Ngày 30/4 và 1/5 là hai ngày lễ lớn tại Việt Nam, được người dân cả nước mong đợi mỗi năm. Đây không chỉ là dịp để nghỉ ngơi, du lịch mà còn là thời điểm để chúng ta cùng nhau ôn lại những sự kiện lịch sử quan trọng và tri ân những người đã đóng góp cho đất nước. Vậy 30/4 – 1/5 có ý nghĩa gì? Lịch nghỉ lễ trong năm nay ra sao? Hãy cùng Fahasa tìm hiểu chi tiết qua bài viết dưới đây.
30/4 – 1/5 là ngày gì?
Ngày 30/4 và 1/5 là hai ngày lễ lớn tại Việt Nam, mang ý nghĩa lịch sử và xã hội sâu sắc:
- Ngày 30/4: Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975), đánh dấu sự kiện quân và dân ta hoàn toàn giải phóng miền Nam, kết thúc chiến tranh, thống nhất đất nước.
- Ngày 1/5: Ngày Quốc tế Lao động, là ngày tôn vinh giai cấp công nhân và phong trào đấu tranh vì quyền lợi của người lao động trên toàn thế giới.
Nguồn gốc và ý nghĩa ngày 30/4 – 1/5
1. Nguồn gốc và ý nghĩa ngày 30/4
Ngày 30/4 là một dấu mốc quan trọng trong lịch sử dân tộc, ghi dấu chiến thắng vĩ đại của Quân đội Nhân dân Việt Nam và Quân Giải phóng miền Nam khi tiến vào Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước và chính thức khép lại cuộc chiến tranh kéo dài suốt nhiều thập kỷ.
Mỗi năm vào ngày này, hình ảnh chiếc xe tăng húc đổ cổng Dinh Độc Lập vào trưa ngày 30/4/1975 lại được nhắc nhớ, khắc sâu trong tâm trí mỗi người dân Việt Nam. Đó là thời khắc lịch sử đánh dấu sự sụp đổ của chính quyền Việt Nam Cộng hòa, khi Tổng thống Dương Văn Minh cùng Thủ tướng Vũ Văn Mẫu tuyên bố đầu hàng vô điều kiện trước Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Cũng từ đây, để tôn vinh công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Sài Gòn được đổi tên thành Thành phố Hồ Chí Minh.
Ngày 30/4 không chỉ là ngày lễ lớn của toàn dân mà còn mang ý nghĩa lịch sử sâu sắc, khẳng định sức mạnh đoàn kết, tinh thần kiên cường bất khuất của dân tộc Việt Nam trong suốt hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước. Đây cũng là dịp để thế hệ hôm nay bày tỏ lòng tri ân đối với những người đã hy sinh vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc, nhắc nhở con cháu về giá trị của hòa bình và sự phát triển hôm nay.
Không chỉ giải phóng dân tộc khỏi ách đô hộ kéo dài hơn một thế kỷ, chiến thắng 30/4 còn trở thành nguồn cảm hứng mạnh mẽ, tiếp thêm động lực cho phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc trên toàn thế giới, góp phần làm thay đổi cục diện lịch sử nhân loại.
2. Nguồn gốc và ý nghĩa ngày 1/5
Ngày 1/5 là ngày lễ quốc tế tôn vinh tầng lớp nhân dân lao động, bắt nguồn từ những cuộc đấu tranh kiên cường của công nhân trong thời kỳ phát triển mạnh mẽ của các nước tư bản chủ nghĩa vào nửa cuối thế kỷ 19. Khi nền sản xuất công nghiệp bùng nổ, giới chủ tư bản đã gia tăng bóc lột, áp đặt điều kiện làm việc khắc nghiệt lên công nhân, khiến đời sống của họ vô cùng khó khăn.
Với khát vọng về quyền lợi chính đáng, đặc biệt là yêu cầu làm việc tối đa 8 giờ/ngày, vào ngày 1/5/1886, phần lớn công nhân trên khắp nước Mỹ đã đồng loạt bãi công. Tuy nhiên, phong trào này đã bị đàn áp tàn bạo bằng các biện pháp như sa thải, trấn áp bằng vũ lực, thậm chí gây ra sự kiện thảm sát Haymarket đẫm máu tại Chicago. Dù phải đối mặt với những mất mát lớn lao, nhưng sự kiên trì đấu tranh của công nhân cuối cùng đã mang lại thành quả, khi những quyền lợi mà họ yêu cầu được chấp thuận, mở ra một trang mới trong lịch sử phong trào công nhân quốc tế.
Nhằm ghi nhớ và tôn vinh cuộc đấu tranh ấy, Quốc tế Cộng sản II đã chính thức lấy ngày 1/5 làm ngày kỷ niệm, biểu dương tinh thần đoàn kết và ý chí đấu tranh của giai cấp vô sản toàn cầu.
Tại Việt Nam, ngày 1/5 không chỉ là ngày tôn vinh giai cấp công nhân mà còn gắn liền với phong trào đấu tranh chống thực dân, đế quốc, khẳng định tinh thần kiên cường của dân tộc trong hành trình giành lại độc lập, tự do và các quyền lợi về kinh tế – xã hội. Ngày Quốc tế Lao động 1/5 cũng là dịp để cả nước biểu dương những đóng góp to lớn của người lao động, đồng thời khơi dậy động lực làm việc, sản xuất, phát huy tinh thần đoàn kết cách mạng không chỉ trong nước mà còn với bạn bè quốc tế, hướng tới một xã hội công bằng, dân chủ và tiến bộ.
30/4 – 1/5 năm 2025 được nghỉ mấy ngày?
Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài 9 ngày, người lao động sẽ tiếp tục có các kỳ nghỉ lễ quan trọng trong năm.
Đối với dịp lễ 30/4 – 1/5, người dân trên cả nước sẽ được nghỉ liên tục 5 ngày, từ thứ Tư (30/4) đến hết Chủ Nhật (4/5). Để đảm bảo thời gian làm việc, người lao động sẽ đi làm bù vào thứ Bảy, ngày 26/4. Đối với các cơ quan, đơn vị không áp dụng lịch nghỉ cố định vào thứ Bảy và Chủ Nhật, việc sắp xếp thời gian nghỉ lễ sẽ do từng đơn vị tự điều chỉnh theo kế hoạch hoạt động của mình. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng khuyến khích doanh nghiệp tạo điều kiện cho người lao động nghỉ theo lịch trên.
Trong một số trường hợp, do nhu cầu công việc, doanh nghiệp có thể yêu cầu người lao động làm việc vào ngày lễ, Tết. Tuy nhiên, theo Điều 107 Bộ luật Lao động 2019, người lao động chỉ phải làm việc vào những ngày này nếu họ đồng ý. Khi đó, mức lương làm thêm giờ sẽ được tính theo quy định tại Điều 98 Bộ luật Lao động 2019. Cụ thể, làm việc vào ban ngày của Tết Nguyên đán sẽ được hưởng 300% lương ngày thường, còn làm việc vào ban đêm của ngày lễ, Tết sẽ được tính 390% lương.
Với lịch nghỉ lễ kéo dài, đây sẽ là dịp để người lao động có thời gian nghỉ ngơi, thư giãn bên gia đình hoặc lên kế hoạch cho những chuyến du lịch, tái tạo năng lượng trước khi quay trở lại công việc.
Lời kết
Dịp lễ 30/4 – 1/5 không chỉ là thời gian nghỉ ngơi, du lịch mà còn mang ý nghĩa sâu sắc trong lịch sử và đời sống xã hội. Đây là cơ hội để chúng ta tưởng nhớ những sự kiện quan trọng, tri ân những người đã cống hiến cho đất nước và tôn vinh tinh thần lao động.
Ghé blog Fahasa để xem thêm nhiều nội dung hấp dẫn khác!