Nhắc đến bác Nguyễn Nhật Ánh, người ta không chỉ nghĩ đến một nhà văn xuất sắc mà còn là “người kể chuyện tuổi thơ” của biết bao thế hệ độc giả Việt Nam. Từ những câu chuyện giản dị, ông đã dựng nên cả một thế giới ngọt ngào, hồn nhiên nhưng đầy ý nghĩa. Những tác phẩm của ông không chỉ ghi dấu ấn trong lòng người đọc mà còn trở thành “người bạn đồng hành” của bao nhiêu thế hệ trưởng thành.
Một số tác phẩm để đời của Nguyễn Nhật Ánh
Hạ Đỏ
Cậu bé thành phố tên Chương được mẹ cho về quê ở với dì để nâng cao sức khỏe. Trong những ngày này, cùng ăn cùng ngủ cùng chơi với cậu là 2 người em họ – Nhạn và Dế. Cũng tình cờ mà Chương quen Thơm – bà la sát của xóm nhưng thật ra lại là một cô bé xinh xắn, hay tò mò và luôn thích chơi cùng Chương.
Những trận đánh nhau với tụi xóm Miễu, những ngày học võ với anh Thoảng, Chương đã gặp được mối tình đầu của mình đó là Út Thêm. Yêu Út, thương Út nhưng lại không thể nói. Truyện kết thúc với nỗi đau buồn của Chương và Thơm. Chương buồn vì Út, Thơm buồn vì Chương. Tình đầu – thật lãng mạn mà cũng thật xót xa.
Đọc Hạ đỏ sẽ thấy mùa hạ đi qua thật lặng lẽ nhưng cũng thật hoành tráng. Vào mùa “Hạ đỏ” chính là lúc chàng trai thấy mình gói ghém những hồn nhiên ngây thơ lại trong một mùa hè, từ giã những trò đấm đá, để gieo vào tâm hồn mình những xúc cảm rung động, để dành trọn cõi lòng cho một đứa con gái.
Đi Qua Hoa Cúc
Đi qua hoa cúc là câu chuyện của một cậu bé tên Trường thầm thương trộm nhớ bạn của dì. Sau thời gian ở gần, Trường đã có tình cảm với chị Ngà. Từ một cậu bé hiếu động, ham chơi cậu đã từ bỏ bắn chim sẻ, hái trộm trái cây, câu cá, cậu bắt đầu yêu hoa cúc như tình yêu cậu dành cho chị Ngà, cậu thích những chiều ngồi cạnh chị Ngà ngắm hoa cúc.
Rồi một ngày anh Điền xuất hiện và họ yêu nhau trong sự bất lực của Trường. Điểm nhấn của câu chuyện còn có tình bạn đáng yêu của Trường và anh em Chửng, cả ba bày biết nhau nhiêu trò hờn dỗi, quậy phá, đánh nhau. Rồi những tình huống éo le, số phận nghiệt ngã đã khiến chị Ngà tìm đến cái chết. Để trốn tránh những kỉ niệm buồn đau, Trường theo một ông chú vào Nam, nói lời tạm biệt với quê hương, với tuổi thơ cùng hai đứa bạn. Và cuối cùng là một kết thúc mở khi tác giả để ngỏ khả năng rằng chị Ngà vẫn còn sống.
Bồ Câu Không Đưa Thư
Bồ Câu Không Đưa Thư xoay quanh câu chuyện tình cảm tuổi học trò đầy hài hước và cảm động. Câu chuyện bắt đầu khi Thục, một cô gái trong bộ ba bạn thân gồm Xuyến, Thục và Cúc Hương, phát hiện một lá thư làm quen trong ngăn bàn của mình. Lá thư này được viết bởi một chàng trai bí ẩn tên là Phong Khê, khiến cả ba cô gái tò mò và quyết định tham gia vào trò chơi tìm kiếm danh tính của người viết thư.
Khi cuộc truy tìm danh tính của Phong Khê diễn ra, các nhân vật trải qua nhiều tình huống dở khóc dở cười và những hiểu lầm thú vị. Phán củi, một cậu bạn xấu xí và vụng về trong lớp, được giao nhiệm vụ làm quân sư và giúp sáng tác thơ để đáp lại thư của Phong Khê. Qua những lá thư và những câu thơ ngộ nghĩnh, mối quan hệ giữa các nhân vật trở nên phức tạp hơn, dẫn đến nhiều tình huống bất ngờ.
Tác phẩm không chỉ mang lại tiếng cười mà còn khắc họa chân thực tâm tư và cảm xúc của tuổi học trò, với những mộng mơ, ngây thơ và cả những nỗi lo lắng trước ngưỡng cửa trưởng thành. “Bồ Câu Không Đưa Thư” là một câu chuyện dễ thương, thể hiện sự hồn nhiên và đáng yêu của tình bạn cũng như tình yêu đầu đời, khiến độc giả không khỏi hoài niệm về những kỷ niệm đẹp đẽ của thời học sinh.
Phòng Trọ Ba Người
Phòng trọ ba người là nơi dành cho ba chàng sinh viên Chuyên, Nhiệm, và Mẫn sinh sống, là nơi họ giúp đỡ nhau trong việc học hành, những trò chơi mà cả 3 cùng nghĩ ra. Chia sẻ cả những buồn vui trong đời sống tình cảm. Mẫn, chàng trai nhút nhát vốn quan niệm tình yêu là thứ tình cảm xa xỉ, đến lúc phải dựng lên vở kịch tình yêu với sự trợ sức của Thu Thảo, cô học trò tinh nghịch của anh.
Trò chơi tưởng chỉ để góp vào không khí sôi động của căn gác trọ ấy, không ngờ đã thực sự cuốn hút chàng trai chuyên “dị ứng với phụ nữ” ấy. Khi buộc lòng phải chấm dứt với trò chơi, cũng là lúc Mẫn cảm thấy buông khuâng như phải chia tay với tình cảm thực sự.
Có Hai Con Mèo Ngồi Bên Cửa Sổ
Có Hai Con Mèo Ngồi Bên Cửa Sổ ra mắt độc giả Việt Nam vào năm 2012. Truyện kể về chuyện tình của thi sĩ mèo Gấu với nàng mèo Áo Hoa. Cùng với đó là tình bạn cảm động giữa mèo Gấu và chuột Tí Hon. Tất cả mối quan hệ này được kể bằng mạch truyện hồn nhiên, trong sáng đúng chất của thể loại đồng thoại.
Cuốn sách với nội dung hơn 200 trang, có 67 hình vẽ minh họa sinh động, ngộ nghĩnh của họa sĩ Đỗ Hoàng Tường xen kẽ những bài thơ tình lãng mạn. Có hai con mèo ngồi bên cửa sổ viết về tình yêu nhưng người lớn có thể hoàn toàn yên tâm để trẻ con thưởng thức. Tình yêu của mèo Gấu, như câu kết của tác giả, là tình yêu “luôn tỏa ra thứ ánh sáng lóng lánh mà với nó bất cứ ai cũng có thể tạo nên phép màu cho thế giới này”.
Hoa Hồng Xứ Khác
Hoa Hồng Xứ Khác là một tác phẩm nổi bật của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh phát hành vào năm 1991. Cuốn sách kể về câu chuyện của bốn chàng trai cùng theo đuổi một cô gái xinh đẹp đến từ Hội An, tên là Gia Khanh. Tác phẩm không chỉ đơn thuần là một câu chuyện tình yêu mà còn phản ánh những tình huống hài hước và cảm động của lứa tuổi học trò.
Câu chuyện xoay quanh nhân vật Khoa, một chàng trai từ quê lên thành phố học cấp ba. Khoa có một quá khứ không mấy tốt đẹp với con gái, nhưng khi gặp Gia Khanh, anh đã phải lòng cô ngay từ cái nhìn đầu tiên. Bên cạnh Khoa còn có những người bạn như Hòa “lé”, Ngữ, và Bá, mỗi người đều có cách tiếp cận và tình cảm riêng dành cho Gia Khanh. Cuộc chiến giành lấy trái tim của cô gái xinh đẹp này diễn ra đầy hài hước và thú vị, với nhiều tình huống dở khóc dở cười.
Mắt Biếc
Câu chuyện xoay quanh nhân vật Ngạn, một chàng trai sinh ra và lớn lên ở làng Đo Đo. Ngạn có tình cảm thầm lặng với Hà Lan, cô bạn hàng xóm xinh đẹp và có đôi mắt tuyệt đẹp. Tuổi thơ của họ gắn bó với nhiều kỷ niệm đẹp, nhưng khi lớn lên, cả hai phải rời quê hương để tiếp tục việc học. Trong khi Ngạn luôn hướng về quê hương và tình yêu dành cho Hà Lan, thì Hà Lan lại bị cuốn vào cuộc sống xa hoa nơi đô thị và ngã vào vòng tay của Dũng, một thanh niên giàu có.
Mối quan hệ giữa Hà Lan và Dũng diễn ra đầy rắc rối, dẫn đến việc Hà Lan mang thai nhưng bị Dũng ruồng bỏ. Cô đành gửi con gái tên Trà Long về cho bà ngoại chăm sóc và từ đó cuộc sống của Ngạn và Trà Long bắt đầu gắn bó. Ngạn hết lòng yêu thương và chăm sóc cho Trà Long, nhưng anh cũng nhận ra rằng Trà Long chỉ là cái bóng của Hà Lan trong lòng mình.
Với những tác phẩm để đời đồ sộ của mình, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã, đang và sẽ luôn là người đưa độc giả trở về với những ngày tháng đẹp nhất của cuộc đời.
Ghé blog Fahasa để xem thêm nhiều nội dung hấp dẫn khác nhé!