, nhưng lại rất hợp lý: “Chúng ta thử quan sát thì sẽ thấy rất rõ: Ở gia đình nào mà người vợ người mẹ “đảm đang không đúng cách”, chắc chắn sẽ tạo ra những ông chồng lười nhác, thiếu trách nhiệm, sẽ tạo ra những đứa con vừa gia trưởng, vừa thiếu trách nhiệm nhưng lại vừa rất ngờ ngệch trong cuộc sống” (Bùi Hải, “Chậm lại 5 phút”, 2024, NXB Dân Trí, trang 124).
Bên cạnh những bài viết nghiêm ngắn, “Chậm lại 5 phút” còn có cách đặt vấn đề hóm hỉnh giúp người đọc cải thiện chất lượng hôn nhân. “Nhiều người nghĩ rằng, sợ vợ, nể vợ thì khác gì đánh mất uy thế của mình. Liệu có phải như vậy không? Chí Phèo ch/ử/i cả làng Vũ Đại. Chí chẳng sợ ai. Ngay cả một người quyền thế và thâm hiểm như Bá Kiến, Chí chỉ e sợ lúc đầu, còn về sau trực tiếp ra tay k/ết l/iễu Bá Kiến. Nhưng người rách giời rơi xuống như Chí lại mềm nhũn trước một phụ nữ xấu m/a chê q/uỷ hờn như Thị Nở”. (Bùi Hải, “Chậm lại 5 phút”, 2024, NXB Dân Trí, trang 113).
Không chỉ dừng lại ở những phân tích tâm lý, cách chia sẻ kinh nghiệm sống, tác giả còn lồng ghép cách tư duy Phật pháp để cảnh tỉnh sâu sắc người đọc về nhân quả, giúp họ có phương pháp hóa giải thật sâu phiền não, đau khổ: “Thật may mắn là con tôi và nhiều đứa trẻ con bạn bè tôi ít nhiều tin vào phật pháp. Vì bước đầu hiểu về nhân quả, nên các cháu không nói bậy dù bạn bè cùng trang lứa hầu như đều nói bậy. Chúng sợ khẩu nghiệp. Các cháu không ăn trộm ăn cắp tiền của bố mẹ hay đồ của người khác, vì sợ phạm nghiệp trộm cắp. Các cháu sợ nghiệp bất hiếu, nên dù đôi lúc có bất đồng, có bực bội bố mẹ cũng không dám hỗn hào, vô lễ. Các cháu sợ tổn phước nên không tiêu xài hoang phí, không làm điều bất thiện”. (Bùi Hải, “Chậm lại 5 phút”, 2024, NXB Dân Trí, trang 219)
Đây chính là những lý do quan trọng và khác biệt khiến chuỗi Podcast “Chậm lại 5 phút” có lượng xem rất lớn, thậm chí có clip đạt gần 10 triệu views và nhận được hàng chục ngàn lời cảm ơn.
Cuốn sách dày hơn 200 trang, chia ba phần: Phần 1: Gia tài con cái; Phần 2: Quản trị tổ ấm; Phần 3: Nghệ thuật sống chậm, không chỉ giúp người đọc sống bình an trong hiện tại, mà giữ vững tổ ấm trong tương lai.