Bước Đường Cùng
“Chị Pha nói để trút nỗi uất trong lòng:
- Giá ông nghị như người ta, thì làng này được nhờ khối. Làm gì ông ấy chẳng công đức cho làng được cái trường, cái đường, cái giếng.
Dự nghiến răng:
- Nói làm gì đến thằng ăn cướp ấy, nó chỉ mong cho ta ngu, và cứ cố ghìm cho ta ngu lâu để nó bóc lột dễ dãi. Lắm lúc thấy nó chướng mắt, tôi cứ muốn cho nó một nhát dao.
Vợ chồng Pha giật mình. Dự lại nói:
- Chúng mình phải coi nó là kẻ thù chung.
Vì khát khao sự học, Pha lắc đầu, chữa:
- Ông ấy chưa phải là kẻ thù. Vì nếu suy kỹ ra, thì còn nhiều cái đáng thù hơn. Nhưng xét cho đến gốc, thì do ở mình dốt nát.
Dự cãi:
- Nếu ở nông thôn không có thằng nhà giàu nó bóc lột đến nỗi dân cày chúng ta không còn cái khố mà đeo, thì đâu đến nỗi làng ta tiều tụy, dân ta dốt nát. Vậy, kẻ thù của chúng ta là cái nghèo.
Chị Pha đương têm trầu, nhăn mặt kêu:
- Ừ, thì cả cái dốt lẫn cái nghèo. Ghê gớm! Nói sốt cả ruột!”
“Làng Việt Nam vốn quanh năm bình tĩnh, hồi trống ấy lại luôn luôn làm huyên náo ầm ĩ cho người ta sợ thêm, trong khi người ta đang sợ thuế. Người ta sợ thuế, vì người ta lo không biết lấy đâu ra được tiền. Để dành gạo ăn đến hôm sau cũng khó, huống chi một món tiền vài đồng bạc để nộp công sưu. Người ta sợ thêm, vì nghĩ đến nỗi khủng bố mọi năm của tiếng quát tháo, chửi rủa, của sự đánh đập, hình phạt, nghĩ đến những hơi thở dài ngầm vụng của đàn bà con trẻ trong xó tối, nghĩ đến những tiếng khóc rên rỉ của người thiếu thuế ở góc đình.”
“Ba người ngồi. Ông chánh hội trật khăn, cởi áo dài và cuộn cả lại để xuống chiếu, gối đùi lên trên. Ông lý há ngoác mồm ra ngáp, gãi đùi sồn sột, phàn nàn:
- Cay cả mắt! Đã bảo thôi lại cứ tống cho mình hút mãi, thành ra ngứa cả đêm không ngủ được.
Ông chánh hội đang sắp mở sổ, cũng dừng tay lại để gãi:
- Hễ cứ nói đến gãi là tôi lại thấy ngứa. Năm sáu hôm nay bận quá, không lúc nào rỗi mà tắm cả.
Nói đoạn, ông vê ghét, quệt xuống sàn và ngắm nhìn cái áo, cái quần của ông, nó đã đổi sang màu vàng nhạt và dày cộp vì ghét và mồ hôi.”
“Vợ chồng Pha nhịn đói không được, đành phải ra sau nhà, bẻ buồng chuối xanh, bán rẻ, để mua gạo nấu cháo.Nhưng cũng chỉ được một bữa. Bữa sau, anh phải bán cái phản đi, lấy hai hào. Rồi áo quần, bát đĩa, cứ dần dần theonhau đi ra ngoài để chuộc về cho chủ một ít gạo. Nhưng rồi quanh mình anh không có gì bán được cả. Một lần, anh đã đưa mắt nhìn đến thằng bé con và suy nghĩ.Nhưng nó gầy gò, bẩn thỉu quá, có đem bán cũng chưa chắc có người mua. Giá nó lên năm lên bảy, có sức hầu hạ, thì người ta còn sai vặt được. Đằng này, con anh mới được ngót hai tháng, lại xanh xao vàng vọt, lúc nào cũng như cái mồi sẵn sàng của thần chết, thì người phúc đức đến đâu cũng không dám nuôi.”
“Anh nhớ mãi lúc chị tắt thở, thì chân tay co rúm như con vật bị thui. Thấy giường nằm của vợ mọi khi, bây giờ vắng tanh, anh ôm con vào lòng, nức lên khóc. Nghĩ đến cảnh gà trống nuôi con, anh đau đớn lắm. Anh thương vợ đã nhịn đói khát mấy hôm cuối cùng. Nhưng, chợt nghĩ đến sự nhẹ nợ của người chết, anh lại buồn cho thân thế anh. Cảnh anh đã túng lại thêm bấn. Giá không có đứa con mà anh có bổn phận phải nuôi, anh có thể liều, hành động phi pháp để theo mệnh lệnh của thần Đói. Anh có thể ăn cướp, ăn trộm, dù có bị tù tội chăng nữa, anh cũng không còn phải để liên lụy cho ai.
Mà vào tù, dù có mất tự do, nhưng anh không phải lo cơm ăn, áo mặc. Bây giờ cơm không có, áo không có, anh cần tự do để làm gì.”