Từ ngày 24 tháng 8 năm 2023, Nhật Bản bắt đầu xả nước thải hạt nhân đã qua xử lý từ nhà máy Fukushima Daiichi ra Thái Bình Dương, bất chấp mọi lời chỉ trích của các nước láng giềng. Đáp lại, Trung Quốc ngay lập tức cấm nhập khẩu thủy sản từ Nhật.
Ngày 26 tháng 8 năm 2023, bản dịch tiếng Việt tác phẩm Hiến đăng sứ của Tawada Yoko do Nguyễn Đỗ An Nhiên và Nguyễn Ái Tiên dịch (NXB Phụ nữ xuất bản với sự tài trợ của Quỹ Nhật) đã được ra mắt tại Đường sách thành phố Hồ Chí Minh. Một sự trùng hợp hoàn toàn tình cờ, nhưng đem lại nhiều suy ngẫm thú vị, nếu kể đến cảm hứng ra đời của tiểu thuyết ngắn Hiến đăng sứ có liên quan rất nhiều tới thảm họa Fukushima hồi năm 2011.
Quãng 15 năm vừa qua, văn học Nhật cổ điển và đương đại liên tục được dịch thẳng trực tiếp từ tiếng Nhật, được xuất bản và phát hành rộng rãi ở Việt Nam, chứ không phải thông qua một ngoại ngữ thứ ba như trong quá khứ. Có thể nói, trong các nền văn học châu Á được dịch, thì văn học Nhật Bản vẫn luôn được ưa chuộng nhất. Và hẳn nhiên, sự yêu thích không phải dàn đồng đều cho các tác giả. So với những tên tuổi đình đám của những nhà văn đương đại như Murakami Haruki (gần như toàn bộ tác phẩm của ông đã được dịch sang tiếng Việt và những người hâm mộ ông thì trải khắp các tỉnh thành, đến độ có cả những quán cà phê hay những homestay được đặt theo tác phẩm của ông), hay những nhà văn đại chúng hơn như Yoshimoto Banana, Keigo Higashino, hay những nhà văn cao cấp hơn như Yasunari Kawabata và Mishima Yukio, thì Tawada Yoko ở Việt Nam nằm ở một vị trí tương đối khiêm tốn, hay cụ thể hơn: không ai biết bà là ai. Cuốn tiểu thuyết duy nhất đã được dịch sang tiếng Việt của bà là Mắt trần, xuất bản năm 2011, không một tiếng vang và chìm vào quên lãng.
Sinh năm 1960 ở Tokyo, học chuyên ngành văn học Nga ở đại học Waseda, chuyển đến Hamburg năm 22 tuổi và định cư hẳn ở Đức từ đó, Tawada là một trong số ít các nhà văn hiện nay viết bằng cả hai thứ tiếng, Nhật và Đức, đều thành công vang dội ở cả hai thứ tiếng này, một tay gom hết các giải thưởng quan trọng của hai nền văn học, đồng thời tiện tay rinh luôn vài giải thưởng bên tiếng Anh, như đã được liệt kê trên Wikipedia: “Giải Akutagawa, Giải Tanizaki, the Noma Literary Prize, Giải Izumi Kyōka cho Văn chương, Giải Gunzo cho Nhà văn mới, Huy chương Goethe, Giải Kleist, và Giải Sách Mỹ cho văn học dịch.”
Hiến đăng sứ, tiểu thuyết ngắn, được viết bằng tiếng Nhật, ra đời năm 2014, lấy ý tưởng không chỉ từ việc dân số già ở Nhật, mà còn trực tiếp từ thảm họa hạt nhân Fukushima mà đích thân Tawada đã đến thăm nơi này vài lần kể từ năm 2011. Trong khi người già, mất đi sinh kế, và “mất đi toàn bộ lối sống quen thuộc”, như dịch giả tiếng Anh của tác phẩm này, Margaret Mitsutani trả lời trong một cuộc phỏng vấn, và họ thì miễn nhiễm với nhiễm độc hạt nhân, trẻ con lại bị ảnh hưởng. Một câu chuyện về “sự cô lập của Nhật Bản”, như chính lời Tawada nhận định, nơi người già, không biết nên gọi là may mắn hay bị nguyền rủa, tiếp tục sống mãi không hề chết đi, còn trẻ con thì sinh ra bệnh tật, yếu ớt, chết yểu, nơi động vật hoang dã duy nhất còn sống sót là quạ và nhện, nơi mọi công nghệ đều biến mất, Hiến đăng sứ nằm trong một loạt sáng tác khoa học viễn tưởng khác miêu tả một Nhật Bản phản địa đàng, chẳng hạn như truyện ngắn “The Far Shore”, hay tiểu thuyết Scattered All Over the Earth.
Nằm ở trung tâm của câu chuyện là một ông già đã trên trăm tuổi, nhưng vẫn cực kỳ cường tráng, nhà văn Yoshiro, hằng ngày chăm sóc chắt nội của mình là Mumei, nghĩa là Vô danh. Những hoạt động thường nhật của hai ông cháu được miêu tả từ ước ao ra cánh đồng cỏ thật cho Mumei chơi, một việc giờ đây không thể xảy ra nữa, tới những chi tiết mang tính chất tạo nền để người đọc hình dung ra một thế giới giả tưởng nơi Tokyo giờ đây là một thành phố bị nhiễm độc, thực phẩm tươi sống trở nên khan hiếm, thỉnh thoảng mới mua được trái cây, và các vùng ở đất nước Nhật Bản dường như bị tách rời trong một nước Nhật cắt lìa với thế giới bên ngoài không còn thông thương. Niềm hy vọng giờ đây gửi gắm ở những Hiến đăng sứ, những đứa trẻ được lựa chọn để gửi ra nước ngoài nghiên cứu nhằm mong hồi phục lại thế hệ tương lai.
Nhưng chính trong tiểu thuyết ngắn tưởng là thể nghiệm mới về thể loại này, độc giả vẫn bắt gặp những mô típ quen thuộc của nhà văn viết ở và vượt qua lằn ranh của các ngôn ngữ này: sự hóa thân và quá trình đánh mất-đi tìm nhân dạng đầy ảnh hưởng từ Franz Kafka, sự chơi với ngôn ngữ, và sự suy tàn của một hình dung về sự tồn tại ổn định của thế giới.
Coi người giúp mình biết đến thứ ngôn ngữ đẹp đẽ để viết lách là tiếng Đức nhờ vào Kafka, Tawada không lỡ một cơ hội nào để tri ân nhà văn viết tiếng Đức nổi tiếng nhất thế kỷ 20 này bằng một loạt các hành động mà các nhà nghiên cứu Daniel Medin và Arina Rotaru đã chỉ ra: đặt tên nhân vật tên là Carl trong tiểu thuyết Schwager in Bordeaux (2008), như một cách ám chỉ tới Karl Rossmann của Nước Mỹ, sáng tác vở kịch Kafka Kaikoku (2010), như là một cách viết lại Die Verwandlung (Hóa thân) của Kafka nơi nhân vật Gregor Samsa được cho xuất hiện hòa quyện với các yếu tố như kịch Noh và các nhân vật ám chỉ tới những nhà văn Nhật đương thời với Kafka, hay đơn giản hơn, là quay trở đi trở lại với mô típ cho nhân vật hóa thân thành các con vật và kể chuyện từ góc nhìn của loài vật, như một đệ tử đích thực của Kafka.
Chẳng hạn như, truyện ngắn “The Bath” mở đầu tập truyện ngắn Where Europe Begins có một người phụ nữ dường như đang biến thân thành cá vì cô mọc vẩy và mỗi buổi sáng ngủ dậy đều tắm nước nóng để kỳ cọ vẩy. Và đến Hiến đăng sứ thì hình ảnh đập vào mắt độc giả trong đoạn văn đầu tiên miêu tả cậu bé Mumei như thể một con chim non và khi mặc quần áo thì như “giơ hai tay ra ngoài như giang rộng đôi cánh.” Mumei được sinh ra từ một bà mẹ đẹp như hạc, mà khi chết thì đã biến thành chim, đến còn bé thì đôi chân yếu ớt, và thích giun đất chứ không thích sữa. Khi Samsa biến thành con bọ khổng lồ sau một đêm và luống cuống không biết làm gì với đống chân đang vung vẩy khắp mọi nơi không điều khiển nổi của mình thì Mumei cũng chật vật với đôi chân của mình khi cởi quần áo, nơi cậu hình dung mình có tám chân như bạch tuộc. Trong khi Samsa không còn thích đồ ăn tươi sống mà chuyển qua mê rau củ thối, pho mát, và nước sốt cũ, Mumei càng ngày càng gặp khó khăn trong việc tiêu hóa các thức ăn, nơi một miếng bánh mì có thể làm cậu gãy cả hàm răng và có mùi vị máu, và chỉ nước cam thôi cũng cực kỳ khó nuốt mà dễ dàng bị trào ngược trở lên.
Sự biến dạng dần dần của Mumei diễn ra cho đến cuối tác phẩm khi cậu không còn đi lại được nữa phải ngồi xe lăn, thậm chí biến đổi cả giới tính từ trai thành gái, và gần như đã biến thành một sinh vật dưới nước bằng hành động lao xuống bãi cát, dùng lưỡi nếm vị muối của cát, và rơi xuống “vực sâu của eo biển tối tăm”. Sự hóa thân xảy ra liên tục ở Mumei phải chăng đúng như hai nhà nghiên cứu Kristina Iwata-Weickgenannt và Aidana Bolatbekkyzy đề xuất rằng từ người thành chim thành sinh vật biển là một “sự đi ngược lại quá trình tiến hóa, trở về với nước,” về với trạng thái nguyên sơ của sinh vật. Trẻ con giờ đây không còn là thứ đặt hy vọng để tiến tới tương lai nữa, mà chính tác giả Tawada đã “cắt đứt sự kết nối đó”, phải chăng như một sự đập tan “cái huyễn tưởng tiến bộ và phát triển liên tục của chủ nghĩa tư bản”? Mumei vừa đi tìm mà vừa đánh mất nhân dạng, quá trình lạc lõng của một cá nhân như soi chiếu cho sự mất phương hướng của cả một quốc gia, dân tộc.
Đọc như thế nào từ ẩn dụ biến dạng ấy chính là cái tạo nên một văn bản đầy tính mở của Tawada, người luôn có ý thức rất cao trong việc nghịch ngợm với ngôn ngữ. Trong cái thế giới mới thiên nhiên điêu tàn và biến đổi đến không còn nhận ra được ấy, một loạt các quy luật mới do chính phủ đặt ra như một thứ áp lực vô hình đầy ngột ngạt siết chặt lên đời sống vốn đã đầy những bất an của ông cháu Mumei. Sự hiểm nghèo của đời sống hiện lên rõ mồn một trong những thay đổi của chính cái thứ ngôn ngữ mà họ dùng hằng ngày, trong những việc nay vẫn làm bình thường nhưng mai có thể ngồi tù vì luật thay đổi. Đặc biệt thú vị là việc cấm sử dụng những lớp từ ngoại nhập làm người dân chật vật tìm những từ thay thế và Yoshiro, người đã viết cuốn tiểu thuyết lịch sử đã phải đem chôn nó trong nghĩa trang đồ vật vì hàng loạt địa danh nước ngoài trong tác phẩm nếu lộ ra có thể ảnh hưởng đến an toàn tính mạng của người viết. Bằng một loạt những trò chơi chữ tài tình, Tawada đã bày ra những khó khăn của người sống để tránh hết sức có thể những tử ngữ đã được công khai đóng đinh thập giá.
Dẫu nằm trong một bối cảnh môi trường bị phá hủy, đời sống bấp bênh, nhưng tông màu ảm đạm lại không phải là chủ đạo của Hiến đăng sứ. Tình yêu của ông cố dành cho cháu, những ấm áp và thương cảm, những buồn rầu và bất lực của một người già lo cho một người trẻ cực kỳ hiểu chuyện, đã tạo nên một thứ ánh sáng lấp lánh cho tác phẩm. Sợi dây kết nối giữa các tác phẩm khoa học viễn tưởng với người đọc thông thường không được tạo ra rõ rệt bởi sự xa lạ về trí tưởng tượng với những du hành không thời gian và sự tiến bộ của máy móc và công nghệ, giờ đây lại được thay thế bằng thứ hiện thực thường nhật với những chăm lo thức ăn giấc ngủ cho những đứa trẻ không hấp thụ được canxi. Hơn bao giờ hết, độc giả cảm nhận được sự bấp bênh của một thế giới những tưởng sẽ ổn định trường tồn, mà chỉ cần một thảm họa bất lường, thì tất cả những gì ta vốn biết từ lâu, tan ngay trong chớp mắt.
Bài viết này thuộc zzzreview. nội dung được sao chép để demo blog.