Shalof bắt đầu nghề y tá bằng sự tự ti và nỗi sợ hãi. Nhưng Shalof không bao giờ bỏ cuộc và những đồng nghiệp của cô luôn ủng hộ cô. Họ tiếp xúc với rất nhiều bệnh nhân khác nhau: Những bệnh nhân đang ở giai đoạn cuối, những người hiến tạng và những người nhận các bộ phận đó, những bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm mới. Công việc thường xuyên buộc cô phải đối mặt với những thách thức và vấn đề mới: vợ chưa cưới của một người bị tai nạn mô tô muốn giữ lại mẫu tinh dịch của anh, một y tá muốn gội đầu cho một bệnh nhân, một người chắc chắn sẽ không thể sống được đến ngày hôm sau, một gia đình giàu có tranh chấp tài sản của ông bố ngay cả khi ông sắp ra đi.
Shalof đã học được cách ứng xử với các bệnh nhân và cả gia đình họ. Để làm tốt điều này, cô không những cần đến sự hiểu biết về chuyên môn mà còn phải trưởng thành trong cuộc sống. Được sự giúp đỡ của đồng nghiệp, Shalof đã chế ngự được bản thân để có thể phục vụ bệnh nhân với tất cả tình yêu thương.
Trong cuốn sách hài hước mà đượm buồn, thú vị mà sâu sắc này, Shalof đã tiết lộ cho người đọc thấy thế giới đằng sau những tấm rèm cửa luôn đóng kín của bệnh viện. Những giây phút yếu đuối của con người, tình bằng hữu đáng kinh ngạc… tất cả đều được thể hiện đầy sống động.
“….Cuồi cùng họ đã đưa được Andrea trở lại cuộc sống. Trong khi đó, tôi đến phòng thuốc để chuẩn bị ống truyền một loại thuốc mới có tác dụng rất mạnh gọi là amiodarone, chúng tôi sẽ dùng loại thuốc này để làm ổn định nhịp tim vẫn còn đang đập bất thường của Andrea. Để chuẩn bị loại thuốc đó, tôi mất khá nhiều thời gian. Sáu chiếc lọ thuỷ tinh được xếp dọc trên máy đếm và tôi đang vất vả cạy để mở chúng ra – tôi đã bị chiếc lọ đầu tiên cứa vào tay để lại một vết cắt trên ngón tay.
“Để đấy một lát đã”, Frances nói. “Cậu có muốn biết việc đầu tiên phải làm trong một ca tim ngừng đập không? Hãy hít thở thật sâu. Rồi bắt mạch. Ý mình là, của chính cậu ấy. Sau đó mới bắt mạch bệnh nhân. Hãy làm tất cả mọi việc thật từ từ. Đừng gấp gáp trong bất cứ điều gì. Đừng để bất cứ ai hay bất cứ điều gì thúc ép mình. Không bao giờ”. Cô quay trở lại phòng của Andrea. “À, tiện thể, có mẹo để mở những chiếc lọ này. Để mình chỉ cho cậu xem. Chúng sẽ bung ra chỉ với một sức ép rất nhẹ thôi. Cậu không thể bẻ chúng ra nếu cậu ấn quá mạnh.”
Thoải mái, không căng thẳng. Nhẹ, không nặng. Chậm, không gấp gáp. Thả lỏng, không vội vã. Làm sao tôi học được tất cả những điều này đây?
Ngày hôm đó, tim Andrea lại ngừng đập một lần nữa và lần này thì cô đã không vượt qua được, đó là cách mà Frances đã nhẹ nhàng thông báo cho chồng cô biết. Anh ta đã biết điều đó, nhưng vẫn cần một ai đó nói với anh. Anh gục vào tay Frances đủ rộng và mạnh mẽ cho rất nhiều nỗi đau và tôi biết rằng có thể ôm được nỗi đau của anh ta, và cả của tôi nữa trong khi bản thân cô vẫn giữ được bình tĩnh.
Cái chết của Andrea tác động đến rất nhiều y tá, những người cùng chia sẻ cảm xúc với một con người còn quá trẻ, vừa mới cưới cuộc sống của cô còn biết bao nhiêu mơ ước, hứa hẹn. Một vài y ta qua phòng để chia buồn cùng gia đình nạn nhân, hay nhìn cơ thể đáng yêu nằm trên giường kia lần cuối, cơ thể cô vẫn còn đang gắn với những thứ máy móc giờ đã trở nên im lìm, vô dụng, ngắt khỏi nguồn điện, những màn hình đã đen ngòm, trống rỗng. Một vài người thậm chí còn khóc, và tôi nhận thấy rằng những giọt nước mắt đó đã khiến gia đình cô cảm động. Có thể họ biết rằng các y tá không phải lúc nào cũng có thể khóc vì những bệnh nhân của mình, vì thế khi họ khóc, gia đình thực sự biết ơn vì nỗi đau của họ được chia sẻ…”